Không chủ quan khi bão số 7 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, chủ động ứng phó bão số 8 vào biển Đông

Thanh Tùng| 10/10/2021 14:33

(TN&MT) - Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai tại cuộc họp ứng phó với bão số 7 diễn ra sáng 10/10, tại Hà Nội.


Phó Thủ tướng Lê Văn Thành phát biểu tại cuộc họp

Bão suy yếu thành áp thấp nhiệt đới

Theo Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, sáng nay (10/10), bão số 7 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Hồi 10 giờ ngày 10/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 20,6 độ Vĩ Bắc; 107,5 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển phía Nam Quảng Ninh, cách Hải Phòng khoảng 100km, cách Nam Định khoảng 150km, cách Thanh Hóa khoảng 260km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 khoảng 100km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới.

Dự báo trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 15-20km, đi vào khu vực từ Hải Phòng đến Thanh Hóa. Đến 22 giờ ngày 10/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 20,0 độ Vĩ Bắc; 105,6 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.

Dự báo trong 12-24 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Nam, suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Trung Lào.

Vùng nguy hiểm trên biển trong 12 giờ tới (gió mạnh cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): phía Bắc vĩ tuyến 18,5 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 109,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh và sóng lớn.

Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia cho biết, trên đất liền, trong ngày hôm nay (10/10), vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8; ở Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nội có gió giật mạnh cấp 6.

Cảnh báo mưa lớn, trong ngày hôm nay (10/10) và ngày mai (11/10), ở phía Đông Bắc Bộ và Thanh Hóa tiếp tục có mưa to đến rất to, tổng lượng mưa phổ biến 150-200mm, có nơi trên 250mm; ở phía Tây Bắc Bộ có mưa to, tổng lượng mưa phổ biến 50-100mm, có nơi trên 150mm.

Từ nay (10/10) đến ngày 12/10, ở khu vực từ Nghệ An đến Quảng Bình có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, tổng lượng mưa phổ biến 100-150mm, có nơi trên 150mm.

Bão số 8 sắp vào Biển Đông

Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia cho biết, hiện nay (10/10), bão Kompasu đang hoạt động ở phía Đông đảo Lu-dông (Phi-líp-pin). Hồi 10 giờ, vị trí tâm bão ở khoảng 16,0 độ Vĩ Bắc; 129,5 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 11.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km và mạnh thêm. Đến 10 giờ ngày 11/10, vị trí tâm bão ở khoảng 18,8 độ Vĩ Bắc; 124,2 độ Kinh Đông, cách đảo Lu-dông (Phi-líp-pin) khoảng 210km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 12.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 25km, tiếp tục mạnh thêm và đi vào Biển Đông. Đến 10 giờ ngày 12/10, vị trí tâm bão ở khoảng 19,1 độ Vĩ Bắc; 118,4 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 800km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp cấp 10-11 (90-120km/giờ), giật cấp 13.

Do ảnh hưởng của bão, từ đêm ngày 10/10, ở vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh dần lên cấp 8, cấp 9, sau tăng lên cấp 10, cấp 11, giật cấp 13; sóng biển cao từ 4,0-6,0m; biển động rất mạnh. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai trên vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển đông: cấp 3.

Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV TRần Hồng Thái phát biểu tại cuộc họp

Cảnh báo lũ quét, ngập úng tại nhiều tỉnh, thành phố

Theo Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, từ hôm nay (10/10) đến ngày 12/10, trên các sông suối nhỏ khu vực Bắc Bộ, từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh có khả năng xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên ở khu vực thượng lưu các sông từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh từ 3-5m, các sông khu vực Bắc Bộ từ 1-4m.

Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên thượng lưu các sông khu vực Đông Bắc, Việt Bắc, từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh ở mức BĐ1 và trên BĐ1; hạ lưu các sông chính ở khu vực Bắc Bộ, từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh còn dưới mức BĐ1.

Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập úng vùng trũng tại các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Phú Thọ, Hòa Bình, Sơn La, Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang, Bắc Giang, Lai Châu, Điện Biên và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình.

Nguy cơ ngập úng vùng trũng thấp, các khu đô thị tại các tỉnh như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Ninh Bình, Hà Nội, Hà Nam, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Giang và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình.

Nước tại các hồ chứa đang tăng nhanh

Về tình hình hồ chứa thủy lợi khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, hiện các hồ tại khu vực Bắc Bộ đã tích nước đạt 40-100%; Bắc Trung Bộ 39-82% dung tích thiết kế; các tỉnh từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh: 1.720/2.182 hồ đã đầy nước, trong đó Quảng Ninh: 23/146 hồ; Ninh Bình: 35/42 hồ; Thanh Hóa: 370/610 hồ; Nghệ An: 1.031/1.061 hồ; Hà Tĩnh: 261/323 hồ.

Báo cáo thiệt hại ban đầu cho biết, tỉnh Quảng Nam có 1 người chết do bị lũ cuốn trôi; 25ha hoa màu bị ngập úng, 7 gia súc bị lũ cuốn trôi (ngày 8/10). Tại tỉnh Thái Bình, hồi 5h00 ngày 9/10, 1 tàu/9 LĐ của Thái Bình bị chìm cách cửa sông Trà Lý 300m làm 1 người chết; đã cứu được 8 người còn lại.

