Không có “lợi ích nhóm” khi lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước

Thúy Hằng| 02/11/2019 08:32

(TN&MT) - Cục Quản lý Tài nguyên nước (Bộ TN&MT) thông tin, nếu Quốc hội đồng ý cho lùi thời hạn thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước về mặt bản chất thì người dùng điện, dùng nước sẽ không phải nộp thêm tiền chứ không phải các nhà máy điện, nhà máy nước được miễn. Vì vậy, có thể khẳng định rằng không có vấn đề về lợi ích nhóm.

Dự kiến, hơn 90% số tiền dự kiến thu được tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước là từ các nhà máy điện

Theo Cục Quản lý Tài nguyên nước, bên cạnh thuế tài nguyên đã thu từ nhiều năm trước, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước là một khoản thu thêm, nhằm mục đích yêu cầu tổ chức, cá nhân nâng cao trách nhiệm trong khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí tài nguyên nước.

Cục Quản lý Tài nguyên nước khẳng định, việc chậm ban hành Nghị định số 82 là do các nguyên nhân chủ quan cũng như khách quan. Thực tế là để ban hành được Nghị định đã phải qua 3 lần soạn thảo với ý kiến của hầu hết các thành viên Ban soạn thảo là đại diện của các Bộ, ngành, không phải là ý kiến chủ quan của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Đồng thời, như đã nêu trên, hơn 90% số tiền dự kiến thu được là từ các nhà máy điện. Trong khi đó, theo quy định thì tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước được hạch toán vào giá thành sản xuất, chủ yếu được tính vào giá điện, giá nước. Thực chất các nhà máy điện, nhà máy nước chỉ là người thu hộ từ người dùng điện, dùng nước để nộp cho nhà nước.

Khi triển khai thực hiện Luật các doanh nghiệp đang nộp thuế tài nguyên đối với nước thiên nhiên, tiền dịch vụ môi trường rừng... nên khi xây dựng phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước cần phải có thời gian để nghiên cứu kỹ lưỡng để bảo đảm tính khả thi, tránh gây tác động lớn, nhất là tác động đến giá điện, giá nước sạch, trong bối cảnh lạm phát gia tăng và kinh tế vĩ mô thiếu ổn định;

Về xác định lượng nước khai thác phải nộp tiền đối với các công trình khai thác nước cấp chung cho nhiều mục đích, gồm cả mục đích phải nộp tiền và không phải nộp tiền (các công trình cấp nước đô thị vừa cấp nước sinh hoạt cho nhân dân (không phải nộp tiền) vừa cấp nước cho kinh doanh, dịch vụ, sản xuất (phải nộp tiền);

Việc cho lùi thời gian thu tiền cấp quyền tài nguyên nước sẽ tạo điều kiện ổn định tài chính để doanh nghiệp yên tâm sản xuất và không ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.

Vấn đề về giá để tính tiền cấp quyền khai thác (sử dụng giá để tính thuế tài nguyên nước hay là xây dựng giá mới để tính tiền cấp quyền), mức thu đối với một số mục đích khai thác nước cho sản xuất có tính chất đặc thù (làm mát máy, tạo hơi, tưới cây công nghiệp, chăn nuôi gia súc...); Xử lý những vấn đề về một công trình khai thác nguồn nước chung của nhiều địa phương.... Với những khó khăn, phức tạp nêu trên, nên có rất nhiều ý kiến khác nhau trong quá trình soạn thảo các nội dung quy định chi tiết và thực tế là đã phải trải qua 3 lần soạn thảo, đồng thời Chính phủ cũng đã phải lùi Chương trình xây dựng văn bản để bảo đảm tính khả thi, phù hợp với thực tiễn, tránh gây tác động lớn đến giá điện, giá nước.

Việc triển khai việc thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước theo Nghị định 82 từ ngày Nghị định có hiệu lực, các tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên nước đã chấp hành đầy đủ các quyết định thu tiền do cơ quan cấp giấy phép khai thác ban hành.

 Tuy nhiên, các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đề nghị Chính phủ, Quốc hội cho phép lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước do không phải lỗi của doanh nghiệp và cũng không có cơ sở pháp lý để tính và thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước trong khoảng thời gian chưa ban hành Nghị định nêu trên.

Thực tế, việc lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước không ảnh hưởng đến hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước của doanh nghiệp, mặt khác, việc cho lùi thời gian thu tiền như đã nêu trên sẽ tạo điều kiện ổn định tài chính để doanh nghiệp yên tâm sản xuất và không ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.

Theo Cục Quản lý Tài nguyên nước, số tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước (khoảng 2.200 tỷ đồng) chỉ là số tiền dự tính đối với các Giấy phép khai thác đã cấp từ khi Luật tài nguyên nước có hiệu lực cho đến khi các Nghị định nêu trên có hiệu lực. Trên thực tế, số tiền này mới là dự tính thu (chưa phải là khoản thu ngân sách đã xác định) và thực chất khi chưa thu khoản này thì người sử dụng điện, sử dụng nước không phải nộp tiền này. Theo ước tính sơ bộ trên 90% số tiền dự kiến thu nêu trên là của các công trình thủy điện (số tiền này sẽ được hạch toán vào giá thành sản xuất điện và được tính toán vào giá bán điện của EVN - người dân sẽ phải trả khoản tiền này và chủ đầu tư các nhà máy thủy điện chỉ là người thu hộ); nếu truy thu thì sẽ phải tính toán tăng giá điện, giá nước trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, việc các doanh nghiệp này cũng có trách nhiệm trong vấn đề thực hiện các chính sách, như vấn đề liên quan đến điện, giá nước, liên quan đến đến các hoạt động khác. Việc chậm thu là có ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách. Tuy nhiên mục đích chính của việc thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước là nhằm bảo đảm trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc khai thác, sử dụng tiết kiệm hiệu quả tài nguyên nước và tăng cường vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong sử dụng hiệu quả tài nguyên nước.

Theo Cục Quản lý Tài nguyên nước, số tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước (khoảng 2.200 tỷ đồng) chỉ là số tiền dự tính đối với các Giấy phép khai thác đã cấp từ khi Luật tài nguyên nước có hiệu lực cho đến khi các Nghị định nêu trên có hiệu lực. - Ảnh: Quốc Trung 

Trường hợp Quốc hội không chấp nhận lùi thời gian thu thì khoản thu này sẽ được tiếp tục thu theo quy định của Luật Tài nguyên nước năm 2012. Tuy nhiên, khi đó các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên nước trong khoảng thời gian từ ngày 01/01/2013 đến ngày 01/9/2017 sẽ phải hạch toán, phân bổ cho các năm tiếp theo và sẽ phải hạch toán, tăng giá điện, giá nước trong thời gian tới. 

Luật tài nguyên nước quy định việc nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước nhưng để thực hiện thu được thì phải có Nghị định quy định cụ thể mới có thể tính toán, thu được. Nghị định số 82 không hồi tố, không quy định việc tính toán xác định số tiền truy thu. Do đó, số tiền ước tính khoảng 2.200 tỷ đồng được tính toán sơ bộ trên cơ sở áp dụng các quy định của Nghị định để tính ngược trở lại trước. Đây thực chất chưa phải khoản thu ngân sách đã được xác định mà thực chất chỉ là dự tính.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không có “lợi ích nhóm” khi lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO