Khi chính quyền buông lỏng quản lý khoáng sản! Bài 2: “Mỏ Cường Lý” đục khoét đất đồi Trại 8

Bài và ảnh: Nhật Lam –Thảo Hoàng| 28/05/2020 15:36

(TN&MT) - Báo TN&MT đã phản ánh: Trước tình trạng “vô pháp” đã diễn ra trong mấy năm liền trong việc khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng cũng như những nhóm “lợi ích” bảo kê, bao che cho những nhóm Lục “béo”, Dũng “trọc”, Toàn “bệu”, Thuận tam, Hiền Luyến…. để những đối tượng này tổ chức khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng trong suốt thời gian dài, trục lợi cá nhân và có dấu hiệu trốn thuế. Đã đến lúc cần phải thanh tra, điều tra làm rõ, hơn là những biên bản xử phạt hành chính.

Trại 8 “oằn mình”

Những người dân sinh sống tại ngã 3, gần nhà nghỉ Trường Giang, lối đi vào Trại 8 khi được hỏi ai cũng bất bình vì tình trạng xe chở sạn, chở cát đồi chạy rầm rập, gây ảnh hưởng đến đời sống nhân dân thị trấn Nông Trường Mộc Châu. Chị Bùi Thị N, làm nghề nuôi bò sữa, nhà ngay ven dọc đường vào, bức xúc kể: Nhiều năm qua, chúng tôi vô cùng bức xúc trước mỏ cát của gia đình Cường Lý. Cũng chẳng biết là công ty gì, mỏ gì… Chỉ biết trước đây, khu đất đó là 1 khu đất đồi rất lớn. Gia đình Cường Lý này đã tổ chức đào xới, xúc vẹt cả nửa quả đồi lớn rồi. Giờ họ biến khu bãi xúc nham nhở đó thành một phần của dinh thự gia đình sinh sống, một phần làm nơi sản xuất gạch không nung. Để đối phó với các cơ quan chức năng, họ tổ chức khai thác phía đằng sau vạt đồi. Cát sạn vẫn ồ ạt được đào xới… Hệ quả, ngày nắng thì bụi mù mịt do các đoàn xe tải đem lại, ngày mưa thì nhão nhoét, bẩn thỉu.

Máy xúc xúc sạn cho dàn nghiền

Chị N, bức xúc kể: Cả khu này, được thị trấn Nông trường gọi là Trai 8, bà con chủ yếu là chăn nuôi bò sữa, vắt sữa bò… Nhưng trại của nhà nào cũng phải dùng bạt che kín khu sản xuất, vắt sữa… vì sợ bụi. Những cơn bão bụi hình thành trong quá trình xe chạy đó, luôn là điều hốt hoảng của chúng tôi.

Qua tìm hiểu, Phóng viên được biết, điều mà người dân khu xóm trại 8, bức xúc đã có từ lâu đối với lãnh đạo UBND huyện Mộc Châu, từ thời Bí thư Huyện ủy Mộc Châu Hà Trung Chiến cho đến nay, tình trạng khai thác “cát sạn tặc” chưa bao giờ dẹp được. 2 đời lãnh đạo trưởng Công an Huyện là ông Loan và ông Mai Hoàng, nhưng những đầu nậu khai thác khoáng sản vẫn ngang nhiên tồn tại, thách thức pháp luật. Cứ dẹp đi vài bữa, lại nổi lên. Có đối tượng khai thác thổ phỉ chán lại lập ra HTX rồi lại đâm đơn kiện chính Chủ tịch UBND Mộc Châu ra tòa đòi quyền lợi. Điều lạ, biết những vấn đề tồn tại như vậy, nhưng lãnh đạo huyện Mộc Châu dường như không có giải pháp triệt để, để chấn chỉnh.

Theo lời chỉ dẫn của những người dân, nhóm phóng viên Báo TN&MT đã vào khu mỏ phía sau. Tại hiện trường, chiếc máy xúc đang quay cuồng gầu xúc với dàn nghiền sạn lớn đang hoạt động. Thấy phóng viên đến, một phụ nữ đang lái máy, dừng lại nhảy xuống ngó nghiêng. Nhưng vì “miếng bánh” khoáng sản quá lớn, nhìn ngó, phán đoán một hồi  chị lại tiếp tục công việc…

Xe tải 3 chân ì ạch chở cát sạn đi bán

Trốn thuế tài nguyên lớn?

Qua điều tra, phóng viên Báo TN&MT được biết, khu mỏ Cường Lý này do vợ chồng ông Cường quản lý. Khu đồi này nằm ở vùng giáp ranh, một nửa thuộc đất Vân Hồ, một bên là đất của xóm Trại 8, TT Nông trường Mộc Châu. Ngay phía giáp mặt đường xóm, gia đình ông Cường cho tổ chức sản xuất gạch không nung. Nguồn nguyên liệu lấy luôn từ chính khu mỏ này để ép gạch bán. Nếu ai hiểu biết và tinh ý mới thấy con đường ven đó, dẫn ra khu mỏ phía sau, nơi có 2 máy xúc, 1 dàn nghiền sàng hiện đại đang ngày đêm nghiền sạn ra cát mang đi tiêu thụ.

Trao đổi với phóng viên, anh Mùi Văn H, nhà gần đó, cho biết: Ngày nào cũng có mấy chục xe tải loại 2, 3 chân vào đây chở cát sạn mang bán và san lấp khắp huyện Mộc Châu và Vân Hồ. Tiếng máy xúc, tiếng nổ giống tiếng mìn thỉnh thoảng ục lên, mà anh H cũng không rõ là của khu mỏ nhà Thuận Toàn hay Cường Lý. Dân làm nông rất bức xúc, nhưng chẳng dám kêu ai vì ngại va chạm với họ, anh H chia sẻ.

Trong vai một người mua gạch không nung, phóng viên Báo TN&MT đã vào khu bãi đang làm gạch của hộ gia đình Cường Lý. Cả bãi có 5 - 6 người nhễ nhại, người kéo, người xúc, người vận hành máy trộn. Một người cho biết: Làm thuê ở đây, ông bà chủ trả cho 200 ngàn/ người. Ai muốn làm khoán cũng được. Cát sạn thì chủ yếu lấy từ phía sau, chở ra, cũng của nhà cả.

Khu nhà Cường Lý xây dựng trong khu mỏ, có giấy phép hay không, cần phải làm rõ?

Quan sát, chúng tôi thấy căn nhà rộng, được dựng ngay ven khu mỏ, đầy đủ tiện nghi xây dựng ở đây, điều này khiến dư luận nghi ngờ, vợ chồng nhà ông Cường này đã xin phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất hay chưa? Nhưng gia đình này đã cho xây dựng nhà cửa hoành tráng.

Điều này, khiến dư luận đặt câu hỏi: Khu mỏ rộng cả chục ha của gia đình nhà ông Cường Lý đã có giấy phép khai thác khoáng sản chưa, có đóng thuế cho Nhà nước không? Khai thác cát sạn suốt bao nhiêu năm qua, trữ lượng là bao nhiên vạn m3, từ đất đồi rừng, nay dựng cả dinh cơ có giấy phép chuyển đổi đất hay không ?.

Để rộng đường dư luận, Phóng viên đã đến UBND huyện Mộc Châu để tìm hiểu vẫn đề. Sau khi nghe Phóng viên trình bày một số nội dung cần làm việc như: trách nhiệm của Công an huyện Mộc Châu về để xảy ra tình trạng khai thác cát sạn tặc trên địa bàn huyện, với bằng chứng là các điểm mỏ ở một số vị trí trên địa bàn huyện Mộc Châu vẫn “túc tắc” làm. Những tồn tại trong vấn đề khai thác khoáng sản… Nhưng sau đó, nhân viên Văn phòng này cho biết, hiện tại, ông Phạm Đức Chính, Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu đi vắng, có gì sẽ liên hệ sau.

Bài 3: Treo biển cấm, đại công trường ồ ạt sản xuất

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khi chính quyền buông lỏng quản lý khoáng sản! Bài 2: “Mỏ Cường Lý” đục khoét đất đồi Trại 8
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO