Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, ĐBSCL có nhiều cơ hội phát triển nhưng cũng phải đối mặt với nhiều thách thức do đây là vùng đất mẫn cảm với sự thay đổi của tự nhiên. BĐKH và nước biển dâng diễn ra nhanh hơn dự báo, gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, ảnh hưởng sinh kế và đời sống người dân.
Theo Thứ trưởng Trần Quý Kiên, ĐBSCL cần phải phát triển bền vững, thịnh vượng, trên cơ sở chủ động thích ứng, phát huy tiềm năng, thế mạnh, chuyển hóa những thách thức thành cơ hội để phát triển; chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp thuần túy, chủ yếu là sản xuất lúa sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp đa dạng, đáp ứng nhu cầu thị trường, chuyển từ phát triển theo số lượng sang chất lượng; xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển mạnh mẽ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp sạch gắn với chuỗi giá trị và xây dựng thương hiệu.
Thứ trưởng Trần Quý Kiên cho rằng: Để làm được điều này thì cần phải xây dựng một trung tâm cơ sở dữ liệu thông tin đồng bộ, hiện đại, có thể cung cấp thông tin kịp thời, chính xác cho việc hoạch định chính sách phát triển theo phương châm “thuận thiên” mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ ra, phục vụ người dân có được thông tin để chủ động trong sản xuất nhằm tăng năng xuất cây trồng, cung cấp thông tin kịp thời và chính xác giúp nhà khoa học có thể đưa ra các giải pháp, cải tiến kỹ thuật nhằm phát triển nông nghiệp thích ứng với BĐKH, nước biển dâng, giúp ích cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của vùng ĐBSCL.
Cũng theo Thứ trưởng Trần Quý Kiên, thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP, Bộ TN&MT đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và cơ quan liên quan thực hiện công tác điều tra cơ bản về tài nguyên và môi trường; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu liên ngành về ĐBSCL phục vụ phát triển bền vững thích ứng với BĐKH, kết nối với cơ sở dữ liệu của Ủy hội Sông Mê Công quốc tế, nâng cấp và hiện đại hóa hệ thống quan trắc, giám sát, cảnh báo và dự báo về tài nguyên và môi trường.
Tiểu dự án 4 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục dự án tại Quyết định số 736/QĐ-TTg ngày 29/4/2016 và được Bộ TN&MT phê duyệt điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu khả thi tại Quyết định số 2302/QĐ-BTNMT ngày 23/11/2021 với mục tiêu xây dựng Trung tâm dữ liệu ĐBSCL tích hợp dữ liệu đa ngành tài nguyên, môi trường, kinh tế - xã hội,… từng bước chuẩn hóa các tài liệu thuộc ĐBSCL phục vụ phân tích, đánh giá và hổ trợ ra quyết định về phát triển bền vững trong điều kiện BĐKH.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên đề nghị: Để hoàn thành việc xây dựng, đưa Trung tâm dữ liệu vùng ĐBSCL vào vận hành, sử dụng, phía trước là khối lượng đồ sộ các công việc cần phải triển khai, đòi hỏi cần có sự tập trung cao độ và phối hợp chặt chẽ của các cơ quan liên quan tham gia vào quá trình xây dựng công trình ý nghĩa này. Do vậy, Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng cùng các nhà thầu đề cao trách nhiệm, nghiêm túc thực hiện các cam kết trong hợp đồng và các quy định của pháp luật để đảm bảo xây dựng công trình đúng tiến độ, chất lượng, an toàn lao động.
Tại buổi lễ, ông Dương Tấn Hiển - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Cần Thơ cho biết: Trong những năm gần đây, vùng ĐBSCL nói chung, TP. Cần Thơ nói riêng đều có tốc độ phát triển kinh tế - xã hội nhanh, quá trình đô thị hóa, phát triển nông nghiệp, công nghiệp diễn ra mạnh mẽ, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, ổn định. Tuy nhiên, hầu hết các địa phương trong vùng ĐBSCL đang phải đối mặt với tình hình BĐKH, xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông và hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng diễn ra gay gắt đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế - xã hội, sinh kế của người dân.
Theo ông Dương Tấn Hiển, một trong những nguyên nhân chính chưa thể kiểm soát, thích ứng với tình hình BĐKH hiện nay là do chưa có cơ sở dữ liệu đồng bộ, chuẩn hóa, chưa có cơ sở khoa học chặt chẽ để phân tích, dự báo đúng tình hình phục vụ cấp có thẩm quyền kịp thời chỉ đạo thích ứng với tình hình BĐKH thực tế đang diễn ra.
Do đó, ông Dương Tấn Hiển cho rằng: Việc triển khai dự án đầu tư xây dựng Trung tâm dữ liệu ĐBSCL thuộc hợp phần 1 của dự án “Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững ĐBSCL” tích hợp dữ liệu đa ngành nhằm từng bước chuẩn hóa, khắc phục tình trạng thiếu hụt cơ sở dữ liệu, phục vụ phân tích, đánh giá và hỗ trợ cấp có thẩm quyền quyết định các chủ trương, chính sách, chiến lược phát triển của khu vực trong điều kiện BĐKH đã được Bộ TN&MT quan tâm ủng hộ và Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng là chủ đầu tư triển khai thực hiện mang ý nghĩa to lớn và rất thiết thực đối với sự phát triển bền vững ĐBSCL và TP. Cần Thơ.
Theo Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng - Bộ TN&MT, Trung tâm dữ liệu ĐBSCL có tổng mức đầu tư 337.696.446.000 đồng. Đây là Dự án đầu tư xây dựng và dự án đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin, thuộc nhóm B, công trình dân dụng, cấp III. Chủ đầu tư là Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng.
Địa điểm xây dựng Trung tâm dữ liệu ĐBSCL thuộc phường Long Hoà, quận Bình Thuỷ, TP. Cần Thơ; dự kiến thời gian hoàn thành và đưa vào hoạt động vào năm 2024; quy mô của Trung tâm, gồm: Tòa nhà làm việc chính cao 05 tầng, nhà làm việc số 2 cao 01 tầng... và các hạng mục phụ trợ hạ tầng kỹ thuật. Tổng diện tích xây dựng công trình khoảng 1.216m2, tổng diện tích sàn khoảng 2.946m2.
Về các trang thiết bị hạ tầng công nghệ thông tin của Trung tâm dữ liệu ĐBSCL, bao gồm: Tạo lập cơ sở dữ liệu liên ngành vùng ĐBSCL; xây dựng phần mềm nội bộ phục vụ quản lý, điều hành và hỗ trợ ra quyết định; xây dựng các mô hình giám sát, dự báo, cảnh báo phục vụ việc hỗ trợ ra quyết định; hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin và trang thiết bị ngoại nghiệp…