Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen: Ứng dụng mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu

11/12/2014 00:00

(TN&MT) - Từ năm 2007, WWF bắt đầu triển khai nhiều hoạt động nhằm phục hồi vùng hệ sinh thái đất ngập nước ở Tràm Chim.

(TN&MT) - Phát huy thành quả từ dự án của Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF)-Việt Nam thực hiện ở Vườn quốc gia (VQG) Tràm Chim, WWF-Việt Nam đã phối hợp với Sở NN&PTNT tỉnh Long An, Khu Bảo tồn Đất ngập nước Láng Sen (KBT DDNN) triển khai dự án Tránh thích ứng ngược với tác động do BĐKH thông qua canh tác nông nghiệp thông minh và phục hồi đất ngập nước ở láng Sen (2014 – 2017). Dự án do Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên Bang Đức tài trợ. Nhân dịp này, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thùy Linh (ảnh nhỏ) – Giám đốc dự án để tìm hiểu hơn về dự án này.
   
   
Một góc Khu bảo tồn Đất ngập nước Láng Sen.
   
PV: Nhằm duy trì các dịch vụ hệ sinh thái của sinh cảnh Đồng Tháp Mười, Dự án đã có những hoạt động gì để phục hồi cảnh quan đất ngập nước ở Vườn quốc gia Tràm Chim và kinh nghiệm đó được áp dụng đối với Khu Bảo tồn Đất ngập nước Láng Sen như thế nào, thưa bà?.
   
Bà Nguyễn Thùy Linh: Từ năm 2007, WWF bắt đầu triển khai nhiều hoạt động nhằm phục hồi vùng hệ sinh thái đất ngập nước ở Tràm Chim với mục tiêu là bảo tồn sự toàn vẹn hệ sinh thái của vùng đất ngập nước với các giá trị đặc trưng của nó (đa dạng loài, đa dạng sinh cảnh và các chu trình hệ sinh thái) chứ không chỉ bảo vệ một loài, một sinh cảnh nào. Do vậy, kế thừa những kiến thức, kinh nghiệm của các nhà khoa học, các dự án trước, WWF đã nghiên cứu và triển khai một chiến lược quản lý nước hợp lý nhằm “bắt chước” theo chế độ thuỷ văn sông Mê Kông trước đây ở vùng đồng ngập lũ và điều tiết quản lý mực nước ở mỗi khu vực khác nhau theo các mức nước khác nhau nhằm đáp ứng nhu cầu sinh thái học của các loại sinh cảnh khác nhau, đồng thời dỡ bỏ một số đoạn đê để tăng tính kết nối, tăng sự trao đổi nước, cải thiện chất lượng nước ở những khu vực vốn được xem như ao tù nước đọng. Ngoài ra, các hoạt động khác bao gồm tăng cường năng lực quản lý của cán bộ VQG Tràm Chim về quản lý giám sát thuỷ văn và đa dạng sinh học cũng như vận động thay đổi chính sách quản lý đất ngập nước dựa trên tiếp cận hệ sinh thái và truyền thông nhằm thay đổi nhận thức trong quản lý đất ngập nước. 
   
  Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ cùng với KBT ĐNN Láng Sen điều tra nghiên cứu đầy đủ đa dạng sinh học, chế độ thuỷ văn và môi trường để xây dựng và triển khai một chiến lược quản lý KBT ĐNN Láng Sen dựa trên tiếp cận hệ sinh thái nhằm phục hồi đa dạng sinh học ĐNN ở đây, xứng đáng là một điểm đặc trưng cho Đồng Tháp Mười khi xưa cũng như danh hiệu Ramsar, vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế, mà Láng sen đang hướng tới. Tuy nhiên, để Chiến lược này có thể được triển khai một cách đầy đủ, các chính sách hỗ trợ của UBND tỉnh và các ban ngành liên quan là hết sức cần thiết. 
   
PV: Bà có thể cho biết một vài mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu mà chúng ta đã thực hiện thành công?
   
Bà Nguyễn Thùy Linh: Hiện nay, dự án chưa triển khai nên chưa thể nói rõ là mô hình nông nghiệp thích ứng nào sẽ được triển khai ở vùng đệm của KBT Láng Sen, nhưng trong thời gian tới chúng tôi sẽ phải rà soát, đánh giá tất cả các mô hình thành công trên thế giới và trong khu vực để nghiên cứu điều chỉnh sao cho phù hợp với điều kiện của Láng Sen. Các mô hình được lựa chọn nghiên cứu và triển khai sẽ phải đảm bảo 3 điều kiện sau: Đem lại lợi ích kinh tế cho người dân; có khả năng thích ứng những biến động khí hậu, thuỷ văn đã được dự báo ở đồng bằng sông Cửu Long (VD: hạn hán, lũ chậm, lũ nhỏ, xâm nhập mặn); giảm phát thải khí nhà kính, đặc biệt là khí metan từ canh tác thâm canh lúa nước.
   
PV: Vậy việc triển khai vốn giúp các hộ dân thực hiện các mô hình này sẽ được áp dụng như thế nào tại Khu Đất ngập nước Láng Sen? 
   
Bà Nguyễn Thùy Linh: Từ năm 2011 – 2013, WWF đã triển khai 1 dự án có tên là "Bảo vệ sự sống trong điều kiện biến đổi khí hậu" ở Láng Sen, dự án đã thành lập 8 nhóm cộng đồng với 144 hộ gia đình thành viên. Các nhóm vừa hỗ trợ khu bảo tồn trong công tác bảo vệ (mạng lưới cung cấp thông tin) vừa thực nghiệm mô hình thử nghiệm (dưới sự hỗ trợ kỹ thuật của Khu bảo tồn) trước khi triển khai nhân rộng. Với cách làm việc này, dự án tiếp tục giới thiệu với các hộ các mô hình canh tác mới, đánh giá và rút kinh nghiệm, sau đó cùng với Khu bảo tồn chuyển giao cho địa phương và mở rộng mạng lưới. Trong thời gian dự án, cán bộ kỹ thuật của Khu bảo tồn và dự án sẽ theo sát tiến trình triển khai cũng như hỗ trợ kỹ thuật kịp thời.
   
PV: “Hệ thống đê mềm” bắt nguồn từ chính sách Bảo vệ và Phát triển rừng của Chính phủ, Vậy theo bà đâu là những chương trình hành động tích cực nhằm phục hồi hệ sinh thái, nâng sức chống chịu  đối với ảnh hưởng của BĐKH?
   
Bà Nguyễn Thùy Linh: Trong thời gian tới chúng tôi sẽ triển khai những chương trình hành động như phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái đất ngập nước, trong đó các khu bảo tồn đất ngập nước cũng được quản lý dưới khung chính sách quản lý rừng đặc dụng, tuy nhiên, chu trình sinh thái đất ngập nước rất khác biệt so với rừng đặc dụng thông thường: Mùa ngập và mùa khô; cháy tự nhiên trong mùa khô là hiện tượng tự nhiên của chu trình. Việc giữ nước cao quanh năm trong các khu bảo tồn đất ngập nước để phòng cháy đã làm suy thoái hệ sinh thái đất ngập nước. Những tiến trình trên hứa hẹn sẽ góp phần tăng khả năng phục hồi cho cộng đồng trong điều kiện biến đổi khí hậu.
   
PV: Và những chính sách này khi được ban hành sẽ tạo đà như thế nào tới việc nâng cao nhận thức của người dân, thưa bà? 
   
Bà Nguyễn Thùy Linh: Sự cảm nhận nhanh nhạy của người dân địa phương là một yếu tố quan trọng đối với sự thành công và tính bền vững của các kết quả của Dự án. Dưới bối cảnh mất mùa và năng suất suy giảm, các hộ nông dân và các gia đình ngư dân địa phương cảm nhận rõ rệt những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và có những nỗ lực để thích ứng. Nhiệm vụ của Dự án là làm rõ và chỉ ra những phương pháp thay thế. Điều đó sẽ được hiện thực hóa cụ thể thông qua việc giới thiệu các phương pháp canh tác theo tiêu chí CSA, đồng thời, các chiến dịch nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu cũng sẽ được tiến hành tại các thôn tham gia dự án.
   
  Để cung cấp cho công chúng quan tâm những thông tin về các bên tham gia tại địa phương và cung cấp cho giới chuyên môn thông tin về tiến độ và kết quả của Dự án, nhiều biện pháp đa dạng sẽ được thực hiện. Hợp phần truyền thông sẽ tăng cường sự quan tâm của công chúng và sự trao đổi chuyên môn trên phương diện các bài học kinh nghiệm từ Dự án và khả năng nhân rộng của nó. Phương pháp tiếp cận của Dự án là lồng ghép phát triển nông nghiệp bền vững với các khía cạnh bảo tồn thiên nhiên cần được phản ánh và đánh giá.
   
PV: Trân trọng cảm ơn bà!
   
Nguyễn Cường
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen: Ứng dụng mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO