Báo cáo chỉ ra, các hiện tượng lũ lụt, hạn hán kỷ lục trong năm qua không diễn ra ngẫu nhiên, mà là bằng chứng cho thấy một cuộc khủng hoảng hệ thống do sai lầm trong quản lý nguồn nước của con người kéo dài hàng thập kỷ qua.
Nghiên cứu cho thấy, cuộc khủng hoảng nguồn nước có liên quan mật thiết và tác động qua lại đến sự nóng lên toàn cầu, mất đa dạng sinh học. Các hoạt động của con người đang làm thay đổi lượng mưa và nguồn cung cấp nước ngọt, dẫn đến sự thay đổi nguồn cung cấp nước trên toàn thế giới.
Theo ông Johan Rockström, Giám đốc Viện Nghiên cứu tác động khí hậu Potsdam - đồng chủ tịch của Ủy ban Toàn cầu về Kinh tế nguồn nước: Nhiệt độ Trái Đất tăng 1°C sẽ làm tăng thêm khoảng 7% độ ẩm vào vòng tuần hoàn của nước, làm cho chu trình này mạnh lên và dẫn đến ngày càng nhiều hiện tượng thời tiết khắc nghiệt hơn. Do đó, nước vừa là nguyên nhân vừa là nạn nhân của biến đổi khí hậu. Con người đang thay đổi toàn bộ chu trình thủy văn toàn cầu.
Nước cũng là chìa khóa để đạt được tất cả các Mục tiêu Phát triển bền vững. Hơn hai tỷ người vẫn không được tiếp cận với nguồn nước được quản lý một cách an toàn. Cứ 80 giây lại có một trẻ em dưới 5 tuổi chết vì các bệnh do nước ô nhiễm gây ra. Ông Ngozi Okonjo-Iweala, Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) - Đồng chủ tịch của Uỷ ban Toàn cầu về Kinh tế nguồn Nước nhận định: Các quốc gia cần phát triển một nền kinh tế mới giúp giảm lãng phí nguồn nước, nâng cao hiệu quả sử dụng nước và tạo cơ hội cho sự tiếp cận nước công bằng.
Điều quan trọng là thế giới phải công nhận và quản lý vòng tuần hoàn nước như một lợi ích chung toàn cầu. Các phương pháp quản lý nước phần lớn mang tính địa phương hiện nay không phản ánh thực tế các mối liên hệ đa quốc gia trong hệ thống các nguồn nước trên Trái Đất, bao gồm các dòng sông, dòng nước ngầm xuyên biên giới, các luồng hơi nước trong khí quyển luân chuyển bắt nguồn từ các hệ sinh thái trên đất liền. Cuộc khủng hoảng nguồn nước có mối liên hệ sâu sắc với biến đổi khí hậu và các quốc gia cần hợp tác để giải quyết vấn đề này.
Ủy ban Toàn cầu về Kinh tế nguồn nước đề xuất một phương pháp tiếp cận tập trung vào kết quả, phản ánh nhiều vai trò của nước đối với sức khỏe con người. Trong đó, huy động các bên liên quan tới nguồn nước (bao gồm khu vực công, tư nhân, các tổ chức xã hội và cộng đồng địa phương) và đối mới chính sách để đưa ra các giải pháp cho các vấn đề cụ thể, tăng quy mô đầu tư vào nguồn nước.
Nhóm tác giả của báo cáo cũng cho rằng, thế giới phải ngừng việc đánh giá thấp giá trị của nước và định giá nước ở mức thấp, chú trọng sử dụng nước công bằng giữa các địa phương và tạo tính bền vững ở cả quy mô quốc gia, toàn cầu.
Ủy ban cũng đưa ra lời kêu gọi thế giới cần hành động để tạo ra chuyển biến đáng kể trong giai đoạn từ nay đến 2030, bao gồm: Củng cố các hệ thống lưu trữ nước ngọt, phát triển nền kinh tế tuần hoàn về nước tại các đô thị, đặc biệt là tái chế nước thải công nghiệp và đô thị; giảm tiêu hao nước trong sản xuất, cũng như chuyển đổi nông nghiệp sang tưới tiêu chính xác, sử dụng giống cây trồng ít cần nước và canh tác chống chịu hạn hán.
Các phương thức quản trị nước đa phương hiện vẫn đang phân tán và không xử lý được các thách thức. Để định hình lại, các tổ chức có thể sử dụng chính sách thương mại như một công cụ điều chỉnh hành vi sử dụng nước bền vững hơn; trao quyền nhiều hơn cho nông dân, phụ nữ, thanh niên, người dân bản địa và cộng đồng địa phương - những người đang ở tuyến đầu trong công tác sử dụng nước bền vững.
Ủy ban Toàn cầu về Kinh tế nguồn nước (GCEW) được thành lập vào tháng 5 năm 2022 theo sáng kiến của Chính phủ Hà Lan với tư cách là đồng chủ nhà của Hội nghị về nước năm 2023 của Liên Hợp Quốc, với mục đích tái định hình kinh tế và quản trị nguồn nước. Báo cáo “Đảo ngược tình thế: Lời kêu gọi hành động tập thể” là phần cuối cùng trong bộ ba nghiên cứu của Ủy ban về tính bền vững của nước. Hai báo cáo trước đó là Báo cáo Đánh giá nghiêm túc về Kinh tế biến đổi khí hậu; Đánh giá của Dasgupta về Kinh tế đa dạng sinh học.