Khát vọng... đại ngàn! - Bài 1: Đất "khát"

19/03/2019 12:59

(TN&MT) - Tây Bắc mùa này cây khô lá vàng, gió Lào thổi về ràn rạt. Những bụi cây chó đẻ, thân tre, thân vầu được mùa chút lá, đất khô nỏ lăn lóc, lạo xạo dưới chân người. Đất đang “oằn mình” trong cơn khát, nước đổ xuống không kịp sủi tăm biến mất dạng. Đồng bào Tây Bắc làm đất từ lâu, chỉ chờ “Phạ” làm mưa là bắt đầu gieo hạt... Nhưng đến giờ mà “Phạ” vẫn ngự ở “chiếu trên” mãi chưa thấy mưa về.

“Đất ơi... sao nỡ phụ mình?!”

Câu nói trần trụi của Giàng A Dình, (người dân tộc Mông, bản Trung Ghênh, xã Sá Tổng, huyện Mường Chà, Điện Biên), tôi chùng lòng, gạn hỏi: Hòn đất mà biết phụ người sao?

- “Có chứ. Mình mất nhiều sức làm đất quá mà đất trả công mình ít quá. Đám nương trước mặt mình trước đây mỗi vụ cho 6, 7 bao thóc, giờ chỉ được 2 bao, có vụ còn không được. Con chim Nôộc Pít nó ăn hết thóc giống của mình. Hạt ngô vùi trong đất nó cũng moi lên. Cây cối trong rừng chặt hết làm nương, quả chín không còn. Nó đói! Chắc là nó đói... nó mới làm thế thôi, trước có thế đâu” - Dình trần tình tự nhủ.

Người trong bản của Dình mùa này đi nương tiệt, ở nhà chỉ còn người già và tụi nhỏ. Đám trẻ con trong bản Dình bụng ỏng, cởi chuồng lông nhông, thấy khách lạ đến bản chúng núp sau một gốc cây to rồi nhìn trộm... đứa nào đứa nấy mặt mũi lấm lem. Đến nhà, Dình chỉ tay về phía 2 người đàn ông Mông quãng ngoài 50 tuổi đang chặt tre: “Hai thằng kia là em của bố mình. Mùa này hay có gió lốc, nó đến giúp lợp lại nhà.”

Cả bản Trung Ghênh có khoảng 60 nóc nhà, 100% đồng bào dân tộc Mông, có nhiều dòng họ sinh sống. Nhưng có lẽ phát triển và lâu nhất trong bản là dòng họ Vàng, Giàng, họ Ly và họ Hờ là số ít. Tất cả người dân chỉ sống bằng nghề làm nương rẫy, luân canh theo vụ. Mỗi năm, chỉ làm được 1 vụ chiêm, số ít diện tích làm được vào cả vụ mùa vì đất dốc, mưa rửa trôi cả hạt giống, những vị trí bằng hơn thì đất cũng bạc màu, hoang hóa. Thành thử, người Mông ở đây chỉ canh tác được 1 vụ lúa nương.

Nhiều bản vùng cao thiếu nước trong cả mùa khô.
Nhiều bản vùng cao thiếu nước trong cả mùa khô

Nghe bố Dình kể, trước đây, Trung Ghênh rừng nhiều gỗ lắm, nhiều cây to ôm không xuể. Rừng lúc nào cũng thâm u, ẩm lạnh ngay cả ban trưa... Thế rồi con người nảy nở sinh sôi, nhu cầu nhà ở và đất cần canh tác tăng cao... vì thế, đất rừng ngày càng giảm mạnh. Mỗi đám nương phát mới chỉ làm được 2, 3 vụ, các vụ sau đất bị bỏ hoang, người dân lại đi tìm đám nương mới. Cứ như thế... cho đến khi rừng kiệt quệ, đất không thể hồi sinh, người bản Trung Ghênh đành phải luân canh, bỏ đất vài năm cho đất hồi sinh trở lại, rồi người dân quay về tiếp tục cày xới gieo hạt, trỉa ngô.

Ở đây, mỗi gia đình có khoảng 5, 6 khoảnh nương, ở các vị trí khác nhau. Có hộ nhiều hơn và tất cả đều do người dân lấn chiếm, tự nhận. Đám nương nào có người đánh dấu bằng vết dao chém vào thân cây, nghĩa là khu đất đó đã có chủ... Giờ đất được chính quyền giao cấp sổ và đất rừng cũng đang được bảo vệ khoanh nuôi. Nhưng sẽ còn rất lâu nữa đất mới lại hồi sinh, rừng mới có màu xanh trở lại.

Lẽ đó mà Trung Ghênh nói riêng và 10 bản còn lại của xã Sá Tổng nói chung không còn rừng. Chỉ còn rất ít diện tích rừng nằm ở bản Sà Phìn và bản Đề Dê. Theo thống kê của huyện Mường Chà năm 2018, tỷ lệ che phủ rừng của toàn huyện chỉ đạt 36,05%, trong đó, xã Sá Tổng tỷ lệ che phủ rừng chỉ đạt 21%.

Không riêng gì bản của Dình mà khắp Tây Bắc đều có nét tương đồng “rừng cơ bản đã phá xong”, nghĩa là những quả đồi trọc ở đâu cũng có, rừng ở đâu cũng kiệt không riêng gì bản Trung Ghênh. Vì thế, đồng bào vùng cao Tây Bắc luôn thiếu nước sinh hoạt trong cả mùa mưa.

Trước, các con suối Sà Phìn, Đề Dê, Trung Ghênh... quê hương Dình nước đổ lao dốc ầm ầm, gây âm vang cho sức vóc tự nhiên, là nguồn nước sinh hoạt chung cho cả cộng đồng các bản Mông, tưới tắm cho bãi ruộng Đề Dê, Háng Hìa đủ canh tác 2 vụ. Giờ con suối không còn hùng vĩ mà nằm rỉ nước buồn thiu trơ lại những hòn cuội to bạc màu trắng phếch.

Im lặng hồi lâu bố Dình kể lại: Trước đây, cứ đến tháng 3, tháng 4 là bắt đầu trời làm mưa. Mưa không kéo dài nhiều ngày nhưng đủ làm ẩm đất để người Mông mình gieo hạt. Năm nay, giữa tháng 3 mà chưa có mưa... Nắng nóng, gió Lào làm cây cối rụng lá khô cong. Mùa này hay bị cháy rừng nhất.

Đã rất nhiều đời, tập tục, thói quen của đồng bào Mông vùng cao phá rừng làm nương. Họ không lưu tâm một điều không phải mơ mà là rất thực; đất phụ người khi người đã phụ đất từ rất lâu rồi.

Đoản khúc... của những mô hình kinh tế nông - lâm

Nạn phá rừng làm nương của đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao Tây Bắc nói chung và Điện Biên nói riêng là một trong rất nhiều những nguyên nhân dẫn đến việc hủy hoại, tàn phá môi trường rừng, khiến tài nguyên đất trở nên kiệt quệ. Các dự án cỡ vừa, cỡ lớn rồi đến siêu dự án cũng góp phần “tích cực” trong việc phá rừng và hệ lụy môi trường từ đó nảy sinh. Những cánh rừng mất đi nghĩa là nguồn tài nguyên đất cũng mất đi cơ hội dưỡng sinh. Hàng năm, lớp mùn tơi xốp trên bề mặt bị mưa lũ bào mòn rửa trôi, đất đá sạt lở, lũ ống xuất hiện... thiên tai, hạn hán cũng hình thành lên từ đó.

Đến khi con người nhận ra hiểm họa từ môi trường tự nhiên là mối nguy hại mất an toàn nhất, khó chống đỡ nhất, con người đã tìm mọi cách để bù đắp bằng cách xây dựng các dự án trồng rừng, quy hoạch đất nông nghiệp, lâm nghiệp... Các chương trình, dự án của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn như: Trồng mới 5 triệu héc - ta rừng bằng phương pháp gieo bay, bay gieo... Chương trình trồng rừng 327 phủ xanh đất trống đồi trọc... nhằm nâng cao diện tích và độ che phủ rừng và tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, xa, vùng khó khăn được hưởng lợi từ rừng.

Kết quả của các chương trình dự án mang tầm vĩ mô ấy tỉnh Điện Biên có tỷ lệ che phủ rừng chỉ tăng nhẹ, đạt 38,5% (theo số liệu kiểm kê rừng năm 2016) thấp nhất toàn khu vực.

Từ năm 2003, sau khi Luật Đất đai sửa đổi ban hành, công tác quản lý đất đai của tỉnh Điện Biên có nhiều chuyển biến, siết chặt hơn, phân loại đối tượng sử dụng đất, quy hoạch lại đất rừng và định mức đất nương rẫy, đất nông nghiệp để người dân có ý thức canh tác, bảo vệ và sử dụng tài nguyên đất có hiệu quả. Nhưng giữa mong muốn và thực tế là một lộ trình dài... rừng bị chặt phá lớp mùn trên bề mặt bị rửa trôi, đất trở thành hoang hóa. Người dân vùng cao đứng trước bài toán khó: Trồng cây gì trên quỹ đất đã bị “sa mạc” hóa?

Những ngọn đồi trọc lốc rất dễ dàng bắt gặp ở Tây Bắc. Trong ảnh, dải đất cằn cỗi thuộc huyện Điện Biên
Những ngọn đồi trọc lốc rất dễ dàng bắt gặp ở Tây Bắc. Trong ảnh, dải đất cằn cỗi thuộc huyện Điện Biên

Trước thực trạng đó, các nhà lãnh đạo, hệ thống chính quyền cũng đau đáu, không ít các dự án được đưa ra bàn bạc tính toán... Chính quyền sẵn sàng cung ứng con giống, kỹ thuật, cử cán bộ xuống tận làng bản bắt tay, chỉ việc. Nhưng làm giàu cho nông dân không phải dễ. Các dự án trồng gấc, trồng gừng, trồng trồng trẩu, trồng sa nhân, cánh kiến... mô hình VAC, mô hình phủ trống đồi trọc bằng cây keo, cây bạch đàn lần lượt ra đời... rồi “chết yểu”.

Hiện nay, Điện Biên chỉ còn dự án cây cao su đang “thoi thóp” sống. Toàn tỉnh có khoảng 5.000ha cao su, một số diện tích đã đến kỳ cho thu hoạch nhưng người dân không mặn mà vì giá mủ cao su giảm mạnh.

“Gia đình tôi góp hơn 1.000m2 đất trồng cao su, sau khi năm 2018 vườn cao su cho thu hoạch, phía Công ty CP Cao su Điện Biên thu hoạch, tính toán trừ các chi phí sau gần 10 năm chúng tôi được nhận về 500.000 đồng” - ông Lò Văn Hặc, xã Hua Thanh chia sẻ.

Lộ trình phát triển kinh tế nông - lâm của Điện Biên trong thời gian tới sẽ đưa giống cây “triệu đô” (cây mắk ca) về trồng trên diện tích đất dốc và đất nương thoải. Tại các huyện Mường Ảng, Tuần Giáo và TP. Điện Biên Phủ đã trồng 100ha diện tích mắc ca đang cho thu hoạch, hy vọng dự án này sẽ mang triệu đô về cho đồng bào dân tộc ở Điện Biên.

64 năm trước, Điện Biên nổ phát súng đầu tiên mở màn cho Chiến dịch Điện Biên Phủ (13/3/1954), khi ấy vùng đất, vùng trời Điện Biên sục sôi như chảo lửa, cuộc chiến cam go ác liệt giữa bộ đội Việt Minh và lính Pháp giành nhau từng tấc đất, ụ pháo, chiến hào với niềm khát khao chiến thắng. 64 năm sau mảnh đất Điện Biên không còn bóng giặc, nhưng sức nóng của những con người nơi đây khát khao làm giàu trên tầng đất đỏ bazan chưa khi nào ngơi nghỉ...

Đất đang “khát” dòng nước chảy từ trời, người đang “khát” trong niềm khát khao giàu có. Khát vọng về một mảnh đất hồi sinh... Khát khao về những cánh rừng xanh thẫm... Tất thảy đều dựa vào nghị lực, ý chí của con người và đất mẹ hồi sinh.

Theo baotainguyenmoitruong.vn
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khát vọng... đại ngàn! - Bài 1: Đất "khát"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO