Doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam ứng phó với BĐKH thông qua đổi mới sáng tạo. Ảnh: Hoàng Minh |
Với kỳ vọng sẽ tạo ra một nền tảng dịch vụ ươm tạo và hỗ trợ khởi nghiệp, tổ chức VCIC sẽ thực hiện các nhiệm vụ chính là: Hỗ trợ tài chính; đào tạo và tư vấn thiết kế ý tưởng công nghệ; xác lập mô hình kinh doanh, thương mại hóa sản phẩm; cung cấp chuyên gia công nghệ, hỗ trợ tiếp cận các phòng thí nghiệm để kiểm định, hiệu chuẩn công nghệ. Mục tiêu của VCIC là trong vòng 3 năm đầu hoạt động sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ sạch và giúp hơn 1.700 hộ dân tiếp cận với các sản phẩm và dịch vụ khí hậu thông minh mới và cải tiến. Các lĩnh vực ưu tiên của VCIC là: hiệu quả sử dụng năng lượng, nông nghiệp bền vững, công nghệ vận tải, quản lý và lọc nước, công nghệ năng lượng tái tạo, nhiên liệu sinh học và sinh khối, các hình thức kinh doanh công nghệ khí hậu khác.
Khởi động những ý tưởng ban đầu, VCIC đã tìm kiếm, lựa chọn và hỗ trợ ươm tạo các ý tưởng sáng tạo công nghệ ứng phó với BĐKH thông qua tổ chức cuộc thi chứng minh ý tưởng. Trải qua quá trình lựa chọn, đánh giá đối với hơn 300 ý tưởng/dự án đăng ký tham gia, Bộ KH&CN kết hợp với các chuyên gia độc lập của WB đã lựa chọn ra 19 doanh nghiệp có ý tưởng xuất sắc, chứng minh được tác động tích cực của công nghệ đối với tăng trưởng xanh và xây dựng nền kinh tế cacbon thấp ở Việt Nam để nhận được tài trợ trong đợt đầu.
Mới đây, 19 doanh nghiệp có các ý tưởng/dự án đã được VCIC phối hợp với các tổ chức có liên quan trao giải “Khởi nghiệp sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu Việt Nam”. Các ý tưởng/dự án này sẽ chính thức được VCIC hỗ trợ về tài chính, đào tạo, thiết kế mô hình kinh doanh, cung cấp chuyên gia công nghệ… Cuộc thi đã thu hút được nhiều doanh nghiệp với các dự án đã được triển khai và trên thực tế đã chứng minh được hiệu quả trong tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải CO2 như: Hệ thống chiếu sáng tiết kiệm năng lượng dẫn dụ cá sử dụng đèn LED (có thể tiết kiệm được 80% điện năng của tàu cá, qua đó, tiết kiệm được hơn 60% lượng dầu diesel sử dụng cho ánh sáng của mỗi tàu, giảm phát thải 60 tấn CO2/tàu/năm, nâng cao thu nhập của thuyền viên lên tới hơn 30 triệu đồng/người/năm); Mô hình sản xuất nguyên liệu đốt từ vỏ trấu và mùn cưa ép (tiết kiệm hơn than đá 15 - 20%, tiết kiệm hơn củi cành 10 - 15%, giảm phát thải CO2…); Tận dụng nước thải sau chưng cất cồn (NTSCCC) để sản xuất chế phẩm sinh học phục vụ nông nghiệp (sản phẩm phụ của quá trình sản xuất cồn được tách ra thành 2 phần rắn và lỏng, phần rắn có giá trị dinh dưỡng cao hơn hạt ngô 10%, hàm lượng protein thô khoảng 30%, chất béo 10%); Dây chuyền máy đúc gạch không nung (tận dụng được phế phẩm của quá trình khai thác đá xây dựng, thay thế dần các lò gạch nung thủ công gây ô nhiễm môi trường)…
Bên cạnh đó, nhiều dự án sẽ được VCIC hỗ trợ để hoàn thiện ý tưởng và thương mại hóa sản phẩm: Phát triển giải pháp đi chung xe dựa trên nền tảng trực tuyến và di động giúp người tham gia giao thông tiết kiệm chi phí, giảm số lượng xe lưu hành trên đường, bảo vệ môi trường; Hoàn thiện công nghệ sản xuất và thương mại hóa chế phẩm EMIC; Bếp sạch 3G Solar Serve tương lai mới cho người sử dụng bếp; Thương mại hóa bếp ga sinh khối cho người thu nhập thấp; Rau củ quả tươi, ngon, an toàn sản xuất trên quy trình đạt tiêu chuẩn quốc tế…
Có thể nói, với 300 ý tưởng/dự án tham gia tuyển chọn để được VCIC hỗ trợ cho thấy các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam đã và đang quan tâm đến những vấn đề ứng phó với BĐKH thông qua đổi mới sáng tạo. Sự hỗ trợ của VCIC cho đổi mới sáng tạo ứng phó với BĐKH là một cơ hội lớn, để các các doanh nghiệp Việt Nam khơi dậy tiềm năng trong lĩnh vực công nghệ ứng phó với BĐKH, góp phần cải thiện kinh tế của địa phương, tạo thêm công ăn việc làm và hướng đến tăng trưởng kinh tế bền vững trong tương lai.
Minh Thư