Khoa học & Công nghệ

Khởi động Dự án về bảo vệ và phát triển các hệ sinh thái ở Biển Đông

Thanh Tùng 20/09/2024 - 12:10

Sáng 20/9, tại TP Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình) đã diễn ra Hội thảo tham vấn kỹ thuật xây dựng Dự án “Thực hiện Chương trình hành động chiến lược cho Biển Đông và Vịnh Thái Lan”.

Dự Hội thảo có TS. Nguyễn Lê Tuấn, Viện trưởng Viện Khoa học môi trường, biển và hải đảo (Bộ TN&MT); PGS.TS Nguyễn Xuân Hải, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ TN&MT); đại diện Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, lãnh đạo một số Sở TN&MT và các chuyên gia, nhà khoa học về lĩnh vực biển, hải đảo.

img_4912.jpg
TS. Nguyễn Lê Tuấn, Viện trưởng Viện Khoa học môi trường, biển và hải đảo phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: Thanh Tùng

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Lê Tuấn, Viện trưởng Viện Khoa học môi trường, biển và hải đảo nhấn mạnh, trong giai đoạn từ năm 2002 đến năm 2008, Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) đã tài trợ Dự án khu vực “Đảo ngược xu thế suy thoái môi trường biển Đông và vịnh Thái Lan”, gọi tắt là Dự án SCS giai đoạn 1, thông qua Chương trình môi trường liên hợp quốc (UNEP) thực hiện trong khu vực, trong đó có Việt Nam.

Một trong những kết quả chính của Dự án giai đoạn 1 là đại diện Chính phủ của các quốc gia thành viên đã cùng thông qua Chương trình hành động chiến lược biển Đông vào năm 2008, với những mục tiêu và hoạt động ưu tiên như quản lý tổng hợp vùng bờ, quản lý ô nhiễm môi trường biển, vấn đề khai thác quá mức nguồn tài nguyên trên biển. Việt Nam cũng đã xây dựng dự thảo của một số chương trình hành động chiến lược về bảo tồn và phát triển bền vững rừng ngập mặn, rạn san hô, thảm cỏ biển và vùng đất ngập nước ven biển.

img_4919.jpg
Đông đảo các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học về lĩnh vực biển, hải đảo tham dự Hội thảo. Ảnh: Thanh Tùng

Trên cơ sở đó, sau nhiều năm nghiên cứu, chuẩn bị, GEF đã phê duyệt một Dự án khu vực mới với tên gọi “Thực hiện Chương trình hành động chiến lược cho Biển Đông và Vịnh Thái Lan”, nhằm triển khai có hiệu quả Chương trình hành động chiến lược biển Đông đã được phê duyệt ở cấp liên chính phủ năm 2008 tại 6 quốc gia gồm Việt Nam, Campuchia, Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia và Philipin. Tại Việt Nam, Viện Khoa học môi trường, biển và hải đảo được giao là đầu mối chủ trì xây dựng, trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiên Dự án sau khi được phê duyệt.

TS. Nguyễn Lê Tuấn cho biết, với mục tiêu tham vấn các bên liên quan đề xuất các nội dung dự kiến thực hiện trong khuôn khổ Dự án; cơ chế phối hợp thực hiện Dự án; cơ chế theo dõi, giám sát Dự án nhằm đạt được kết quả, mục tiêu đề ra, hôm nay Viện Khoa học môi trường, biển và hải đảo tổ chức Hội thảo tham vấn kỹ thuật xây dựng Dự án “Thực hiện Chương trình hành động chiến lược cho Biển Đông và Vịnh Thái Lan”.

“Hội thảo này là cơ hội để các đại biểu đến từ các cơ quan quản lý nhà nước cấp trung ương và địa phương; những chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực san hô, cỏ biển, rừng ngập mặn, quản trị… là các lĩnh vực trọng tâm của Dự án trao đổi, thảo luận, góp ý và đề xuất các hoạt động dự kiến sẽ thực hiện trong khuôn khổ Dự án; đề xuất cơ chế dự kiến thực hiện có hiệu quả các hoạt động đề xuất sau khi Dự án được phê duyệt”, TS. Nguyễn Lê Tuấn nhấn mạnh.

img_4937.jpg
TS. Nguyễn Thị Phương Mai, Phó Viện trưởng Viện Khoa học môi trường, biển và hải đảo trình bày tổng quan về Dự án “Thực hiện Chương trình hành động chiến lược cho Biển Đông và Vịnh Thái Lan". Ảnh: Thanh Tùng

Trình bày tổng quan về Dự án “Thực hiện Chương trình hành động chiến lược cho Biển Đông và Vịnh Thái Lan”, TS. Nguyễn Thị Phương Mai, Phó Viện trưởng Viện Khoa học môi trường, biển và hải đảo cho biết, Biển Đông là trung tâm toàn cầu về đa dạng sinh học biển nhiệt đới vùng nước nông và là trung tâm để xác định tính bền vững môi trường và an ninh lương thực trong khu vực. Tuy nhiên do tác động của tốc độ suy thoái môi trường biển và ven biển ngày càng tăng, tỷ lệ suy thoái môi trường sống của sinh vật ở vùng ven biển giáp Biển Đông trong nhiều thập kỷ gia tăng. Mỗi thập kỷ 30% cỏ biển, 16% rừng ngập mặn và 16% diện tích san hô sống biến mất do áp lực liên quan đến mô hình sử dụng không bền vững của 270 triệu người dân sống ven bờ Biển Đông.

