Riêng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), kịch bản đã được cập nhật thường xuyên và đưa ra các chỉ dẫn xác đáng góp phần tích cực vào việc định hướng, dẫn dắt thực hiện quy hoạch tổng thể vùng ĐBSCL phát triển trong tương lai. Để hiểu rõ hơn vấn đề này, Báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Phạm Thị Thanh Ngà (ảnh), Phó Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu - đơn vị trực tiếp xây dựng Kịch bản BĐKH&NBD.
PV: ĐBSCL được xem như là một trong các “điểm nóng” của hiện tượng BĐKH&NBD. Trong dài hạn, khu vực này sẽ gặp khó khăn, thách thức như thế nào, thưa bà?
PGS.TS Phạm Thị Thanh Ngà: Thách thức lớn nhất mà ĐBSCL phải đối mặt đó là ảnh hưởng từ hoạt động phát triển kinh tế - xã hội ở phía thượng nguồn sông Mê Công, phát triển kinh tế - xã hội nội tại của ĐBSCL. Tác động của BĐKH&NBD dẫn đến làm thay đổi dòng chảy ở các lưu vực sông, suy giảm lượng phù sa, sạt lở bờ sông. Tình trạng sụt lún đất do khai thác nước ngầm quá mức, sự gia tăng xâm nhập mặn, hạn hán… sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất lúa; làm thay đổi cấu trúc mùa vụ và năng suất cây trồng, dịch bệnh gia tăng.
PGS.TS Phạm Thị Thanh Ngà |
Ngoài ra, BĐKH&NBD làm suy giảm tài nguyên nước và tài nguyên đất. Theo Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), ưu thế tự nhiên cho phát triển trước đây và hiện nay của ĐBSCL sẽ thay đổi theo hướng suy giảm tài nguyên nước và phù sa; gia tăng nước mặn, nước lợ. Sụt lún đất và nước biển dâng sẽ tác động lớn tới tài nguyên đất, cơ cấu sử dụng đất, các hệ sinh thái và môi trường, làm thay đổi căn bản mô hình sản xuất, tập quán sinh hoạt, sinh kế và đời sống của người dân trong vùng.
Những vấn đề về xung đột giữa nhu cầu nước ngọt cho nông nghiệp và nhu cầu nước mặn, nước lợ để nuôi tôm đang diễn ra ở nhiều nơi. Việc phát triển hạ tầng chống lũ, thủy lợi, giao thông đô thị, khu công nghiệp… đã làm biến đổi sâu sắc chế độ lũ như vốn có trước đây. Việc phát triển hệ bờ bao, khu dân cư vượt lũ… làm giảm không gian chứa lũ, thoát lũ, tăng nguy cơ ngập, lụt ở nhiều khu vực. Diện tích chứa lũ giảm đồng thời mực nước biển dâng sẽ làm tăng mực nước lũ ở khu vực trung tâm ĐBSCL trong thời gian dài.
Ở các khu vực trung và hạ lưu, do phát triển công nghiệp và đô thị hóa cao, diện tích chứa lũ giảm và nước biển dâng làm tăng nguy cơ ngập lũ. Cung cấp nước sạch chỉ đảm bảo được cho 60 - 65% dân số đô thị và tỷ lệ này thấp hơn rất nhiều đối với nông thôn.
Nguồn nước để cấp nước ở các khu vực nông thôn đang phải đối mặt với hai vấn đề lớn là mặn và ô nhiễm nguồn nước. Bên cạnh đó, hệ thống ngăn mặn, giữ ngọt chưa đồng bộ hoặc việc vận hành chưa hợp lý cũng sẽ là vấn đề lớn trong việc bảo đảm nguồn nước ngọt cho canh tác và sinh hoạt.
PV: Cụ thể, nguy cơ ngập của ĐBSCL sẽ ở mức nào, thưa bà?
PGS.TS Phạm Thị Thanh Ngà: Theo kịch bản BĐKH&NBD cho Việt Nam năm 2016, nếu mực nước biển dâng 100 cm vào cuối thế kỷ, khoảng 39% diện tích ĐBSCL có nguy cơ bị ngập vĩnh viễn. Trong đó, các tỉnh có nguy cơ ngập cao nhất là Hậu Giang (80,63%), Kiên Giang (76,86%) và Cà Mau (57,69%).
Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu vừa trình Bộ TN&MT Dự thảo Kịch bản BĐKH&NBD cập nhật năm 2020, trong đó có một số điểm khác biệt so với kịch bản năm 2016. Tính toán cho thấy, diện tích có nguy cơ ngập của ĐBSCL sẽ tăng lên và điều này sẽ ảnh hưởng đến tính bền vững của quy hoạch vùng và quy hoạch các địa phương trong thời gian tới.
PV: Dựa trên cơ sở nào để Dự thảo Kịch bản BĐKH&NBD mới nhất đưa ra nhận định diện tích có nguy cơ ngập của ĐBSCL sẽ tăng lên?
PGS.TS Phạm Thị Thanh Ngà: Dự thảo Kịch bản BĐKH&NBD năm 2020 được xây dựng trên cơ sở Báo cáo đánh giá lần thứ 5 của Ban Liên Chính phủ về BĐKH; số liệu quan trắc khí tượng thủy văn và mực nước biển dâng, xu thế BĐKH&NBD ở Việt Nam cập nhật đến năm 2018, số liệu địa hình cập nhật đến năm 2020; các mô hình khí hậu toàn cầu và mô hình khí hậu khu vực có độ phân giải cao cho Việt Nam, kế thừa các kết quả nghiên cứu mới nhất của Viện và các cơ quan nghiên cứu trong và ngoài nước cũng như các đối tác quốc tế.
BĐKH và nước biển dâng làm suy giảm tài nguyên nước và tài nguyên đất. |
Diện tích ngập tăng một phần do Kịch bản cập nhật thông tin sụt lún của ĐBSCL từ số liệu địa hình cập nhật đến năm 2020 của Dự án Chính phủ “Thành lập cơ sở dữ liệu nền thông tin địa lý ở tỷ lệ 1:2.000 và 1:5.000 các khu vực đô thị, khu vực công nghiệp, khu vực kinh tế trọng điểm”, do Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý (Bộ TN&MT) vừa hoàn thành. Bên cạnh đó, kịch bản cũng xét đến xu thế dâng cao của mực nước biển trung bình toàn cầu do BĐKH.
Có thể nói, các thông tin sử dụng làm đầu vào cho Kịch bản đều lấy từ nguồn có tính khoa học, mức độ tin cậy cao và cập nhật. Điều này giúp chúng tôi có thể tính toán và đưa ra nhận định bám sát nhất có thể về những biểu hiện, xu thế BĐKH tại Việt Nam.
PV: Theo bà, việc ứng dụng Kịch bản BĐKH&NBD sẽ giúp ích gì trong xây dựng Quy hoạch vùng ĐBSCL giai đoạn 2021 - 2030 tới đây?
PGS.TS Phạm Thị Thanh Ngà: Việt Nam đang phải đối mặt với các tổn thất và thiệt hại do BĐKH, những mất mát vượt ra ngoài khả năng ứng phó ngay cả khi đã áp dụng triệt để các biện pháp thích ứng với BĐKH và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.
Theo nhận định, đầu tư phát triển có thể làm gia tăng BĐKH do không kiểm soát được phát thải khí nhà kính dẫn đến sự nóng lên toàn cầu. Chính vì vậy, điểm quan trọng của Thỏa thuận Paris là để kiềm chế mức tăng nhiệt độ dưới 2 độ C, đảm bảo sự phát triển trong sự kiểm soát với BĐKH.
Như vậy, Kịch bản BĐKH dự tính các mức thay đổi về nhiệt độ, lượng mưa, các hiện tượng cực đoan, nước biển dâng, nguy cơ ngập do nước biển dâng trên cơ sở các kịch bản phát thải, thấp, vừa, cao, để giúp cho các nhà hoạch định chính sách thấy rõ những nguy cơ, rủi ro gây ra do BĐKH tương ứng với các mức độ đầu tư phát triển để đưa ra những quyết sách phù hợp, hoặc đưa ra những giải pháp phù hợp hướng tới phát triển kinh tế xanh.
Ví dụ như đổi mới quy hoạch sử dụng đất cho phát triển đô thị, phát triển giao thông, khu công nghiệp, khu chế xuất, các công trình phúc lợi xã hội theo hướng dành quỹ đất đủ cho phát triển cây xanh, hồ nước và các công trình hạ tầng kỹ thuật môi trường theo quy chuẩn quốc tế. Như vậy, trong quá trình quy hoạch phát triển các ngành nghề, lĩnh vực, chắc chắn cần có sự đóng góp của Kịch bản BĐKH&NBD.
Và Kịch bản BĐKH&NBD là cơ sở dữ liệu then chốt cho việc xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch hành động động ứng phó với biến đổi khí hậu. Cụ thể như xây dựng các chiến lược, quy hoạch quốc gia; xây dựng chỉ tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng các quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực; quy hoạch đô thị và sử dụng đất, cơ sở hạ tầng, khu công nghiệp, khu tái định cư cho thời kỳ quy hoạch 2021 - 2030.
PV: Trân trọng cảm ơn bà!