PV: Khu dự trữ sinh quyển (KDTSQ) Lang Biang vừa được Hội đồng Điều phối Quốc tế Chương trình Con người và Sinh quyển của UNESCO công nhận là KDTSQ thế giới. Đây có thể coi là cơ hội để Lâm Đồng tiếp tục thực hiện chiến lược phát triển bền vững, thưa ông ?
TS Phạm S: Sau khi biết thông tin Lang Biang được công nhận là KDTSQTG, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở ngành và đại bộ phận dân cư trong khu sinh quyển rất phấn khởi và vui mừng trước sự kiện quan trọng có tầm ảnh hưởng quốc gia và quốc tế. Lang Biang là khu vực rất đặc thù bởi tính ĐDSH cao, có quy mô lớn và nằm trên địa bàn thành phố Đà Lạt. Tổ chức UNESCO công nhận KDTSQTG sẽ giúp Lâm Đồng tiếp tục thực hiện chiến lược phát triển bền vững thông qua việc khai thác các giá trị tổng hợp của dịch vụ hệ sinh thái. Trọng tâm là phát triển du lịch và dịch vụ, góp phần xây dựng và phát triển thành phố Đà Lạt trở thành trung tâm du lịch, đào tạo, nghiên cứu khoa học của cả nước và là trung tâm nghiên cứu quốc tế về rừng nhiệt đới. Theo đó, tiếp tục thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao với trọng tâm là sản xuất và xuất khẩu rau, hoa cùng các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ khác.
Tiến sỹ Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng |
PV: Nhưng cơ hội đến cũng đồng thời Việt Nam và tỉnh đang đối diện những thách thức, thưa ông ?
TS Phạm S: Đó là thách thức trong việc duy trì các chức năng của một KDTSQTG. Vì vậy, chúng ta phải thực hiện nghiêm túc cam kết quốc tế về bảo tồn ĐDSH; phải có giải pháp đồng bộ hơn, khoa học hơn và triệt để hơn nhằm tìm giải pháp thích ứng trong điều kiện biến đổi khí hậu. Mặt khác, chúng ta phải có giải pháp chiến lược và khoa học hơn trong phát triển bền vững trên cơ sở 3 trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường. Ở KDTSQTG Lang Biang, đa số người dân đang sinh sống có mật độ dân cư và hoạt động sản xuất nông nghiệp cao hơn trung bình của tỉnh, do đó cách ứng xử của mỗi người dân qua mọi hoạt động sản xuất và đời sống có tác động tích cực hay hạn chế đến KDTSQTG. Mặt khác, một bộ phận công chức, viên chức của tỉnh, du khách và người dân trong vùng chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, ý nghĩa tầm ảnh hưởng của KDTSQTG, do đó phải làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, nhằm nâng cao trách nhiệm của mỗi người đối với KDTSQTG Lang Biang.
PV: Thưa ông, thời gian qua, Lâm Đồng là một trong những địa phương đi đầu thực hiện và đạt hiệu quả về chương trình chi trả dịch vụ môi trường rừng của Chính phủ Việt Nam. Đã có hơn 8.000 hộ dân được hưởng lợi từ dịch vụ hệ sinh thái trong KDTSQ Lang Biang thông qua những đóng góp của họ cho việc bảo vệ và duy trì các giá trị của hệ sinh thái. Từ nay, KDTSQTG Lang Biang sẽ càng mang lại sinh kế bền vững cho cộng đồng bản địa ?
TS Phạm S: Đúng như vậy. KDTSQTG Lang Biang sẽ tạo thêm cơ hội cho cộng đồng dân tộc bản địa tham gia vào các hoạt động phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, qua đó nâng cao sinh kế cho cộng đồng. Việc UNESCO công nhận KDTSQTG Lang Biang cũng là ghi nhận sự đóng góp tích cực của chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia đối với lĩnh vực bảo tồn ĐDSH, biến đổi khí hậu và phát triển bền vững vì mục tiêu thiên niên kỷ do Liên hiệp quốc khởi xướng.
Ông Phạm S chỉ đạo các ngành và địa phương trong đợt kiểm tra hiện trường |
PV: Sẽ có nhiều chương trình, kế hoạch vừa mang tính giải pháp vừa mang tầm chiến lược được tỉnh Lâm Đồng đặt ra nhằm “bảo tồn cho phát triển, phát triển để bảo tồn” đối với KDTSQTG Lang Biang. Ông có thể tóm tắt một số nội dung cơ bản ?
TS Phạm S: Thứ nhất là đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá hình ảnh KDTSQTG Lang Biang nhằm đến những hoạt động tích cực và khai thác hiệu quả tiềm năng về du lịch và dịch vụ. Sẽ sớm thành lập Ban quản lý KDTSQ với sự tham gia của các bên liên quan và hoạt động theo hướng dẫn của Ủy ban Con người và Sinh quyển Việt Nam. Đồng thời, sẽ xây dựng kế hoạch quản lý, điều hành theo hướng tiếp cận đa ngành, có sự phê duyệt của UBND tỉnh. Tiếp nữa là thiết lập và duy trì diễn đàn quản lý nhằm quyết định những vấn đề quan trọng liên quan đến bảo tồn và phát triển KDTSQ. Năm 2015, dự án hỗ trợ kỹ thuật của Chính phủ Nhật Bản đã được chấp thuận, giúp UBND tỉnh Lâm Đồng trong việc thiết lập cơ chế quản lý KDTSQ. Nhân dịp Festval hoa vào cuối năm nay, tỉnh sẽ tổ chức lễ công bố và hội thảo khoa học quốc tế về KDTSQTG Lang Biang...
Tôi tin tưởng rằng, bằng những nỗ lực nội tại của chính quyền các cấp và người dân Lâm Đồng, cùng sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, KDTSQTG Lang Biang sẽ được bảo tồn và phát triển theo phương châm của Chương trình Con người và Sinh quyển thế giới.
PV: Trân trọng cảm ơn Phó Chủ tịch!
Kỳ họp lần thứ 27 Hội đồng Điều phối Quốc tế Chương trình Con người và Sinh quyển (ICC MAB) của UNESCO tổ chức ở Paris, Cộng hòa Pháp, diễn ra từ ngày 8/6 đến 12/6/2015. Tổng số tham dự có 250 đại biểu đến từ 120 nước, gồm 24 nước thành viên, các nước quan sát viên (trong đó có Việt Nam) và các tổ chức quốc tế. Tổng số hồ sơ đề cử để xét KDTSQ năm 2015 là 25 bộ. Với diện tích 275.439 ha, Khu dự trữ sinh quyển (KDTSQ) Lang Biang gồm vùng rừng nguyên sinh rộng lớn với lõi là Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà. Đây là một trong bốn trung tâm đa dạng sinh học của Việt Nam, giá trị của nó mang tính toàn cầu. Khoa học đã ghi nhận khu vực này có 153 loài động thực vật nằm trong Sách đỏ ViệtNam (2007) và 154 loài có tên trong Danh Lục Đỏ IUCN(2010). Cơ quan bảo vệ động vật hoang dã thế giới (WWF) xác định đây là khu vực ưu tiên bảo tồn số 1 (Khu vực SA3) trong Chương trình bảo tồn các dãy núi chính Nam Trường Sơn của Việt Nam. |
Minh Đạo (thực hiện)