Sông Cổ Cò từng là con sông nổi tiếng trong lịch sử giao thương của xứ Đàng Trong trước đây, nối liền Đà Nẵng với Hội An |
Hội thảo có sự tham dự của ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam; ông Lê Quang Nam - Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cùng lãnh đạo Sở Xây dựng, Sở Du lịch, Sở Giao thông vận tải, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng đại diện các sở, ban, ngành của 2 địa phương.
Về phía các chuyên gia gồm có: GS.TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (cơ quan chủ quản của Tạp chí Nhà đầu tư); GS. TSKH Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; ông Đoàn Ngọc Xuân - Vụ trưởng Vụ xã hội, Ban Kinh tế Trung ương; GS.TS Trần Đình Hòa, Phó Giám đốc Viện Khoa học Thuỷ lợi Việt Nam; ông Nguyễn Sự - nguyên Bí thư Thành ủy Hội An (Quảng Nam)…
Đặc biệt, hội thảo thu hút sự tham dự của đại diện lãnh đạo hơn 100 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, bất động sản (BĐS), phát triển đô thị trong đó có đại diện các tập đoàn lớn như: Vingroup, Sungroup, Vicoland; Công ty TNHH Khu Du lịch biển VinaCapital Đà Nẵng, Công ty Cổ phần Đạt Phương, Công ty Cổ phần GTVT Quảng Nam…
Phát biểu tại hội thảo, TS. Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập Tạp chí Nhà đầu tư - Trưởng ban tổ chức hội thảo cho biết: Từ cuối thế kỷ XIX, sông Cổ Cò (xưa gọi là Lộ Cảnh Giang) - con sông nổi tiếng trong lịch sử giao thương nối Đà Nẵng với Hội An trong giai đoạn thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIII bị bồi lấp, gây nên những thiệt hại lớn về nhiều mặt cho Quảng Nam - Đà Nẵng. Trên cơ sở nghiên cứu đánh giá tầm quan trọng của con sông này đối với quá trình phát triển, từ năm 2013 tỉnh Quảng Nam và TP. Đà Nẵng đã hợp tác khơi thông con sông này.
Việc khơi thông dòng sông Cổ Cò dài 25km chảy qua địa phận tỉnh Quảng Nam và TP. Đà Nẵng đang thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận và cộng đồng các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Nhiều chuyên gia nhận định, khơi thông sông Cổ Cò không chỉ có ý nghĩa lịch sử, văn hóa sâu sắc mà còn tạo động lực mới cho phát triển KT-XH nhất là ngành du lịch, phát triển đô thị và BĐS không chỉ tại 2 địa phương này mà còn tác động lớn đến sự phát triển của cả miền Trung.
Phần thảo luận mở của hội thảo dưới sự điều phối của TS. Nguyễn Anh Tuấn - TBT Tạp chí Nhà đầu tư |
Tại phần thảo luận mở, đại diện lãnh đạo 2 tỉnh Quảng Nam và Đà Nẵng cùng các chuyện gia “giải mã” nhiều câu hỏi được đặt ra như: Việc khơi thông sông Cổ Cò có ý nghĩa như thế nào về mặt tự nhiên cũng như phát triển KT-XH của 2 địa phương này? Đây có phải là cơ hội cho các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, BĐS và du lịch đầu tư phát triển các dự án ven sông, ven biển, kết nối Đà Nẵng - Quảng Nam? Làm gì và làm thế nào để Dự án khơi thông sông Cổ Cò đáp ứng được kỳ vọng cả về bảo vệ môi trường, cảnh quan, thực sự mở ra không gian phát triển mới cho Quảng Nam - Đà Nẵng? Đâu là những vấn đề khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ, nhất là về cơ chế huy động vốn, quy hoạch - kiến trúc,… để đẩy mạnh tiến độ dự án khơi thông sông Cổ Cò và giải pháp tháo gỡ, những khó khăn, vướng mắc đó? Từ thực tiễn Dự án khơi thông sông Cổ Cò, cần phải làm gì để tăng cường liên kết vùng, vai trò của bộ, ngành trong việc hoàn thiện quy hoạch phát triển các vùng kinh tế? Việc xử lý nhiễm mặn tại sông Cổ Cò sẽ được xử lý như thế nào?...
Theo đánh giá của TS. Đoàn Ngọc Xuân - Vụ trưởng Vụ xã hội, Ban Kinh tế Trung ương, việc khơi thông sông Cổ Cò đang được chính quyền TP. Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam triển khai nhằm tạo động lực mới cho phát triển KT-XH không chỉ cho hai địa phương mà còn có ý nghĩa góp phần phát triển kinh tế vùng duyên hải miền Trung và cả nước.
Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam phát biểu tại hội thảo |
Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam bày tỏ sự vui mừng trước việc tỉnh Quảng Nam, thành phố Đà Nẵng cùng Tạp chí Nhà đầu tư/Nhadautu.vn tổ chức hội thảo “Khơi thông sông Cổ Cò: Đột phá mới cho phát triển KT-XH Quảng Nam và Đà Nẵng”.
"Đối với hai địa phương Quảng Nam, Đà Nẵng, cho đến nay chưa có một cái hội thảo nào tạo được sự gạch nối giữa hai địa phương. Và tôi tin rằng, hội thảo ngày hôm nay sẽ đóng góp rất nhiều cho sự phát triển của địa phương và cũng là một dấu gạch nối hữu hiệu giữa các nhà đầu tư với chính quyền, nhân dân hai tỉnh thành Quảng Nam và Đà Nẵng", ông Thanh nói.
Ông cũng nhấn mạnh thêm rằng, khi Sông Cổ Cò được khơi thông, ông tin tưởng sẽ có sự kết nối về đô thị giữa Quảng Nam và Đà Nẵng, nhất là với khu đô thị Điện Nam, Điện Ngọc. Khơi thông dòng sông sẽ giúp mở rộng đô thị của Hội An về phía Bắc và phát triển khu vực đô thị của Đà Nẵng về phía Nam.
"Tôi tin chắc rằng sông Cổ Cò sẽ là con sông đẹp nhất của Việt Nam. Hôm nay tại hội thảo này, tôi cũng muốn truyền tải khát vọng của lãnh đạo Đà Nẵng và Quảng Nam về một câu chuyện sông Cổ Cò, bắt đầu từ hôm nay"- ông Thanh khẳng định.
Ông Phùng Phú Phong - Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng khẳng định: Nếu cần lựa chọn đâu là dự án tiêu biểu nhất mang tính biểu tượng cho sự hợp tác phát triển giữa hai tỉnh thành Quảng Nam và Đà Nẵng, đó chính là dự án khơi thông sông Cổ Cò.
Về quy hoạch 2 bên sông Cổ Cò, ông Ngô Ngọc Hùng - Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Quảng Nam cho rằng không gian kiến trúc cảnh quan khu vực này là đặc biệt quan trọng, nhằm tạo dựng hình ảnh đặc trưng cho khu vực, hoàn thiện cơ sở khoa học và pháp lý trong việc quản lý quy hoạch kiến trúc, kiểm soát phát triển theo đúng định hướng quy hoạch chung đã được phê duyệt. Tạo điều kiện thuận lợi trong đầu tư xây dựng, cải tạo chỉnh trang các công trình kiến trúc, thết kế cảnh quan,... Với những lý do trên thì việc lập Thiết kế đô thị khu vực tuyến ven biển, ven sông Cổ Cò từ thị xã Điện Bàn đến TP. Hội An là thực sự cần thiết.
GS. TSKH Đặng Hùng Võ cho rằng, ở nhiều quốc gia khác, giá trị đất đai tăng thêm không do đầu tư của người sử dụng đất tạo ra được thu bằng các sắc thuế phù hợp. Rất tiếc là Luật Đất đai 2003 và Luật Đất đai 2013 đều có quy định mang tính nguyên tắc là “Nhà nước thu lại giá trị đất đai tăng thêm không do đầu tư của người sử dụng đất tạo ra”, nhưng quy định này hoàn toàn không có biện pháp để thực hiện.
Vậy, giải pháp hiện có thể sử dụng chỉ là động viên sự đóng góp tự nguyện. Phần kinh phí còn thiếu để thực hiện dự án, các địa phương có thể vay của Quỹ phát triển đất và từ Kho bạc nhà nước. Các khoản thu từ đất với giá trị đất đai cao hơn sau khi dự án hoàn thành sẽ trả lại các khoản đã vay. "Về nguyên tắc, kinh phí thực hiện dự án khơi thông sông Cổ Cò hoàn toàn có thể lấy từ giá trị đất đai tăng thêm trong tương lai"- Giáo sư Võ nhấn mạnh.
Ông Bùi Đức Long - Chủ tịch Tập đoàn Vicoland/Nhà sáng lập thương hiệu BĐS nghỉ dưỡng Risemount phát biểu tham luận: “Bất động sản ven sông – Điểm sáng trên thị trường Bất động sản 2021” |
Phát biểu tham luận, ông Bùi Đức Long - Chủ tịch Tập đoàn Vicoland/Nhà sáng lập thương hiệu BĐS nghỉ dưỡng Risemount cho biết, có thể thấy quy hoạch khu đô thị, BĐS ven sông là một xu hướng quy hoạch bền vững và tiên tiến, thể hiện được giá trị của bất động sản nhưng không phá vỡ đi hệ sinh thái tự nhiên… Việc xây dựng các BĐS ven sông không chỉ đảm bảo tính thẩm mỹ cũng như hiệu quả của quy hoạch đô thị mà nó còn mang đến lợi ích lớn cho mọi cư dân sở hữu nhà ở tại những khu vực này.
Chủ tịch Tập đoàn Vicoland dẫn chứng, theo báo cáo từ Savills, giá BĐS ven sông tại các thành phố lớn trên thế giới thường cao hơn từ 10% đến 50%, cụ thể là 50% tại London, Paris; 20% tại Thượng Hải, Sydney; 15% tại Hong Kong và 10-13% tại Moscow. Từ đó cho thấy sức hút cũng như tiềm năng cực tốt của bất động sản ven sông.
Từ thực tế trên, sau khi TP. Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam chính thức bắt tay khơi thông dòng sông Cổ Cò cũng như sự bắt tay của các địa phương hình thành chuỗi các sản phẩm du lịch miền Trung, đẩy mạnh việc kích cầu du lịch với những ưu đãi chưa từng có; đã tạo đà hồi sinh cho các dự án BĐS nghỉ dưỡng cao cấp và đặc biệt bên cạnh các BĐS nghỉ dưỡng ven biển thì BĐS nghỉ dưỡng ven sông sẽ là một điểm sáng trên thị trường BĐS năm 2021.