Trong nước

Không để xảy ra tình trạng khiếu nại, tố cáo phức tạp

Thúy Nhi 11/10/2023 - 21:27

Chiều 11/10, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành chính năm 2023.

Báo cáo tại phiên họp, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, trong năm 2023 có 390.980 lượt người đến cơ quan hành chính nhà nước khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh (tăng 37,5% so với năm 2022), với tổng số người được tiếp là 433.832 người (tăng 41,8%) về 294.622 vụ việc (tăng 33,2%), có 2.929 đoàn đông người (tăng 26,6%).

Trong đó, Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện tốt công tác tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương ở TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, đã tiếp 3.773 lượt (tăng 58,9%), với 11.338 người được tiếp (tăng 58,1%) đến trình bày về 3.710 vụ việc (tăng 90,9%), có 107 đoàn đông người (giảm 56,7%).

tong-thanh-tra.jpg
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong trình bày Báo cáo của Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành chính năm 2023

Các bộ, ngành đã tiếp 44.930 lượt (tăng 67,3% so với năm 2022), với 48.747 người được tiếp (tăng 76,7%) về 27.706 vụ việc (tăng 45,4%), có 188 đoàn đông người (tăng 268,6%). Các địa phương đã tiếp 342.277 lượt, với 373.747 người được tiếp về 263.206 vụ việc, có 2.634 đoàn đông người; so với năm 2022 KNTC tăng 34,2% số lượt tiếp, tăng 37,8% số người được tiếp, tăng 31,4% số vụ việc và tăng 30,7% số đoàn đông người.

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cũng cho rằng, dự báo tình hình thời gian tới, việc khiếu nại, tố cáo tiếp tục tiềm ẩn khả năng diễn biến phức tạp. Khiếu nại, tố cáo hành chính liên quan đến đất đai vẫn là một điểm nóng, nhất là ở các địa phương đẩy mạnh thực hiện các dự án đầu tư công lớn, có tốc độ đô thị hóa cao và có nhiều dự án đầu tư liên quan đến thu hồi, bồi thường giải phóng mặt bằng.

Đáng chú ý là tình hình khiếu kiện đông người liên quan đến việc giao khoán đất nông, lâm trường. Bên cạnh đó, khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực môi trường, khai thác khoáng sản, trái phiếu doanh nghiệp, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản ... cũng có khả năng gia tăng và tiềm ẩn phức tạp.

Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước tiếp tục xác định công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Tập trung thực hiện tốt công tác tiếp công dân, chủ động, nắm chắc tình hình, kịp thời xử lý, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo ngay từ khi mới phát sinh, không để xảy ra “điểm nóng” gây phức tạp về an ninh chính trị và trật tự xã hội.

Thẩm tra vấn đề trên, ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, Thường trực Uỷ ban đánh giá cao kết quả đạt được trong công tác tiếp công dân năm 2023. So với năm 2022, năm nay số lượt, số người, số vụ việc và số đoàn đông người tăng mạnh (tăng 37,5% về số lượt, 41,8% về số người, 33,2% về số vụ việc), nhưng Thanh tra Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương vẫn bảo đảm thực hiện tốt công tác tiếp công dân.

Tuy nhiên, việc công dân trực tiếp đến các Bộ, ngành để KNTC, kiến nghị, phản ánh tăng mạnh so với ở địa phương, nhất là về số lượng đoàn đông người (ở các Bộ, ngành tăng 268,6%) cho thấy tình hình công dân khiếu kiện lên các cơ quan ở Trung ương năm 2023 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, đề nghị Chính phủ chỉ đạo đánh giá làm rõ nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm để có giải pháp phù hợp xử lý, khắc phục.

ong-tung.jpg
Ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra

Qua xem xét số liệu trong báo cáo cho thấy, việc chấp hành quy định của pháp luật về trách nhiệm trực tiếp tiếp công dân của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có chuyển biến tích cực (đạt 79%), cao hơn 2% so với năm 2022 và cao hơn 23% so với bình quân 05 năm giai đoạn 2016-2021. Tuy nhiên, việc thực hiện quy định của pháp luật về trách nhiệm trực tiếp tiếp công dân của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ chưa đạt yêu cầu (chỉ đạt 45%) và cũng mới chỉ đạt 92% số ngày tiếp theo quy định.

Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ bổ sung làm rõ lý do của việc Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ “tiếp ít, ủy quyền nhiều”. Bên cạnh đó, trong Báo cáo gộp số ngày Thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước các cấp trực tiếp tiếp công dân với số ngày ủy quyền cho cấp phó tiếp để đánh giá về việc chấp hành quy định của pháp luật về số ngày tiếp công dân của Thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước là chưa bảo đảm theo đúng theo quy định của Luật Tiếp công dân, chưa phản ánh chính xác trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan trong việc trực tiếp tiếp công dân,

Thường trực Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị Chính phủ cần quan tâm, bám sát tình hình, quyết liệt chỉ đạo, đề ra các nhiệm vụ cụ thể tăng cường trách nhiệm của các cơ quan có liên quan để kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh, không để xảy ra tình trạng khiếu nại tố cáo phức tạp.

Đề nghị Chính phủ, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Kiểm toán nhà nước, các Bộ, ngành, địa phương xác định rõ nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, then chốt cần thực hiện trong năm 2024, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và yêu cầu thực tế của công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo của cơ quan, địa phương.

Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa cho biết, Bộ TN&MT đã có báo cáo gửi Thanh tra Chính phủ để tổng hợp vào báo cáo chung và cho rằng, Bộ luôn quan tâm đặc biệt tới công tác giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo. Trong năm nay, số lượng đơn thư, khiếu nại, tố cáo tăng so với năm trước, nguyên nhân là do nhà nước đang triển khai nhiều dự án lớn, thu hồi diện tích đất đai lớn, nên phát sinh nhiều vấn đề liên quan đến giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư.

111020230408-thu-truong-bo-tai-nguyen-va-moi-truong-nguyen-thi-phuong-hoa.jpg
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa phát biểu ý kiến

Về công tác tiếp công dân, Thứ trưởng cho biết, năm vừa qua, dù có sự thay đổi trong vị trí lãnh đạo bộ, tuy nhiên công tác tiếp công dân vẫn được duy trì đúng theo quy định của pháp luật. Về số lượng đơn thư khiếu nại, tuy số lượng đơn là khá lớn, nhưng sau khi phân loại thì có rất nhiều đơn trùng nội dung, số lượng đơn thuộc thẩm quyền xử lý của Bộ Tài nguyên Môi trường là không nhiều.

Về vấn đề đất đai nông lâm trường, Thứ trưởng cũng rằng, vẫn còn một số bất cập cần tháo gỡ. Thứ trưởng khẳng định, Đảng và Nhà nước luôn tạo điều kiện tốt nhất để đảm bảo quyền lợi, lợi ích chính đáng của người dân đối với đất đai, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, người sinh sống ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn và hy vọng dự án Luật Đất đai (sửa đổi) dự kiến được Quốc hội thông qua trong thời gian tới sẽ góp phần giải quyết được những vấn đề này.

Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, để tiếp tục hoàn thiện nâng cao chất lượng báo cáo của chính phủ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các đại biểu dự họp, cũng như ý kiến thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Pháp luật, đánh giá cụ thể, sâu sắc hơn về một số vấn đề để tiếp tục hoàn thiện báo cáo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không để xảy ra tình trạng khiếu nại, tố cáo phức tạp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO