Khóa đào tạo đầu tiên về hạn ngạch phát thải và thị trường các-bon
(TN&MT) - Ngày 26/2, Khóa đào tạo về Hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải (ETS) và thị trường các-bon cho các cơ quan nhà nước liên quan, các tổ chức và các doanh nghiệp đã diễn ra tại Hà Nội.
Đây là hoạt động đào tạo năng lực đầu tiên ở Việt Nam với sự tham gia của các bên liên quan thuộc cả khu vực công và tư, cùng với một chương trình toàn diện và có hệ thống về ETS và thị trường các-bon kết hợp sử dụng công cụ mô phỏng thị trường. Hoạt động do Chương trình Đối tác chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á (ETP) tổ chức với sự hợp tác của Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT).
Khóa đào tạo đầu tiên diễn ra trong 2 ngày 26 – 27/2. Tham gia có 145 học viên là đại diện các bộ, ngành liên quan đến việc thiết lập và vận hành sàn giao dịch tín chỉ các-bon và thị trường các-bon tại Việt Nam, cùng các tổ chức phát triển, tổ chức tài chính và những bên liên quan khác. Khóa đào tạo thứ hai dành riêng cho đại diện các doanh nghiệp tiêu thụ năng lượng trọng điểm, hiệp hội doanh nghiệp và cơ quan truyền thông, diễn ra vào ngày 29/2 – 1/3.
Phát biểu khai mạc sự kiện, bà Mai Kim Liên, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu cho biết: Việt Nam hiện đã có 150 dự án được cấp 40,2 triệu tín chỉ các-bon và đã có trao đổi trên thị trường thế giới; là 1 trong 4 nước có dự án tín chỉ theo Cơ chế phát triển sạch đăng ký nhiều nhất.
Để thiết lập và vận hành thị trường các-bon trong nước, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã quy định về tổ chức và phát triển thị trường các-bon tại điều 139 và quy định các cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính, có quyền trao đổi, mua bán trên thị trường các-bon trong nước. Chính phủ đã ban hành lộ trình triển khai thị trường các-bon tuân thủ trong nước với mục tiêu quan trọng là thí điểm sàn giao dịch tín chỉ các-bon từ năm 2025.
Song song với việc tập trung xây dựng quy định quản lý tín chỉ các-bon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon; hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế, triển khai các hoạt động tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về thị trường các-bon là hoạt động rất quan trọng và cần thiết.
“Trong khuôn khổ Bản ghi nhớ hợp tác giữa Cục biến đổi khí hậu và Văn phòng Dịch vụ Dự án của Liên Hiệp Quốc (UNOPS), Chương trình Đối tác chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á (ETP), một trong những hoạt động hỗ trợ là lựa chọn và hướng dẫn sử dụng công cụ mô phỏng hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính nhằm tạo điều kiện cho các bên liên quan hiểu thêm về chức năng, quy trình vận hành, quản lý, giao dịch hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tín chỉ các-bon trên sàn giao dịch. Đây là hỗ trợ rất hữu ích cho các bên liên quan trong thiết lập, vận hành sàn giao dịch hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tí chỉ các-bon tại Việt Nam” – bà Mai Kim Liên chia sẻ.
Đại diện Chương trình Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Châu Á (ETP), bà Fritzie Vergel bày tỏ, hoạt động đào tạo sẽ giúp các bên liên quan hiểu rõ vị trí, vai trò của mình trong việc phát triển thị trường carbon ở Việt Nam, cũng như thúc đẩy mối quan hệ hợp tác chặt chẽ để thiết lập và vận hành thành công thị trường. Việt Nam đã có bước tiến pháp lý quan trọng là Luật Bảo vệ môi trường 2020; Nghị định số 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn; Quyết định 01/2022/QĐ-TTg yêu cầu hơn 1.900 cơ sở phát thải lớn phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính... Thông qua khóa đào tạo lần này, các bên liên quan sẽ hiểu biết rõ ràng về hoạt động của Hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải. Nhờ vậy, chủ động chuẩn bị sẵn sàng tham gia khi thị trường các-bon Việt Nam chính thức vận hành vào năm 2028 theo quy định pháp luật.
Trong khuôn khổ khóa đào tạo, các chuyên gia quốc tế hàng đầu trong lĩnh vực giảm nhẹ biến đổi khí hậu và định giá các-bon đã chia sẻ các bài giảng về việc triển khai định giá các-bon trên thế giới, các chuẩn bị cần thiết cho việc vận hành thị trường các-bon, các nguyên tắc của hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải (thiết lập hạn mức, phân bổ hạn ngạch, thực hành mô phỏng, cơ chế tín chỉ, giám sát thị trường…) và các yêu cầu đo đạc, báo cáo, thẩm định (MRV) trong hệ thống.
Sau các khóa đào tạo tại Hà Nội, các đơn vị sẽ tiếp tục tổ chức các khóa đào tạo tại thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương cho các bên liên quan và doanh nghiệp ở phía Nam.