Ứng dụng tiến bộ mới trong lĩnh vực vaccine thú y tại Việt Nam
(TN&MT) - Việc phòng ngừa dịch bệnh trong lĩnh vực thú y thông qua vaccine giúp giảm thiểu thiệt hại về kinh tế, bảo vệ môi trường góp phần quan trọng trong việc giảm sử dụng kháng sinh, ngăn ngừa nguy cơ kháng kháng sinh.
Sáng 28/12, tại Hà Nội, Báo Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với Cục Thú y và Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức Diễn đàn “Ứng dụng tiến bộ mới trong lĩnh vực vaccine thú y tại Việt Nam”.
Trong bối cảnh nhiều biến thể dịch bệnh như hiện nay, việc kiểm soát dịch bệnh trong chuồng trại và đàn vật nuôi phải được thực hiện một cách chặt chẽ và bảo vệ nghiêm ngặt. Vaccine là một biện pháp hiệu quả trong việc giảm thiểu thiệt hại, giúp sản phẩm đầu ra đạt tiêu chuẩn an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm (ATTP). Sử dụng vaccine không chỉ giúp giảm bệnh truyền nhiễm mà còn đảm bảo quy trình chăn nuôi an toàn cho vật nuôi.
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), nhấn mạnh sự cần thiết phải sản xuất vaccine thú y trong nước để đối phó với tình trạng dịch bệnh gia tăng trên động vật tại Việt Nam. Dịch bệnh trên các loài gia súc, gia cầm và động vật hoang dã đang ngày càng gia tăng, mặc dù hiện nay dịch tả lợn Châu Phi và dịch bệnh trên trâu bò cơ bản được kiểm soát.
Việt Nam có đường biên giới dài và hoạt động trao đổi thương mại, đi lại giữa các quốc gia ngày càng gia tăng, tạo điều kiện thuận lợi cho các dịch bệnh mới, bao gồm cúm gia cầm chủng mới, dịch tả lợn Châu Phi và viêm da nổi cục, lây lan nhanh chóng.
Nhấn mạnh sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ vaccine trên thế giới tạo ra cơ hội cho Việt Nam học hỏi và hợp tác, Cục trưởng Cục Thú y cho rằng, đã có sự phát triển đáng kể trong hợp tác khoa học công nghệ và công nghệ sản xuất vaccine của Việt Nam đã tiếp cận trình độ thế giới. Vì vậy, khuyến nghị các Chi cục chăn nuôi, thú y, thủy sản và các doanh nghiệp liên quan cần hợp tác chặt chẽ trong công tác kiểm soát dịch bệnh, đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Đặc biệt, việc sử dụng vaccine là vô cùng quan trọng và cần thiết trong việc kiểm soát dịch bệnh.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, thời gian qua, nhờ sự không ngừng cải tiến và các kết quả nghiên cứu vaccine qua nhiều thế kỷ, cả con người và vật nuôi đều được hưởng lợi, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng và đảm bảo an ninh lương thực thế giới. Song hành với ngành chăn nuôi là công nghiệp vaccine.
Việt Nam đã nhanh chóng gia nhập cuộc đua chế tạo các loại vaccine thú y; đã sản xuất được một số loại vaccine phòng bệnh quan trọng như: Cúm gia cầm (Navet-Vifluvac) năm 2012); vaccine phòng bệnh tai xanh từ năm 2015; vaccine lở mồm long móng từ năm 2018; vaccine phòng bệnh dại từ năm 2019 và gần đây nhất là vaccine phòng dịch tả lợn Châu Phi (NAVET-ASFVAC và AVAC ASF LIVE) năm 2022.
Đặc biệt, Việt Nam đã sản xuất thành công và chính thức xuất khẩu vaccine phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi AVAC ASF LIVE của Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam sang 5 nước, đánh dấu 1 thành tựu lớn được cả thế giới công nhận.
Trong thời gian tới, với những thành tựu và dấu ấn đã được thế giới ghi nhận, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy cho rằng, Việt Nam có tiềm năng lớn để tiếp tục phát triển và sáng tạo ra các loại vaccine mới, đáp ứng nhu cầu bảo vệ sức khỏe vật nuôi và người tiêu dùng. Với xu hướng xã hội hóa nguồn lực cùng sự tham gia mạnh mẽ của các doanh nghiệp, ngành thú y và chăn nuôi Việt Nam đã chuẩn bị sẵn sàng để áp dụng những công nghệ tiên tiến, phát triển các loại vaccine hiện đại.
Tại Diễn đàn, các chuyên gia, nhà quản lý chia sẻ những kinh nghiệm, nghiên cứu khoa học mới, góp phần nâng cao năng lực ứng phó với dịch bệnh an toàn và hiệu quả hơn. Từ đó, hướng đến mục tiêu tối ưu hóa chi phí vaccine, giúp người nông dân tiết kiệm chi phí sản xuất, đồng thời nâng cao chất lượng chăn nuôi.
Bên cạnh đó, đại diện các doanh nghiệp nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu vaccine đã giới thiệu những công nghệ, sản phẩm tiên tiến nhất trong lĩnh vực vaccine thú y. Từ đó, mở ra những giải pháp đột phá trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật tại Việt Nam, hướng tới xuất khẩu động vật và sản phẩm động vật.