Hệ thống đê biển, đê cửa sông các tỉnh từ Quảng Ninh đến Bình Thuận có tổng chiều dài 1.657km (888,4km đê biển; 769,10km đê cửa sông), trong đó từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh có tổng chiều dài 950km (436km đê biển, 514km đê cửa sông).

Hiện có 33 trọng điểm, vị trí xung yếu và 7 công trình đê, kè biển, cửa sông đang thi công dở dang. Các vị trí trực diện biển cần quan tâm như: đê biển Hải Hậu, kè Thịnh Long, tỉnh Nam Định; đê biển Bình Minh 4, tỉnh Ninh Bình; đê biển Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa; đê cửa sông tả Thái, tỉnh Nghệ An, đặc biệt là đê biển Bình Minh 4, tỉnh Ninh Bình.

Hiện nay, các khu dân cư ven biển, khu vực trũng thấp, cửa sông, ngoài bãi các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh đã rà soát phương án, sẵn sàng sơ tán dân tình huống bão mạnh đổ bộ (Quảng Ninh đến Hà Tĩnh: 41.315 hộ/151.422 người; Quảng Bình - Phú Yên: 71.605 hộ/256.405 người).

Bão đã giảm cấp nhưng không được chủ quan

Phát biểu tại cuộc họp, Đại tá Phạm Hải Châu, Chánh Văn phòng Ủy ban ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho biết, ngay sau khi có công điện của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai, Bộ Quốc phòng có công điện chỉ đạo các cơ quan đơn vị. Lực lượng quân đội đã chuẩn bị sẵn sàng 380 nghìn cán bộ, chiến sỹ và dân quân tự vệ và trên 3000 phương tiện để sẵn sàng ứng phó với các tình huống. Ngoài ra, chuẩn bị cả máy bay trực thăng để ứng phó cứu các vùng bị chia cắt, cô lập. Chỉ đạo các cơ quan trong quân đội là sẵn sàng hỗ trợ nhân dân trong việc di dời, sơ tán, thu hoạch hoa màu giúp nhân dân, giảm thiểu thiệt hại.

Đại tá Phạm Hải Châu, Chánh Văn phòng Ủy ban ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn phát biểu tại cuộc họp

Đại diện Bộ Công an cho biết, đến thời điểm này hơn 2000 điểm xung yếu về trật tự an toàn giao thông được hơn 3000 cán bộ, chiến sỹ lực lượng giao thông trực chiến; có hơn 8000 phương tiện dẫn giải, cứu hộ sẵn sàng trực trên tuyến đồng bằng và miền núi.

Về tình hình di dân từ các tỉnh phía Nam ra Bắc, đại diện Bộ Công an cho biết, từ ngày 5/10 tới nay, có khoảng 26 nghìn người dân, chủ yếu là lực lượng lao động các tỉnh phía Nam di chuyển trên tuyến đường Hồ Chí Minh và Quốc lộ 1A. Hiện đa số nhân lực lao động này không tiếp cận được hoặc tiếp cận rất chậm với thông tin của bão, áp thấp nhiệt đới do không có phương tiện. Đặc biệt, có một lượng người lao động đi bộ, nên rất nguy hiểm khi bão, áp thấp nhiệt đới đổ bộ.

Nhằm giải quyết khó khăn trên, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai đã có Công văn gửi Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh, thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An về việc đảm bảo an toàn cho người lao động di chuyển qua khu vực đang diễn ra bão, lũ. Theo đó, để góp phần đảm bảo an toàn việc di chuyển lực lượng lao động qua vùng có thiên tai đang và sẽ xảy ra trong thời gian tới; Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống thiên tai đề nghị đồng chí Trưởng ban Ban Chỉ huy PCTT&TKCN chỉ đạo việc hỗ trợ cũng như thông tin tới các lực lượng lao động có nhu cầu di chuyển biết được diễn biến của bão lũ; có kế hoạch, phương án di chuyển đảm bảo an toàn.

Quang cảnh cuộc họp

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh, trong những ngày qua, các Bộ ngành, địa phương đã triển khai bài bản, kịp thời công tác dự báo, phòng chống bão số 7. Hiện nay, bão đã thành áp thấp nhiệt đới, tuy nhiên không được chủ quan, chú trọng công tác dự báo, giám sát, đảm bảo sự chỉ đạo khẩn trương, thống nhất, không để xảy ra các sự cố đáng tiếc. Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng yêu cầu các cơ quan chức năng rà soát, xử lý dứt điểm các công trình phòng chống thiên tai còn chậm chễ; ưu tiên kinh phí cho đầu tư cho hoạt động phòng chống thiên tai.

Với cơn bão số 8, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành lưu ý các Bộ ngành, địa phương cần đặc biệt quan tâm, bởi cơn bão này được dự báo là mạnh, tốc độ di chuyển nhanh. Do đó, các địa phương cần rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn hồ chứa, các công trình đê điều xung yếu; có công điện cảnh báo bà con đẩy mạnh thu hoạch diện tích lúa đã chín trước cơn bão số 8 đổ bộ. Đồng thời, đảm bảo an toàn phòng tránh thiên tai trong bối cảnh Covid-19, đặc biệt đảm bảo an toàn cho bà con đang di chuyển từ vùng dịch phía Nam về các tỉnh phía Bắc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không chủ quan khi bão số 7 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, chủ động ứng phó bão số 8 vào biển Đông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO