Khơi dậy niềm tin, khát vọng phát triển bền vững kinh tế biển
(TN&MT) - Năm nay, sự kiện Ngày Đại dương Thế giới (8/6), Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam (1- 8/6) diễn ra trong bối cảnh khí hậu ngày càng khắc nghiệt, nhiệt độ tăng, nước biển dâng và môi trường biển đối mặt với nguy cơ ô nhiễm đáng báo động. Vậy Thế giới và Việt Nam đã lấy chủ đề nào làm phương châm hành động để góp phần đạt mục tiêu “đảo ngược” xu thế ô nhiễm môi trường biển, mất cân bằng sinh thái?
Phóng viên Báo TN&MT đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Đức Toàn - Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam xung quanh vấn đề này.
PV: Xin ông cho biết chủ đề chính của Ngày đại dương thế giới, Tuần lễ Biển và Hải Đảo Việt Nam năm 2023 cũng như ý nghĩa của chủ đề này trong việc định hướng hành động và truyền thông cho sự phát triển bền vững tài nguyên môi trường biển?
Ông Nguyễn Đức Toàn: Năm 2023, chủ đề của Ngày Đại dương thế giới được Liên hợp quốc phát động "Hành tinh đại dương: Thủy triều đang thay đổi" (Planet Ocean: Tides are Changing), với ý nghĩa Đại dương bao phủ phần lớn Trái đất, nhưng mới một phần nhỏ các vùng biển được khám phá. Và mặc dù, cuộc sống của nhân loại phụ thuộc vào đại dương, nhưng đại dương chỉ đang nhận được một phần nhỏ sự quan tâm của chúng ta. Song hiện nay, mọi thứ trên Trái đất đang thay đổi, cả trên đất liền và đại dương bao la, sâu thẳm theo chiều hướng ngày một xấu đi. Vì vậy, nhân loại cần cùng hành động, trân trọng, bảo vệ đại dương cũng như toàn bộ hành tinh xanh của chúng ta.
Thực thi Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo cũng như các chủ trương, chính sách, pháp luật về quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo, Bộ Tài nguyên và Môi trường phát động chủ đề Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam (1 - 8/6) năm 2023 với chủ đề “Khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo”. Qua thông điệp này, chúng tôi muốn kêu gọi mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội thực hiện quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả, công bằng, bền vững tài nguyên biển, hải đảo; kiểm soát ô nhiễm môi trường biển; bảo vệ, duy trì và phục hồi đa dạng sinh học biển, ven biển và hải đảo; bảo tồn và phát huy các giá trị di sản thiên nhiên, di sản văn hóa biển; khai thác, đánh bắt thủy sản an toàn, bền vững, chủ động ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; điều tra, nghiên cứu khoa học về biển, hải đảo cũng như hệ thống thông tin thủy triều, hải văn để phục vụ các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên biển.
PV: Là cơ quan thực thi việc quản lý tổng hợp tài nguyên môi trường biển, xin ông cho biết thời gian qua, Cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã có hoạt động nào nổi bật trong thực thi pháp luật tài nguyên môi trường biển, hải đảo hướng đến mục tiêu bảo vệ, khai thác bền vững tài nguyên môi trường biển?
Ông Nguyễn Đức Toàn: Trong thời gian qua, Cục Biển và Hải đảo Việt Nam ngoài việc tiếp tục hoàn thiện những văn bản quy phạm pháp luật quan trọng liên quan đến quản lý và khai thác bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, Cục đã tập trung vào nhiều hoạt động quan trọng nổi bật như nâng cao chất lượng, tiến độ thẩm định giao khu vực biển cho tổ chức cá nhân sử dụng và giám sát hoạt động nhận chìm ở biển để không phát sinh sự cố môi trường đáng tiếc; xây dựng và trình Chính phủ 2 quy hoạch quốc gia quan trọng, đó là: Quy hoạch không gian biển quốc gia và Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đặc biệt đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 3/4/2023 về Chiến lược khai thác bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây chính là “kim chỉ nam” cho các bộ, ngành, địa phương thực thi các chính sách quan trọng về khai thác bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo trong thời gian tới.
Cùng với đó, năm 2022, Cục đã tiếp tục triển khai và nâng cao hiệu quả hoạt động thanh, kiểm tra theo kế hoạch đã được Bộ phê duyệt về việc chấp hành pháp luật về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo tại một số địa phương: Trà Vinh, Sóc Trăng, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế, Bình Thuận, Ninh Thuận. Kiểm tra, theo dõi nắm bắt sự cố dầu vón cục tràn vào bờ biển thuộc khu vực thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa…
Với phương châm đẩy mạnh hợp tác quốc tế, Cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã tích cực phối hợp với các tổ chức quốc tế thực hiện nhiều dự án quan trọng nhằm tìm ra hướng giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường biển và cuộc chiến với rác thải nhựa đại dương.
Có thể nói, những cam kết, hành động mạnh mẽ, tích cực của Việt Nam đối với vấn đề rác thải nhựa đại dương đã nhận được sự quan tâm đặc biệt và ủng hộ, hỗ trợ của nhiều tổ chức trên thế giới. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu đề xuất, thảo luận với các nước, tổ chức quốc tế (như Nhật Bản, Canada, Nauy…; Tổ chức bảo tồn thiên nhiên (WWF); Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP); Ngân hàng thế giới (WB)….) về các cơ chế hợp tác công - tư, khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia vào công tác quản lý, xử lý rác thải nhựa, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn... và đề nghị sự giúp đỡ, hỗ trợ thực hiện. Đồng thời đẩy mạnh hợp tác quốc tế với các đối tác như WWF, UNDP trong cuộc chiến chống rác thải nhựa trên biển.
Bộ TN&MT đề nghị tại 28 tỉnh/thành phố có biển trên toàn quốc phải có các hoạt động ra quân làm sạch bờ biển đáp ứng yêu cầu sau thời gian ra quân hưởng ứng Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, không còn tình trạng rác thải trôi dạt bờ biển. Tổ chức khởi công, xây dựng, bàn giao các công trình bảo vệ môi trường phục vụ lợi ích cộng đồng và phát triển bền vững kinh tế biển, thích ứng với biến đổi khí hậu.
PV: Ngày Đại dương thế giới, Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam cũng là cơ hội để đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân về vấn đề bảo vệ, khai thác bền vững tài nguyên môi trường biển. Đối với sự kiện này năm nay, Cục Biển và Hải đảo Việt Nam có định hướng gì để hoạt động này được thúc đẩy thực hiện một cách hiệu quả nhất, thưa ông?
Ông Nguyễn Đức Toàn: Hưởng ứng Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, Ngày Đại dương thế giới năm 2023, Cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã tham mưu Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Văn bản số 3556 /BTNMT-TTTT ngày 19/5/2023 để tuyên truyền quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, luật pháp quốc tế về biển, đảo; các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam trên biển; vị trí, vai trò và tầm quan trọng của biển, đảo và đại dương; của tài nguyên, môi trường biển, đảo trong phát triển bền vững.
Đồng thời đề nghị các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm chỉ đạo, phối hợp tăng cường kiểm soát việc thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải, rác thải nhựa ven biển và trên các hải đảo; khuyến khích các nghiên cứu về biển, đảo, hoạt động sản xuất kinh doanh thân thiện với môi trường biển; tổ chức các hoạt động có sự tham gia của cộng đồng; phát động các phong trào cộng đồng, ra quân làm vệ sinh môi trường biển, thu gom xử lý rác thải, không thải rác thải nhựa ra môi trường;
Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, truyền thông và thông tin đối ngoại về biển, đảo Việt Nam. Đổi mới và đa dạng hóa, hiện đại hóa về hình thức, nội dung, phương thức, phương tiện thông tin, tuyên truyền. Tiếp tục đầu tư nguồn lực cho công tác tuyên truyền về biển, đảo.
Các cơ quan truyền thông đại chúng tăng thời lượng, tần suất tuyên truyền các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, Ngày Đại dương thế giới năm 2023. Trong đó, tuyên truyền tấm gương điển hình tiên tiến trong các hoạt động phát triển kinh tế biển, bảo vệ chủ quyền biển, đảo; xây dựng văn hóa sinh thái biển; tăng cường nâng cao nhận thức, kiến thức, hiểu biết về biển, đại dương đến các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân; khơi dậy niềm tin, khát vọng phát triển bền vững kinh tế biển, giữ vững chủ quyền biển, đảo, đưa Việt Nam trở thành quốc gia làm giàu từ biển.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!