Kiểm toán Nhà nước chỉ rõ nhiều bất cập trong chính sách hoàn thuế

Lưu Nguyên Sơn| 06/07/2021 11:45

(TN&MT) - Tại Tọa đàm “Kinh nghiệm kiểm toán chuyên đề Công tác quản lý nhà nước tại Tổng cục Thuế và các cục thuế liên quan đến việc hoàn, miễn, giảm, chống trốn thuế, chuyển giá năm 2020” do Kiểm toán Nhà nước tổ chức mới đây, Vụ Tổng hợp (Kiểm toán Nhà nước) khẳng định còn nhiều hạn chế, bất cập trong việc kiểm toán về công tác hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT).

Nhiều bất cập trong chính sách hoàn thuế GTGT gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác hoàn thuế của Cơ quan thuế và người nộp thuế, làm giảm hiệu quả của chính sách thuế. Ảnh minh họa

Bất cập trong chính sách

Theo Vụ Tổng hợp, các quy định của luật thuế GTGT không định nghĩa về “hoàn thuế giá trị gia tăng” song các trường hợp được hoàn thuế GTGT đã được luật hóa và sửa đổi bổ sung các trường hợp được hoàn thuế GTGT trong từng thời kỳ nhất định để phù hợp với hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ của đối tượng nộp thuế. Cụ thể, trước năm 2008, Luật Thuế GTGT quy định 3 trường hợp được hoàn; Luật Thuế GTGT 2008 quy định 4 trường hợp; Luật Thuế GTGT 2013 quy định 7 trường hợp..... Bên cạnh đó, luật cũng quy định điều kiện, thủ tục được hoàn thuế GTGT để các tổ chức, doanh nghiệp thực hiện với Cơ quan thuế.

Qua kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước, Vụ Tổng hợp cho rằng, nhiều quy định về việc hoàn thuế GTGT còn những hạn chế, bất cập.

Về cơ chế chính sách, Vụ Tổng hợp đánh giá, chính sách hoàn thuế GTGT còn chưa đồng bộ giữa Luật Thuế GTGT, các nghị định và thông tư hướng dẫn; một số văn bản hướng dẫn chưa rõ ràng dẫn đến cách hiểu khác nhau, thậm chí còn có hướng dẫn chưa phù hợp quy định của pháp luật; một số văn bản trả lời người nộp thuế còn chung chung, chưa rõ và chưa cụ thể về những vấn đề người nộp thuế vướng mắc… Điều này đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác hoàn thuế của Cơ quan thuế và người nộp thuế, làm giảm hiệu quả của chính sách thuế.

Cụ thể, Vụ Tổng hợp dẫn chứng, theo quy định tại Điểm c Khoản 6 Điều 1 Nghị định 100/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016: “Cơ sở kinh doanh không được hoàn thuế GTGT: Dự án đầu tư của cơ sở kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện khi chưa đủ các điều kiện kinh doanh theo quy định của Luật đầu tư...” nhưng Nghị định không quy định rõ thời điểm người nộp thuế (NNT) cung cấp giấy phép kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện nên có những doanh nghiệp đang đầu tư thì không được cơ quan cấp giấy phép vì chưa hoàn thành cơ sở vật chất, điều kiện về phòng cháy chữa cháy... đến khi dự án đầu tư đã hoàn thành, đủ điều kiện để được cấp giấy phép thì dự án đã đi vào hoạt động, do vậy không được hoàn thuế GTGT, điều này là chưa phù hợp với thực tế.

Cùng với đó, quy định tại Điểm c.1, Khoản 3, Điều 1 Thông tư số 130/2016/TT-BTC “Dự án đầu tư của cơ sở kinh doanh không góp đủ số vốn điều lệ như đã đăng ký theo quy định của pháp luật. Các hồ sơ đề nghị hoàn thuế dự án đầu tư nộp từ ngày 1/7/2016 của cơ sở kinh doanh nhưng tính đến ngày nộp hồ sơ không góp đủ số vốn điều lệ như đăng ký theo quy định của pháp luật thì không được hoàn thuế”. Tuy nhiên, trong trường hợp kiểm tra trước, hoàn thuế sau, NNT khi nộp hồ sơ hoàn thuế có thể chưa góp đủ vốn điều lệ nhưng trước khi Cơ quan thuế ra quyết định hoàn thuế, NNT đã góp đủ vốn điều lệ thì nên hoàn thuế cho NNT, có như vậy mới khuyến khích NNT đầu tư sản xuất kinh doanh.

Một điểm khác, Vụ Tổng hợp cho biết, theo quy định tại Điều 39, Điều 46 Luật Đầu tư số 67/2014/QH13 ngày 26/11/2014 có nêu về nội dung về tiến độ thực hiện dự án đầu tư (tiến độ xây dựng cơ bản và đưa công trình vào hoạt động - nếu có; tiến độ thực hiện các mục tiêu hoạt động, hạng mục chủ yếu của dự án, trường hợp dự án thực hiện theo từng giai đoạn, phải quy định mục tiêu, thời hạn, nội dung hoạt động của từng giai đoạn) trong Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Tuy nhiên, các văn bản hướng dẫn hoàn thuế GTGT đối với dự án đầu tư không đề cập rõ việc hoàn thuế đối với trường hợp dự án thực hiện theo từng giai đoạn đầu tư.

“Bịt lỗ hổng” chính sách hoàn thuế

Theo Vụ Tổng hợp, mặc dù công tác hướng dẫn lập dự toán hoàn thuế GTGT của Tổng cục Thuế đã được quan tâm song việc tổ chức thực hiện lập dự toán của các Cục thuế còn chưa đánh giá sát tình hình thực tiễn đối với các nhóm đối tượng được hoàn thuế GTGT nên dự toán ngân sách nhà nước về hoàn thuế GTGT hằng năm thường được điều chỉnh bổ sung theo xu hướng tăng. Ví dụ, năm 2020 phải bổ sung khoảng 6% so với số dự toán ban đầu.

Bên cạnh đó, công tác giải quyết hồ sơ hoàn thuế GTGT còn chậm so với quy định; tổ chức thực hiện hoàn thuế GTGT một số hồ sơ còn chưa đúng về điều kiện...

Từ những phát hiện kiểm toán như trên, Vụ Tổng hợp cho rằng cần sớm hoàn thiện quy định pháp luật hoàn thuế GTGT theo hướng vừa quản lý chặt chẽ để phòng chống gian lận thuế, vừa tạo môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Theo đó, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số quy định pháp luật về thuế GTGT như: Điều chỉnh quy định điểm c.1 khoản 3 Điều 1 Thông tư số 130/2016/TT-BTC theo hướng trước khi Cơ quan thuế ra quyết định hoàn thuế mà NNT đã góp đủ vốn điều lệ thì được hoàn thuế nhằm khuyến khích NNT đầu tư vào sản xuất kinh doanh; Quy định rõ thời điểm người nộp thuế cung cấp giấy phép kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện trong Nghị định số 100/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hoàn thuế. Đồng thời, bổ sung hướng dẫn hoàn thuế GTGT đối với dự án đầu tư thực hiện theo từng giai đoạn được xác định trên Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Mặt khác, cần tăng cường công tác quản lý để nâng cao hiệu quả của chính sách hoàn thuế GTGT. Theo đó, công tác dự báo để dự toán NSNN về giá trị hoàn thuế GTGT phải sát với tình hình thực tiễn; công tác giải quyết hồ sơ hoàn thuế GTGT cho các đối tượng phải đầy đủ, kịp thời...

Bên cạnh đó, cần nghiên cứu có cơ chế phù hợp trong việc giám sát, theo dõi hoặc kiểm tra đánh giá về tính hiệu lực, hiệu quả của chính sách này để có những giải pháp căn cơ, hữu hiệu hơn trong hoạt động quản lý nhà nước cũng như thúc đẩy môi trường, hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của các đối tượng được hưởng lợi từ chính sách.

Thuế GTGT được hiểu là một loại thuế gián thu tính trên khoản giá trị tăng thêm của hàng hoá, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng và được nộp vào ngân sách nhà nước theo mức độ tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ. Mục đích hướng tới của chính sách hoàn thuế GTGT là tạo điều kiện cho đối tượng nộp thuế kịp thời có nguồn vốn để tái đầu tư, mở rộng kinh doanh, thúc đẩy sản xuất..., qua đó góp phần vào tăng trưởng nền kinh tế của đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiểm toán Nhà nước chỉ rõ nhiều bất cập trong chính sách hoàn thuế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO