Khát vọng... đại ngàn! - Bài 3: Đất mẹ... hồi sinh

26/03/2019 10:07

(TN&MT) - Từ bao đời, người Điện Biên sống nhờ vào đất, hành trình của người nông dân từ khâu làm đất đến lúc bưng bát cơm trên tay lắm nỗi nhọc nhằn. Nay, nhiều diện tích đất trồng bị “sa mạc” hóa, cuộc sống của người dân vùng cao ngày càng cơ cực... Đã đến lúc, Điện Biên cần cơ cấu lại cây trồng để tài nguyên đất không bị bạc màu và lãng phí.

Giải pháp nào cho đất mẹ hồi sinh?

Vài năm trở lại đây, nhiều diện tích đất nương ở Điện Biên bạc màu được thay thế bằng cây dong riềng, cây sắn. Đây được coi là cây chủ lực của một số xã như: Chà Nưa (huyện Nậm Pồ), Nà Nhạn, Mường Phăng, Nà Tấu (huyện Điện Biên) và Mường Mươn, Sá Tổng, Pa Ham (huyện Mường Chà)... những năm đầu (từ 2012 - 2017) người dân trồng sắn và dong riềng bán cho thương lái dao động từ 1.400 - 1.800đồng/kg, thời điểm này được coi là thời “hoàng kim” của hai loài cây chủ lực kể trên.

Hàng trăm héc – ta diện tích đất trồng của Điện Biên bỏ không và hoang hóa
Hàng trăm héc - ta diện tích đất trồng của Điện Biên bỏ không và hoang hóa

Song, mỗi giống cây chỉ giữ giá được vài năm rồi “rớt” xuống thảm hại. Năm 2018, giá củ dong thương phẩm người dân bán cho thương lái bằng một nửa tiền so với năm 2012, khoảng 800.000 đồng/kg. Khó khăn chồng khó khăn, giá dong riềng xuống thấp, sắn trồng bán chẳng ai mua, người dân Điện Biên lại rơi vào “thảm kịch” diện tích đất trồng sắn, trồng dong bạc màu nghiêm trọng.

Mùa A Kềnh (người Mông bản địa) - Phó Chủ tịch UBND xã Mường Phăng, huyện Điện Biên, nhận định: “Cây sắn và cây dong riềng là 2 loại cây trồng hại đất nhất trong các loại cây lương thực hiện nay ở Mường Phăng. Nếu trồng liên tiếp 3 vụ, đến vụ thứ 4, củ chỉ to hơn ngón chân cái. Diện tích đất nào đã trồng dong riềng và trồng sắn, chỉ sau 2 năm, cây chó đẻ - loài có sức sống mãnh liệt nhất cũng không sống được. Chính vì vậy, tôi khuyến cáo, người dân không mở rộng diện tích trồng sắn và dong riềng, nhưng vì xã chưa có cây trồng thay thế mang lại thu nhập nên đồng bào vẫn trồng dù giá củ dong năm qua rất rẻ.”

- Mường Phăng có khí hậu ôn hòa, mát mẻ quanh năm, biên độ nhiệt giữa ngày và đêm, giữa Mường Phăng và TP. Điện Biên Phủ chênh nhau từ 2 - 3oC tại sao không chuyển hướng cây trồng phù hợp bền vững hơn, nguồn tài nguyên đất được sử dụng hiệu quả hơn? Kềnh phản ứng:

- “Có chứ, tôi tính sẽ chuyển hướng trồng rau xanh an toàn cho bà con và trồng hoa trên những diện tích đất thoải nhưng lại... sợ đầu ra cho sản phẩm. Nếu có doanh nghiệp hay tổ chức nào chịu đầu tư trồng hai loại cây này hoặc lo được đầu ra cho sản phẩm, tôi sẽ thuyết phục đồng bào theo ngay” - Kềnh quả quyết.

“Chứ như giờ, để bà con trồng dong, trồng sắn vừa hại đất, vừa phập phù... căng lắm” - Kềnh nói.

Hàng nghìn héc - ta đất dốc ở Sơn La từng trơ trọi sau mỗi vụ thu hoạch ngô, giờ đã được phủ xanh bằng cây ăn quả.
Hàng nghìn héc - ta đất dốc ở Sơn La từng trơ trọi sau mỗi vụ thu hoạch ngô, giờ đã được phủ xanh bằng cây ăn quả

Khoảng 10 giờ sáng, bìa rừng cạnh trụ sở UBND xã Mường Phăng, nơi Mùa A Kềnh làm việc vẳng tiếng chim “bắt cô chói cột” hót lanh lảnh. Kềnh cho biết: Con chim này kêu là đến mùa gieo hạt. Nhưng từ Tết đến giờ, mới chỉ có một trận mưa, đồng bào lo lắm.... Hiện nay, xã Mường Phăng có khoảng 100ha lúa vụ chiêm đang trong cơn “khát”. Nếu trời không làm mưa, chắc chắn diện tích lúa này sẽ chết. Chúng tôi đã vận động bà con mua máy bơm về để bơm nước tưới diện tích lúa đang khô nẻ. Rồi Kềnh đưa đốt ngón tay ra nhẩm: Đến giờ, có khoảng 5, 6 hộ mua máy bơm rồi. Số còn lại chờ mưa... vì nghèo không có tiền mua máy.”

Lâu nay, người dân vùng cao Điện Biên vẫn còn thói quen canh tác phụ thuộc hoàn toàn vào điều kiện của thời tiết nên rất nhiều diện tích lúa, ngô của đồng bào vùng cao chết khô do thiếu nước. Người dân chưa biết phục hóa, tạo lớp mùn tơi xốp để đất trồng không bị hoang hóa... Cùng với đó, nhiều loại cây trồng ở Điện Biên đã khiến đất ngày càng hoang hóa, dù được khuyến cáo nhưng người dân vẫn trồng vì đó là nguồn thu nhập chính. Đất bạc màu cằn cỗi, khiến người nông dân không mặn mà với đất, hàng trăm ha đất ở Điện Biên bị bỏ hoang không canh tác, bát cơm của người nông dân cũng vơi đầy, đói no theo những vụ sắn, vụ dong... Đến giờ, Điện Biên vẫn chưa có giải pháp nào để đất được hồi sinh.

Hãy nhìn ra tỉnh bạn

Đồng nghiệp tôi đi cùng nhận định: Cùng nằm trên trục Quốc lộ 6, thổ nhưỡng khí hậu như nhau, điều kiện canh tác như nhau, bên kia dốc Pha Đin, người dân Sơn La mùa nào thức nấy, sản phẩm nông sản bán rợp đường, thậm chí một số mặt hàng như: Chanh leo, nhãn lồng, thanh long... xuất khẩu đi tận nước ngoài. Nhưng bên này Pha Đin, người dân Điện Biên không biết họ mải toan tính những gì, cán bộ mải mê họp bàn những chính sách vĩ mô ở đâu mà để đất khô nỏ, lăn lóc... thậm chí thương lái phải đi mua rau, quả ở dưới xuôi, Sơn La về để bán cho dân Điện Biên để hưởng chênh lệch?

Người nông dân Sơn La chăm sóc vườn cây ăn quả
Trong khi đó, người nông dân Sơn La phát triển hiệu quả vườn cây ăn quả

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Điện Biên Bùi Minh Hải mới nhận nhiệm vụ “tư lệnh” ngành nông nghiệp tỉnh cách đây vài tháng, ngành nông nghiệp Điện Biên định hướng phát triển theo hướng cây nông nghiệp dài ngày là cây cao su, cây cà phê và cây mắc ca. Trong lộ trình dài hơi của Điện Biên, cây mắc ca đang được chú trọng.

Hiện nay, mắc ca đang được trồng ở một số huyện Tuần Giáo, Mường Ảng khoảng 2.000ha. Tỉnh dự kiến, đến năm 2030, sẽ phát triển diện tích trồng cây mắc ca lên đến 30.000ha và sẽ tạo quỹ đất, cơ chế cho các doanh nghiệp phát triển cây “triệu đô” này trên tầng đất dốc, đất luân canh của đồng bào theo phương thức góp đất ăn chia cổ tức hoặc cũng có thể trả khoán gọn theo tháng.  Cách đây chưa lâu người ta cũng khẳng định cây cao su là cây chủ lực, cây cứu cánh cho đồng bào miền núi... Nhưng đến giờ, bài toán cây cao su vẫn chưa ra được đáp án.

Riêng Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2018 - 2020 của Điện Biên tính đến thời điểm này coi như “vỡ trận”. Vì đến nay, những cây trồng được coi là chủ lực như: Cao su, cà phê, mắc ca... chưa mang về thu nhập ổn định cho người dân.

Cùng với đó, Điện Biên chưa có loại cây ăn quả, cây dược liệu nào sản xuất theo chuỗi thực phẩm sạch, gắn sản xuất với thị trường hàng hóa tập trung mà chủ yếu theo các hộ cá thể nhỏ lẻ, manh mún... Vì thế, việc hỗ trợ các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Điện Biên đăng ký, cấp chỉ dẫn địa lý, mã truy suất nguồn gốc cho sản phẩm rất khó thực hiện.

Trong khi đó, Sơn La năm 2018, sản xuất nông nghiệp ước đạt 7.300 tỷ đồng, tăng cao nhất trong vòng 5 năm qua; tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu trên 115 triệu USD, vượt hơn 40% kế hoạch tỉnh này đề ra.

Các loại cây ăn quả như: xoài Yên Châu, bơ, chanh leo, thanh long, nhãn ở các huyện Mai Sơn, Mường La, Mộc Châu, Sông Mã… đã có mặt ở nhiều siêu thị lớn tại Hà Nội, thậm chí, xuất khẩu đi cả nước ngoài, khiến diện tích cây ăn quả của Sơn La tăng nhanh chóng, đến nay là 57.439ha. Năm 2018, tỉnh đã xây dựng 6 nhà máy chế biến nông sản tại các huyện Mai Sơn, Mộc Châu, Thuận Châu và Vân Hồ. Dự kiến năm 2020, Sơn La sẽ nâng diện tích cây ăn quả toàn tỉnh đạt 100.000ha và sản lượng hàng năm khoảng 500.000 tấn quả tươi để phục vụ cho chế biến, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Nhiều diện tích đất bạc màu của tỉnh Sơn La đã hồi sinh nhờ cây ăn quả
Nhiều diện tích đất bạc màu của tỉnh Sơn La đã hồi sinh nhờ cây ăn quả

Điểm qua một vài con số của Sơn La để minh chứng, tỉnh Sơn La đang đi đầu trong việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp, mục tiêu phát triển diện tích cây ăn quả trên diện tích đất dốc và nương thoải. Đây là một hướng đi mạnh bạo, hiệu quả và có sự chung tay, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và người dân. Nghĩa là, quỹ đất nông nghiệp của Sơn La đang được sử dụng rất hiệu quả, nhiều diện tích đất bạc màu “đã được hồi sinh”.

Điện Biên và Sơn La là 2 tỉnh giáp nhau có những nét tương đồng về địa lý, khí hậu, văn hóa, dân tộc. Tại sao Sơn La làm được, Điện Biên lại không? Vậy, ở Điện Biên nhân tố nào quyết định? Con người, thổ nhưỡng hay khí hậu, điều kiện tự nhiên? Làm thế nào để tài nguyên đất ở Điện Biên được sử dụng một cách tối ưu và hiệu quả? Hướng đi nào cho đất được hồi sinh, quỹ đất trồng không bị bạc màu, hoang hóa, đời sống của người dân Điện Biên được nâng lên và no ấm? Câu hỏi trăn trở này xin dành lại cho những nhà chuyên môn, quản lý, lãnh đạo và cả những người dân khao khát làm giàu của tỉnh Điện Biên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khát vọng... đại ngàn! - Bài 3: Đất mẹ... hồi sinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO