Khu vực Tân Hải (huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) trở thành cửa ngõ ra vào Khu lọc hóa dầu Long Sơn, nhưng nguồn nước và không khí ở đây đang bị ô nhiễm bởi khu chế biến hải sản tập trung. Điều này buộc phải nghĩ đến việc sớm di dời khu chế biến hải sản này.
Nước thải màu đỏ có mùi hôi nồng nặc tại cống xả số 6 - nơi có 14 cơ sở chế biến hải sản xả nước thải trực tiếp vào đầm tiếp nhận trước khi thải ra môi trường. |
“Điểm nóng” về ô nhiễm
Theo ông Lê Văn Sâm, Giám đốc Sở TNMT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, khu chế biến hải sản Tân Hải được hình thành từ những năm 1998 đến nay, có 22 cơ sở hoạt động với các loại hình như nước mắm, bột cá, surimi... Trước tình hình ô nhiễm nghiêm trọng, từ năm 2009, UBND tỉnh đã có thông báo yêu cầu các DN không được mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư mới tại khu vực này. Từ đó đến nay không có thêm cơ sở nào đầu tư mới, trong số 22 DN có 13 cơ sở được cấp phép xây dựng hoặc giấy chứng nhận đầu tư, 9 cơ sở còn lại không có giấy phép xây dựng.
Kết quả thanh tra công tác bảo vệ môi trường tại Tân Hải của Sở TNMT cho thấy: Năm 2007, có 19 cơ sở nhưng chỉ có 4 cơ sở xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Năm 2008 có 22 cơ sở nhưng chỉ có 12 cơ sở xây dựng hệ thống xử lý chất thải và trong đó có đến 13 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng… “Sau thời gian tăng cường công tác quản lý, tình hình xử lý ô nhiễm tại khu chế biến hải sản Tân Hải đã có chuyển biến. Đến nay, tất cả 22 cơ sở đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải, trong đó có 8 cơ sở xử lý đạt yêu cầu, 11 cơ sở đang cho hoạt động tạm và 3 cơ sở bị đình chỉ để khắc phục ô nhiễm”, ông Lê Văn Sâm cho biết.
Tuy nhiên, thực trạng chung là vùng hạ lưu của các cơ sở chế biến hải sản này vẫn đang chịu ô nhiễm nặng về nguồn nước và không khí. Theo Sở TNMT, nguyên nhân chính dẫn đến khó kiểm soát hoạt động xả thải tại khu vực này là do việc đầu tư hạ tầng chưa đồng bộ. “Điểm nóng” gây ô nhiễm môi trường tại đây là 10 nhà máy chế biến bột cá - lĩnh vực ở các địa phương khác không cho phát triển. Trong 10 nhà máy này có 8 nhà máy đầu tư hoàn chỉnh hệ thống xử lý khí thải, còn 2 nhà máy vô tư xả thải ra môi trường.
Đóng cửa vĩnh viễn các DN vi phạm
Báo cáo với UBND tỉnh về tình hình hoạt động và xử lý ô nhiễm môi trường Khu chế biến hải sản Tân Hải, Sở TNMT đề nghị tiếp tục để 22 cơ sở này tồn tại. Trong thời gian hoạt động tạm, nếu đơn vị nào tiếp tục gây ô nhiễm nghiêm trọng sẽ bị đình chỉ. Sau khi Khu chế biến hải sản tập trung tại gò Ông Sầm (TP. Vũng Tàu) đầu tư hoàn chỉnh, có đầy đủ hạ tầng về bảo vệ môi trường sẽ di dời 22 cơ sở chế biến hải sản ở Tân Hải vào. Trước đó, năm 2009 UBND tỉnh đã cho phép 22 cơ sở này được tồn tại tạm thời 5 năm (từ 6-2009 - 6-2014).
Khu chế biến hải sản tập trung ở khu vực gò Ông Sầm, thuộc hợp phần Dự án rừng ngập mặn Phước Cơ, phường 12 (TP. Vũng Tàu) với diện tích 340ha. Đây là vị trí đáp ứng được 5 tiêu chí mà ngành nông nghiệp và các DN chế biến hải sản đưa ra: Gắn với vùng nguyên liệu, có nguồn lao động ổn định, ít tác động với các ngành khác, cách ly khu dân cư. Theo đó, Sở TN-MT đã kiến nghị năm 2015 sẽ di dời tất cả các cơ sở chế biến hải sản ở Tân Hải về khu vực gò Ông Sầm, chấm dứt tình trạng sản xuất bột cá tại đây. Tuy nhiên, đến nay khu chế biến tập trung gò Ông Sầm vẫn chưa có hạ tầng do tiến độ đầu tư chậm trễ. Ông Nguyễn Văn Trình, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở TN-MT tăng cường kiểm tra hoạt động của các cơ sở chế biến hải sản tại Tân Hải và không để xảy ra trường hợp tiếp tục gây ô nhiễm. Các cơ sở làm tốt công tác bảo vệ môi trường sẽ được gia hạn, nếu không, kiên quyết đóng cửa vĩnh viễn. Ông Nguyễn Văn Trình cũng chỉ đạo cơ quan liên quan sớm tiến hành thủ tục đưa khu chế biến tập trung tại gò Ông Sầm vào hoạt động nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm ở Tân Hải.
Theo Báo Bà Rịa – Vũng Tàu