Mục tiêu tổng quan của Dự án là hỗ trợ các quốc gia đạt được các mục tiêu của Chương trình Hành động chiến lược (SAP) đã được phê duyệt đối với môi trường biển, ven biển của Biển Đông và vịnh Thái Lan thông qua việc thực hiện các hoạt động tại các quốc gia tham gia. SAP đã được thông qua năm 2008 ở cấp liên Chính phủ, thể hiện tầm nhìn chung đã được thống nhất giữa các quốc gia về mục tiêu và hành động nhằm đảo ngược suy thoái môi trường ở Biển Đông.

Theo TS. Nguyễn Thị Phương Mai, khi tham gia, Dự án giúp Việt Nam tăng cường kết nối, mở rộng mạng lưới với các chuyên gia hàng đầu trong khu vực; chia sẻ thông tin về bảo vệ và phát triển các hệ sinh thái biển bao gồm đất ngập nước, rừng ngập mặn, san hô và cỏ biển; lượng giá trị hệ sinh thái biển, ven bờ phục vụ công tác quản lý bền vững các hệ sinh thái biển. Đồng thời, cùng phối hợp thực hiện để xác định nguyên nhân, hiện trạng, xu hướng ô nhiễm biển từ đất liền.

img_4973.jpg
Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: Thanh Tùng

Dự án sẽ có 3 hợp phần, gồm: Giảm suy thoái môi trường thông qua cải cách quản lý cấp quốc gia và địa phương để đạt được các mục tiêu của Chương trình Hành động Chiến lược về đánh giá, cải tạo, phục hồi môi trường ven biển ở Biển Đông và Vịnh Thái Lan; Hành động dựa trên tri thức để phục hồi môi trường ven biển, giảm thiểu ô nhiễm trên đất liền nhằm giảm quá trình suy thoái môi trường Biển Đông và Vịnh Thái Lan và tạo điều kiện thuận lợi cho hội nhập và hợp tác cấp khu vực và cấp quốc gia để thực hiện Chương trình hành động chiến lược ở Biển Đông và Vịnh Thái Lan.

Về tổ chức thực hiện, theo TS. Nguyễn Thị Phương Mai, Viện Khoa học môi trường, biển và hải đảo với vai trò là cơ quan đầu mối quốc gia để hỗ trợ trong hoạt động thực hiện dự án sẽ tham mưu cho Bộ TN&MT xây dựng đề xuất hoạt động thực hiện tại Việt Nam (Hợp phần 1) và tham gia vào các hoạt động trao đổi chuyên gia, trao đổi kỹ thuật ở cấp khu vực. Viện dự kiến sẽ thành lập Ban Quản lý dự án, chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ TN&MT về việc thực hiện các hoạt động trong khuôn khổ Dự án; tuân thủ chặt chẽ quy định về sử dụng và quản lý các dự án tiếp nhận viện trợ không hoàn lại của đối tác quốc tế; điều phối kết nối với các địa phương tham gia Dự án để đảm bảo đạt được kết quả dự kiến của Dự án.

img_4958.jpg
PGS TS. Lê Xuân Tuấn, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội trình bày tham luận về hiện trạng quản lý hệ sinh thái rừng ngập mặn tại Việt Nam và những hoạt động đề xuất thực hiện trong phạm vi Dự án. Ảnh: Thanh Tùng

Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe các chuyên gia, nhà khoa học trình bày các bài tham luận về: hiện trạng quản lý hệ sinh thái rừng ngập mặn tại Việt Nam; hiện trạng quản lý hệ sinh thái đất ngập nước tại Việt Nam; hiện trạng quản lý rạn san hô tại Việt Nam và hiện trạng quản lý cỏ biển tại Việt Nam và những hoạt động đề xuất thực hiện trong phạm vi Dự án; hợp phần 2 và 3 Dự án “Thực hiện Chương trình Hành động Chiến lược cho Biển Đông và Vịnh Thái Lan.

Trong khuôn khổ hội thảo, các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học cũng dành thời gian làm việc riêng với các tỉnh thuộc nhóm rừng ngập mặn (Quảng Ninh; Thái Bình); các tỉnh thuộc nhóm đất ngập nước (Thái Bình; Bình Định; Tiền Giang) và các tỉnh thuộc nhóm san hô và cỏ biển (Khánh Hòa; Kiên Giang; Ninh Thuận; Hải Phòng).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khởi động Dự án về bảo vệ và phát triển các hệ sinh thái ở Biển Đông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO