Khu công nghiệp nhiều cái… không
KCN Tằng Loỏng đã trải qua 2 lần điều chỉnh quy hoạch, sơ khai là việc xây dựng Nhà máy tuyển luyện quặng Apatit từ năm 1980, đến năm 2006, UBND tỉnh Lào Cai chính thức quy hoạch thành cụm công nghiệp – đô thị. Năm 2011, UBND tỉnh Lào Cai ra Quyết định số 285/QĐ ngày 10/2/2011 về việc quy hoạch mở rộng cụm công nghiệp – đô thị thành KCN Tằng Loỏng.
Ban đầu, KCN có quy mô 269 ha, đến nay đã trên 1.100 ha. Trong đó, đất dành cho công nghiệp 631,6 ha; đất trồng cây xanh 275,59 ha, còn lại đất giao thông và đất hạ tầng kỹ thuật khác... Đã có 28 dự án đăng ký đầu tư vào khu công nghiệp với tổng số vốn gần 19.000 tỷ đồng, tỷ lệ lấp đầy đạt 67,45%. Hiện có 16 doanh nghiệp hoạt động chủ yếu là sản xuất hóa chất, luyện kim và phân bón.
Hiện nay, trong và cạnh KCN Tằng Loỏng có trên 1000 hộ dân bị ảnh hưởng và phải có kế hoạch di dời tới điểm tái định cư (TĐC). Vừa qua, 69 hộ dân bị ảnh hưởng nặng nề nhất đã được tỉnh di dời ra khỏi khu vực nguy hiểm và ô nhiễm. Tuy nhiên, nhiều người dân phản ánh đó chỉ là giải pháp trước mắt, bởi điểm TĐC cho 69 hộ dân này vẫn thuộc phạm vi bị ảnh hưởng bởi KCN Tằng Loỏng.
Chất thải rắn và hồ xử lý nước thải của Công ty Cổ phần hóa chất Đức Giang |
Hơn 10 năm đi vào hoạt động, trên 95% các nhà máy hoạt động trong lĩnh vực luyện kim, hóa chất và phân bón, đây là những ngành có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường rất lớn, nhưng KCN vẫn không hề có khu xử lý chất thải, nước thải tập trung. Nước thải tại các nhà máy đều chưa được xử lý triệt để trước khi xả ra ngoài môi trường đã dẫn tới tình trạng ô nhiễm từ nhiều năm nay. Trước đó năm 2011, ô nhiễm của các nhà máy trong KCN làm thiệt hại hơn 40ha cây trồng của 3 thôn Khe Khoang, Thái Bình và Khe Chom. Trong năm 2012, ô nhiễm khiến cá nuôi chết hàng loạt ở hai thôn Thái Bình và Khe Khoang. Và gần đây nhất là hàng loạt công ty bị xử phạt liên quan tới môi trường.
Đặc biệt, chất thải rắn phát sinh trong KCN rất lớn, bình quân mỗi ngày đêm cả khu thải ra tới 4.764,2 tấn, cả năm trên 1,7 triệu tấn, song điều này không được các doanh nghiệp quan tâm đúng mức mà chất thải chỉ được lưu chứa trong khuôn viên nhà máy và khu vực đất trống trong khu công nghiệp, hoặc được dùng san lấp mặt bằng. Do vậy khi trời mưa các chất thải hòa tan vào nước, thẩm thấu xuống đất hoặc chảy tràn ra môi trường xung quanh gây ô nhiễm môi trường.
Hàng loạt các sai phạm
Lý giải về những hạn chế về bảo vệ môi trường của KCN Tằng Loỏng, đại diện Sở TN&MT Lào Cai cho rằng: Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng ô nhiễm tại KCN này, nhưng trước hết là do KCN không được quy hoạch đồng bộ ngay từ đầu, trong quá trình phát triển cứ mở rộng dần nhưng không đầu tư vào các hạng mục đảm bảo an toàn môi trường và môi sinh cho người dân.
Hiện nay, KCN Tằng Loỏng có 16 nhà máy hoạt động, hạ tầng KCN đầu tư rất chậm do thiếu vốn, hạ tầng xử lý môi trường chung của KCN cũng chưa được chú trọng đầu tư. Mỗi nhà máy có đánh giá tác động môi trường riêng nhưng cả khu KCN lại không có đánh giá tác động môi trường chung. Ngoài ra, khâu thẩm định công nghệ xử lý của các nhà máy chưa chặt chẽ, quá trình vận hành, hệ thống xử lý môi trường của các nhà máy thường bị sự cố...
Chính từ những nguyên nhân đó, qua kiểm tra Tổng cục Môi trường đã phát hiện và xử phạt tới gần 10 nhà máy hoạt động trong KCN Tằng Loỏng vi phạm pháp Luật Bảo vệ môi trường như : Công ty trách nhiệm hữu hạn Đông Nam Á Lào Cai sản xuất phốt pho vàng tại KCN Tằng Loỏng (tỉnh Lào Cai) với tổng mức tiền phạt cho các hành vi vi phạm là 89.298.000 đồng. Công ty Cổ phần Hóa chất Phúc Lâm sản xuất phụ gia thức ăn gia súc tại KCN Tằng Loỏng (tỉnh Lào Cai) với tổng mức tiền phạt cho các hành vi vi phạm là 219.666.300 đồng. Xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với Công ty Cổ phần Hóa chất Đức Giang Lào Cai sản xuất hóa chất cơ bản tại KCN Tằng Loỏng (tỉnh Lào Cai) với tổng mức tiền phạt cho các hành vi vi phạm 22.431.800 đồng. Công ty Cổ phần Hóa chất Phân bón Lào Cai sản xuất hóa chất cơ bản, sản xuất phân bón và hợp chất ni tơ tại KCN Tằng Loỏng (tỉnh Lào Cai) cũng vi phạm và bị xử phạt 260 triệu đồng. Riêng Công ty TNHH luyện kim và khoáng sản Việt Trung không xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung tại nhà máy sản xuất gang thép ở KCN Tằng Loỏng ( tỉnh Lào Cai) với tổng số tiền xử phạt là 200 triệu đồng. Công ty TNHH Sản xuất và Xuất nhập khẩu bao bì có cơ sở sản xuất thùng phi chứa hóa chất tại KCN Tặng Loỏng ( tỉnh Lào Cai) bị xử phạt với với tổng mức tiền phạt cho các hành vi vi phạm lên tới 307.666.000 đồng....
Trong khi tỉnh Lào Cai đã duyệt Đề án Bảo vệ môi trường trên giấy và chưa biết bao giờ mới triển khai với khoản đầu tư nhiều trăm tỷ đối với KCN Tằng Loỏng như: Xây dựng hệ thống thu gom nước thải của tất cả các nhà máy và đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung cho cả KCN với số vốn đầu tư 500 tỷ đồng; xây dựng khu xử lý chất thải rắn tập trung với tiền đầu tư khoảng 200 tỷ đồng… thì người dân nơi đây từng ngày vẫn “sống mòn” trong ô nhiễm.
Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ thông tin tiếp về vấn đề này.
Nguyễn Cường - Song Doãn