Không gian xanh đô thị giúp giảm rủi ro sức khỏe liên quan đến nhiệt
(TN&MT) - Theo một nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí y khoa BMJ Open, nhiệt độ cực cao là mối quan tâm lớn đối với sức khỏe của các thành phố, nhưng không gian xanh ở đô thị có thể giúp giảm bớt phần nào mối lo ngại này.
Nhiệt độ cực cao có thể làm trầm trọng thêm các bệnh mãn tính như tiểu đường và hen suyễn, dẫn tới các trường hợp khẩn cấp về y tế như say nắng, sốc nhiệt và khiến các bệnh truyền nhiễm lây lan dễ dàng hơn. Theo một nghiên cứu được công bố vào đầu năm nay, hơn 47.000 người châu Âu đã tử vong do các nguyên nhân liên quan đến nhiệt độ cao vào năm ngoái.
Trong khi đó, nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí y khoa BMJ Open cho thấy, không gian xanh ở các thành phố không chỉ đẹp mắt mà còn có thể giúp bảo vệ sức khỏe con người, đóng vai trò quan trọng trong việc giảm bệnh tật và tử vong do biến đổi khí hậu.
Các nhà nghiên cứu từ Trường Y học nhiệt đới và Vệ sinh dịch tễ London (LSHTM), Anh đã xem xét tác động của các khu vực xanh đối với tình trạng bệnh tật và tử vong ở các đô thị trên toàn cầu dựa trên việc đánh giá 12 nghiên cứu trong số hơn 3.000 nghiên cứu ban đầu từ Australia, Hồng Kông (Trung Quốc), Bồ Đào Nha, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và Việt Nam.
Không gian xanh giúp tăng cường sức khỏe con người
Theo nghiên cứu của LSHTM, những khu vực có nhiều không gian xanh hơn có tỷ lệ số người mắc các vấn đề sức khỏe liên quan đến nhiệt độ cao và tử vong thấp hơn so với những khu vực có ít cây xanh. Đồng thời, sự hiện diện của cây cối, bụi cây và các loại thực vật khác ở các đô thị dường như cũng giúp tăng cường sức khỏe tinh thần của con người, có khả năng bù đắp tác động của nhiệt độ cao đối với sức khỏe của con người.
Bà Ahsana Nazish, nhà nghiên cứu tại LSHTM, tác giả chính của nghiên cứu nhận định: “Cây xanh giúp hạ nhiệt độ môi trường, đặc biệt có lợi trong thời tiết nắng nóng ở các khu vực thành thị… Ngoài sức khỏe thể chất, việc tiếp cận không gian xanh còn giúp tăng cường sức khỏe tinh thần, giảm thiểu tác động tiêu cực của nhiệt độ cao đối với sức khỏe”.
Các nhà nghiên cứu cho rằng ngoài việc giúp giải nhiệt, không gian xanh còn có vai trò quan trọng đối với sức khỏe của con người. Theo đó, không gian xanh đô thị có thể giúp giảm căng thẳng, giúp mọi người tập thể dục và hạn chế tiếp xúc với ô nhiễm không khí và tiếng ồn. Hơn nữa, trẻ em sống trong các khu phố xanh hơn cũng có phổi khỏe hơn.
Ông Mark Nieuwenhuijsen, Giám đốc sáng kiến quy hoạch đô thị, môi trường và sức khỏe của Viện Sức khỏe Toàn cầu Barcelona cho biết, nguyên tắc chung cho một không gian xanh tốt cho sức khỏe là có thể nhìn thấy ít nhất 3 cây xanh từ cửa sổ nhà bạn, sống trong khu vực có 30% cây xanh bao phủ và trong phạm vi 300m từ các không gian xanh như công viên hoặc sân chơi.
Trước đó, ông Nieuwenhuijsen đã công bố nghiên cứu phân tích mối liên hệ giữa việc thiếu không gian xanh và tử vong sớm ở 946 thành phố trên khắp châu Âu. Nghiên cứu cho thấy, nếu tất cả các thành phố này đáp ứng các khuyến nghị quốc tế về khả năng tiếp cận không gian xanh, thì có thể ngăn ngừa được gần 43.000 trường hợp tử vong mỗi năm. Trong số các thủ đô, Athens ở Hy Lạp, Brussels ở Bỉ, Budapest ở Hungary, Copenhagen ở Đan Mạch và Riga ở Latvia có số ca tử vong cao nhất liên quan đến việc thiếu không gian xanh.
Cần tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng xanh đô thị
Mặc dù không gian xanh đô thị có vai trò quan trọng, giúp giảm số ca tử vong liên quan đến nhiệt độ cực cao nhưng thực tế cho thấy, nhiều thành phố muốn phủ xanh nhiều hơn trong khi không gian công cộng rất khan hiếm ở các khu đô thị, do không gian dành cho nhà ở và ô tô rất lớn.
Năm 2021, Liên minh châu Âu (EU) cam kết đến năm 2030 sẽ trồng ít nhất 3 tỷ cây xanh, trong đó Bỉ, Cộng hòa Séc và Bồ Đào Nha hiện đang là các quốc gia dẫn đầu trong chiến dịch này.
Tuy vậy, không phải tất cả các cây mới trồng đều sống sót và có thể mất hàng thập kỷ để chúng trưởng thành, nghĩa là ngay cả khi EU thực hiện được cam kết trên thì người dân cũng sẽ chưa thể được hưởng lợi đầy đủ lợi ích về sức khỏe trong nhiều năm tới.
Theo nhà nghiên cứu Nazish, các chính sách cải thiện khả năng tiếp cận không gian xanh đô thị có thể có tác động đặc biệt ở những khu vực đông dân cư với nhiều người dễ bị tổn thương, do đó, tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng xanh đô thị là điều cần thiết để các thành phố thích ứng với sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.
Với việc khẳng định lại vai trò quan trọng của không gian xanh đô thị trong việc giảm thiểu rủi ro sức khỏe liên quan đến nhiệt, các tác giả của nghiên cứu khuyến nghị các chính phủ cần xây dựng một chiến lược tiềm năng cho quy hoạch đô thị để có thể giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, đồng thời giúp tăng cường sức khỏe cộng đồng.
Nhận thức rõ những tác động có hại liên quan đến nhiệt độ cực cao, một trong những mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc quy định phải cung cấp quyền tiếp cận phổ cập đến các không gian xanh và công cộng an toàn và dễ dàng vào năm 2030, đặc biệt là đối với các nhóm dễ bị tổn thương, như trẻ em, người già và những người mắc các bệnh mãn tính.