Báo cáo Triển vọng Năng lượng Việt Nam 2021 đã đưa ra góc nhìn trung và dài hạn về các kịch bản phát triển ngành năng lượng Việt Nam đến năm 2050, cung cấp thông tin cho các nhà hoạch định chính sách và gợi mở các thảo luận về quá trình chuyển đổi xanh.
Nhu cầu phát triển kinh tế và dân số, nhu cầu năng lượng trong tương lai của Việt Nam dự kiến sẽ gia tăng. Báo cáo đã chỉ ra những thách thức đối với hệ thống năng lượng của Việt Nam để đáp ứng các yêu cầu này theo các chủ đề lớn, bao gồm: Chi phí hệ thống năng lượng/mức chi phí năng lượng phải chăng; Sự cần thiết của việc nâng cao năng lực truyền tải điện; Sự phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu; Ô nhiễm không khí.
Đặc biệt, Báo cáo Triển vọng Năng lượng Việt Nam đã xem xét kịch bản để Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050 và nghiên cứu chuyên sâu về chuyển đổi năng lượng trong lĩnh vực giao thông. Theo đó, điện khí hóa ngành giao thông, chuyển đổi nhiên liệu hoá thạch sang nhiên liệu điện phân, và tăng cường phương thức vận tải bằng đường sắt điện khí hoá sẽ giúp giảm đáng kể lượng khí thải cacbon và ô nhiễm không khí. Song hành là các mục tiêu tham vọng về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Hướng tới đạt được mức phát thải ròng bằng 0 sẽ giúp Việt Nam không phụ thuộc vào nhập khẩu nhiên liệu. Dự kiến đến 2050, tỉ trọng nhiên liệu nhập khẩu có thể lên đến 70% tổng cung năng lượng trong kịch bản cơ sở, tương đương với chi phí 53 tỷ USD. Trong bối cảnh giá nhiên liệu thế giới biến động mạnh và khó kiểm soát như hiện nay, giảm nhập khẩu nhiên liệu đồng nghĩa với giảm thiểu rủi ro cho hệ thống năng lượng quốc gia.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An, Báo cáo đã sử dụng nguồn số liệu chất lượng tốt, các mô hình cấp cao để tính toán các kịch bản phát triển điện nói riêng và năng lượng nói chung. Từ đó, cung cấp các thông tin hữu ích về phát triển hệ thống điện và năng lượng trong ngắn hạn và dài hạn, phù hợp với định hướng của Chính phủ Việt Nam về phát triển năng lượng bền vững gắn liền với mục tiêu bảo vệ môi trường và an ninh năng lượng. Đây sẽ là một trong những nguồn thông tin đầu vào cho việc thực hiện Quy hoạch Phát triển Điện lực Quốc gia 8 của Việt Nam (QHĐ8), Quy hoạch Tổng thể Năng lượng Quốc gia, Chiến lược Biến đổi Khí hậu của Việt Nam cũng như các kế hoạch và chiến lược khác của chính phủ.
Theo Đại sứ Đan Mạch Kim Højlund Christensen, Việt Nam là một đối tác quan trọng của Đan Mạch trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh. Chính phủ Đan Mạch sẽ hỗ trợ Việt Nam các giải pháp, bí quyết và thực tiễn tốt nhất để hiện thực hóa tiềm năng to lớn về chuyển đổi xanh, cam kết chống biến đổi khí hậu cũng như đạt được mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050 một cách hiệu quả và công bằng nhất.
Một trong những hợp tác quan trọng là phát triển các dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam. Đây là ngành công nghiệp mới hoàn toàn khác với công nghệ gió gần bờ hiện có, từ quy mô công suất và công nghệ. Ngày nay, Đan Mạch là quốc gia đi đầu trong việc giảm chi phí điện gió ngoài khơi và có thể chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng chính sách dài hạn và ổn định, giúp điện gió ngoài khơi ở Việt Nam có thể cạnh tranh với các công nghệ phát điện khác về giá mà không cần trợ cấp của chính phủ.
Đối thoại minh bạch giữa các cơ quan chức năng và nhà đầu tư về chia sẻ rủi ro và xây dựng một khuôn khổ pháp lý thuận lợi là bài học kinh nghiệm quý báu nhất từ Đan Mạch. Nếu không tạo ra được môi trường đầu tư cạnh tranh, Việt Nam sẽ khó có khả năng thu hút được các khoản đầu tư khổng lồ cần thiết cho phát triển ngành này.