Khí thải từ xe máy gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng không khí. Ảnh minh họa |
Hiện nay, xe máy vẫn là phương tiện giao thông phổ biến nhất của người dân Việt Nam. Chỉ tính riêng ở TP Hà Nội, số lượng xe máy gấp 8 lần ô tô. Theo số liệu thống kê quý 1/2019 từ Sở Giao thông vận tải Hà Nội, thành phố có hơn 5,7 triệu xe máy (trong đó có khoảng 2,5 triệu xe máy cũ đăng ký trước năm 2000) và trên 730 nghìn ô tô, chưa tính nhiều phương tiện từ ngoại tỉnh thường xuyên tham gia giao thông trên địa bàn.
Theo thống kê từ Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh, lượng phương tiện cơ giới trên địa bàn thành phố tính đến giữa năm 2019 có hơn 8,1 triệu xe máy, con số này gấp 10 lần số lượng ô tô và chiếm tới khoảng 90% tổng lượng phương tiện giao thông cơ giới.
Lượng khí thải phát ra từ các phương tiện trên đang gây ảnh hưởng lớn tới chất lượng không khí và đây cũng là một trong những nguyên nhân chính gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe con người. Tuy nhiên, việc quản lý khí thải từ các phương tiện giao thông còn gặp nhiều vấn đề khó khăn.
Đa phần, người dân chưa nhận thức rõ mức độ ảnh hưởng và tác hại của khí thải khi sử dụng xe mô tô, xe gắn máy cũ không đủ điều kiện về an toàn kỹ thuật cũng như không đảm bảo an toàn khi sử dụng dẫn đến những vụ tai nạn giao thông. Bên cạnh đó, phần lớn những phương tiện xe máy cũ, xe có chất lượng thấp do người lao động có thu nhập thấp sử dụng. Ngoài ra, việc thu gom và xử lý xe máy cũ chưa đúng cách cũng là tác nhân gây nên ô nhiễm.
Tại tọa đàm "Xe máy: Câu chuyện từ Hà Nội ra thế giới" được tổ chức mới đây tại Hà Nội, ThS. Vũ Anh Tuấn, chuyên gia nghiên cứu lĩnh vực Giao thông đô thị cho biết: Ngành giao thông vận tải phát thải hơn 30 nghìn tấn CO2/năm, tương ứng với 16,3% tổng lượng phát thải CO2 các ngành (không bao gồm sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp). Theo kịch bản phát triển thông thường, lượng khí thải CO2 trong lĩnh vực giao thông sẽ tăng 6-7% mỗi năm và đạt 90 triệu tấn vào năm 2030.
Th.S Vũ Anh Tuấn cho rằng, việc kiểm tra, bảo dưỡng phương tiện định kỳ thường xuyên, thay thế những thiết bị đã cũ, hỏng được coi là một giải pháp hạn chế khí thải của phương tiện.
“Việc kiểm tra và bảo dưỡng xe máy không chỉ giúp nâng cao tuổi thọ của xe mà còn gián tiếp góp phần giảm thiểu ô nhiễm không khí. Cụ thể theo nghiên cứu từ những đợt khám và bảo dưỡng xe máy trước đây, quá trình bảo dưỡng thay lọc gió, dầu bôi trơn và bugi cho thấy nồng độ CO và HC thử tại chế độ không tải giảm so với trước bảo dưỡng lần lượt là 42% và 45%. Tuy nhiên, đại bộ phận người tham gia giao thông chưa nhận thức sâu sắc về việc kiểm tra và bảo dưỡng xe thường xuyên cũng như ảnh hưởng của khí thải từ giao thông đối với sức khỏe con người”, ThS. Vũ Anh Tuấn nhấn mạnh.
Cũng tại buổi tọa đàm này, ThS. Trịnh Thị Bích Thủy - Tư vấn tự do về Môi trường và Phát triển bền vững đã lấy dẫn chứng kinh nghiệm giảm phát thải ở Đài Loan. Trong đó, Đài Loan đã áp dụng nhiều chính sách để giảm phát thải từ xe máy. Cụ thể, Chính phủ xây dựng các quy định, thể chế thực hiện. Đồng thời, kiểm tra định kỳ khí thải từ các phương tiện.
Từ năm 1988 đến nay, Đài Loan đã thực hiện 6 lần thắt chặt tiêu chuẩn kiểm tra khí thải. Việc kiểm tra và bảo dưỡng phương tiện định kỳ đã giúp giảm phát thải chất gây ô nhiễm không khí và nâng cao tính an toàn cho phương tiện. Bên cạnh đó, thực hiện hỗ trợ tài chính cho người dân như thu hồi xe cũ nát, chuyển đổi sang xe sạch hơn, ít phát thải hơn hoặc xe điện và hỗ trợ chi phí kiểm tra. Ngoài ra, công bố các chính sách sắp thực hiện, truyền thông, khuyến khích người dân giám sát thực hiện.
ThS. Trịnh Thị Bích Thủy cho rằng, bản thân mỗi người tham gia giao thông cần có sự thay đổi ở thói quen và nhận thức trong việc lựa chọn phương tiện đảm bảo các tiêu chuẩn về khí phát thải, thường xuyên bảo dưỡng, bảo hành phương tiện định kỳ theo hướng dẫn của nhà sản xuất, và không nên lưu hành các phương tiện cũ nát để môi trường đô thị thêm xanh.