Vất vả nghề nuôi tằm
Để có được một tấm nhiễu mịn đẹp, phải trải qua rất nhiều các công đoạn công phu và tỉ mỉ. Trong đó, khâu nuôi tằm đòi hỏi người nuôi phải có kỹ thuật và kinh nghiệm nhà nghề. Nuôi tằm để đạt hiệu quả cần rất chú ý đến những yếu tố về thức ăn, nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, môi trường sống. Nhiệt độ thích hợp để tằm nuôi sinh trưởng tốt từ 25 - 30°C, nhiệt độ chuồng nuôi cao quá hay thấp quá đều ảnh hưởng đến chất lượng và năng suất cho kén của tằm. Đối với tằm thức ăn duy nhất là lá dâu, tốt nhất nên chọn lá dâu có màu xanh đậm, nhiều nhựa, đảm bảo số lượng để tằm ăn. Lá dâu quá già và nhiều nước, nhiều đạm, sẽ ảnh hưởng xấu đến chất lượng tằm.
Nghề nuôi tằm ở Thiệu Đô đang gặp rất nhiều khó khăn |
Vất vả kỹ lưỡng là vậy, thế nhưng hộ gia đình nhà bà Hoàng Thị Linh, thôn 5, xã Thiệu Đô, đã ba đời nay vẫn gắn bó với nghề “nuôi tằm ăn cơm đứng”, một phần để có thêm thu nhập, phần vì gìn giữ truyền thống của gia đình với hy vọng con cháu thế hệ sau theo đó mà tiếp nối. Theo thói quen, tranh thủ trời chưa nắng gắt, bà lựa lá dâu từ dã thu hoạch từ sáng sớm, sau đó thái nhỏ, kinh nghiệm và sự lành nghề hiện rõ trên đôi bàn tay thoăn thoắt từng nhịp dao của bà, bà Linh chia sẻ: Cũng không nhớ rõ từ bao giờ gia đình tôi đã theo cái nghề nuôi tằm này rồi, nhưng kể từ khi bắt đầu tự tay làm thì cũng ngót nghét ba chục năm, nuôi tằm thì vất vả mà thu nhập cũng không là bao. Sáng nào cũng phải ra đồng hái lá dâu rồi vận chuyển về nhà, thời gian cho tằm ăn từ 3-4/lần, cho nên mình phải thức dậy từ 2h sáng để cho tằm ăn là chuyện bình thường”
Bà Hoàng Thị Linh (thôn 5, xã Thiệu Đô) đã gắn bó với nghề hơn 30 năm |
Theo các cụ thâm niên trong nghề, tằm được nuôi đều trên các nong tròn, mỗi nong có đường kính khoảng 1m. Tại nhà bà Linh nong tằm được nuôi ngay trong nhà ở, chia thành 2 giá, mỗi giá gồm 5 nong được xếp theo tầng. Khi được hỏi tại sao không mở rộng và nuôi với số lượng lớn hơn thì bà thở dài, lắc đầu ngao ngán nói: Gần đây, thời tiết thất thường khiến người nuôi tằm như chúng tôi nhiều phen lao đao, mùa hè thì nắng nóng đến 40-41°C. Để tằm khỏe mạnh, tôi phải phun nước vào phòng nhằm hạ nhiêt độ, còn mùa đông phải thắp đèn để ủ ấm, ấy thế mà nhiều vụ vẫn phải cắn răng nhìn tằm chết mà đổ đi. Chính vì sự vất vả của nghề và thời tiết khắc nghiệt nên đa số các hộ nuôi tằm phải bỏ nghề, người ta đi làm ở các công ty, khu công nghiệp để có thu nhập cao, vả lại không phải đối mặt với rủi ro, thức khuya dậy sớm.
Khó khăn “bủa vây”
Cùng chung cảnh ngộ, một số gia đình thôn Hồng Đô còn theo nghề nuôi tằm trồng dâu cho hay: Mỗi một vụ tằm được hay mất phụ thuộc nhiều vào lượng lá dâu có đảm bảo cung cấp cho tằm, thế nhưng những năm gần đây diện tích đất trồng dâu bên bờ sông bị sạt lở nghiêm trọng. Vì vậy, diện tích đất trồng dâu bị thu hẹp, lá dâu không thu hoạch không dồi dào như trước, đang là khó khăn mà chúng tôi đang gặp phải.
Sạt lở khiến diện tích trồng dâu của bà con thôn Hồng Đô bị thu hẹp, vì vậy sản lượng lá dâu không đủ nuôi tằm |
Bên cạnh những yếu tố khách quan thì việc áp dụng khoa học - kỹ thuật vào nuôi tằm vẫn chưa được phổ biến rộng rãi. Việc áp dụng phương pháp nuôi trồng truyền thống không thể cạnh tranh trước sự phát triển rầm rộ của các nền công nghiệp tơ tằm ở các nước lân cận. Trong khi đó, chi phí đầu vào lớn, giá thành bán ra lại thấp, khiến việc duy trì nghề nuôi tằm trồng dâu truyền thống ở xã Thiệu Đô lại thêm khó khăn.
Để vực dậy làng nghề, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều quyết định, chính sách nhằm khuyến khích bà con giữ nghề. Như Quyết định 2842/QĐ-UBND về việc xây dựng cơ sở hạ tầng làng nghề ươm tơ dệt nhiễu Hồng Đô, xã Thiệu Đô, huyện Thiệu Hóa, với mục đích phát triển làng nghề, góp phần thúc đẩy và phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho nhân dân. Với tổng mức đầu tư sau khi điều chỉnh là 20 tỷ đồng, xây dựng các công trình mới như: xây dựng hàng rào làng nghề, hệ thống đường giao thông, cấp thoát nước, cấp điện và hệ thống xử lý nước thải. Thế nhưng, sau gần 2 năm đi vào hoạt động, thực tế chỉ có 1 hộ đăng ký sản xuất trong cụm làng nghề, còn những hộ không còn mặn mà với nghề lại “bình chân như vại”.
Khu vực cụm làng nghề được UBND tỉnh quy hoạch còn rất nhiều diện tích đất bị bỏ hoang do người dân không còn “mặn mà” với nghề |
Trao đổi với phóng viên Báo Tài nguyên & Môi trường, ông Phùng Bá Duy, Chủ tịch UBND xã Thiệu Đô cho biết: Khoảng 15 năm trước, có thể nói nghề ươm tơ dệt nhiễu Hồng Đô phát triển thịnh vượng nhất, khi đấy sản phẩm làm ra nổi tiếng khắp cả nước. Hiện tại, do nhiều yếu tố tác động, chủ yếu là do cơ chế thị trường khiến giá đầu ra thấp, một phần do diện tích đất trồng dâu bị thu hẹp. Trước tình hình nghề ươm tơ dệt nhiễu đang có xu hướng bị mai một, địa phương đã có nhiều chủ trương, khuyến khích các hộ phát triển nghề, song bà con lại không mặn mà.