Khát vọng của… A Chu

Trần Hương| 03/04/2023 14:38

(TN&MT) - Tráng A Chu, là nông dân thực thụ sống ở Ham Xoong, xã Vàng Đán, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên. Ở đây ai cũng đều biết đến Tráng A Chu, người Mông đầu tiên của huyện đưa cây sả lên một tầm cao mới mà ở đó, giá trị thặng dư từ việc bán tinh dầu sả được nhân lên đến mấy chục lần. Và bây giờ, A Chu đang thí điểm tiếp mô hình chưng cất tinh dầu từ cây húng quế ở Ham Xoong.

Khát vọng…

Sau hành trình vượt đèo gần 200 cây số tính từ trung tâm TP. Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, cán bộ dẫn đường là Phó Chủ tịch UBND xã Vàng Đán, Giàng A Tùng. Đường vào bản Ham Xoong không xa, chừng 2 cây số. Nhà của Tráng A Chu ngay đầu bản Ham Xoong, qua một vạt nương dài toàn sả mới đến nơi.

Nhanh nhẹn, hoạt ngôn, chất phác, hào sảng, ấy là Tráng A Chu, (56 tuổi) bố của 9 người con và ông của 8 đứa cháu nội, ngoại. Nhà của A Chu, không khổ nhưng đúng chất là nhà của người nông dân Mông, quá nhiều thứ bề bộn. Việc đầu tiên khi thấy khách đến nhà, A Chu đặt đứa cháu gái 3 tuổi ngồi phệt xuống nền đất, lấy chổi đuổi gà, thu dọn mấy thứ nồi niêu, rá rổ… mang ra ba, bốn chiếc ghế nhựa và kèm theo nải chuối tiêu nửa chín, nửa xanh thết đãi khách thay cho mời nước. Vợ con đi vắng, ở nhà chỉ còn 2 ông cháu. Đứa trẻ mũi dãi lòng thòng ngồi tiếp khách cùng ông.

a1.jpg

Tráng A Chu trong vườn sả

Tráng A Chu quê gốc ở Lào Cai, theo làn sóng di cư năm 1992 di chuyển vào Mường Nhé của tỉnh Điện Biên. Tháng 12/2015, Mường Nhé chia tách thành 2 huyện Mường Nhé, Nậm Pồ và A Chu bám trụ từ đó đến nay. Những năm tháng trước đây A Chu cũng giống như bao người Mông khác của Nậm Pồ, làm nương, nuôi trâu bò để trang trải cuộc sống. Năm 2018, trong một lần trở về quê cũ, Tráng A Chu gặp gỡ những người đồng hương ở Lào Cai cũng đang trồng sả chưng cất tinh dầu. Anh học hỏi kinh nghiệm và về bắt đầu trồng 2ha sả trên diện tích nương thoải gần nhà. Sau 3 tháng, cây sả lên xanh tốt, anh cắt toàn bộ phần lá đem về chưng cất. Những mẻ tinh dầu sả đầu tiên cho sản lượng thấp, nhưng vẫn có lãi.

Vươn lên làm giàu…

Sau khi cây sả trưởng thành, nếu thu hoạch củ sả đem bán tươi làm gia vị, giá chỉ khoảng 20 - 25 nghìn đồng/kg. Và cây sả khi ấy chỉ cho thu hoạch 1 lần. Trong khi đó, thu hoạch lá sả khoảng 45 ngày thu hoạch 1 đợt lá. 1ha sả thu hoạch đợt đầu chỉ được khoảng 1 - 2 tấn lá, thu hoạch lứa thứ ba, thứ tư gốc sả đẻ nhánh nhiều lá thu được khoảng 4 – 5 tấn. Nhưng đến năm thứ 3 trở đi thu hoạch lá sẽ lại ít như năm đầu, do cây sả lụi, lá ngắn nên thu được ít. Vòng đời của cây sả chỉ nên để 3 năm, sang năm thứ 4 sản lượng rất thấp.

Theo tính toán của A Chu thì mỗi 1tạ lá sả sẽ chưng cất được 1,2kg, tương đương khoảng 1,6 lít tinh dầu. Tinh dầu sả của Tráng A Chu hiện đang bán ra thị trường, 1kg dao động từ 180 -200 nghìn đồng.

Bình quân 1ha sả sẽ cho thu hoạch được khoảng 100 triệu đồng/năm trừ chi phí. Hiện gia đình Tráng A Chu có 3ha sả, theo tính toán của anh mỗi năm thu nhập gần 200 triệu đồng. Hiện HTX của anh có tổng số khoảng 30ha sả đã cho thu hoạch vụ 3. Như vậy, việc chưng cất tinh dầu sả của Tráng A Chu đã làm cho giá trị cây sả tăng lên rất nhiều lần.

a2.jpg

Tráng A Chu trong vườn húng quế đang ra hoa

Theo kinh nghiệm của A Chu, để tinh dầu có mùi thơm đậm, lá phải được rửa sạch, để ráo, dụng cụ phải rửa sạch sẽ, thay nước chưng cất liên tục. Cây sả không được bón phân hóa học, không phun thuốc bảo vệ thực vật… Tất cả các khâu phải làm thật tỉ mỉ mới mong có được một mẻ tinh dầu đạt chất lượng như ý.

Lần đốt ngón tay, Tráng A Chu kể: “Tháng 8/2022, anh thành lập HTX Vàng Đán, có 17 hộ tham gia. Tính riêng năm 2022, nhà anh bán được khoảng 300 lít tinh dầu sả. Tất cả HTX của anh năm qua bán khoảng 3.700 lít. Năm nay, chắc khó khăn hơn vì thị trường đang bị thu hẹp, Trung Quốc không thu mua nữa, cây sả anh trồng cũng đã đến kỳ phải thay vì già cỗi. Chắc là anh phải tính…”

Bỏ dở câu nói, A Chu đăm chiêu suy tính.

…của Tráng A Chu

Tất cả chúng tôi im lặng ngồi lặng lẽ bên A Chu, đôi bàn tay gày da đen cháy bấu vào xương, ngón đan vào nhau buông về phía trước, anh tựa lưng vào ghế nghĩ suy.

Phó Chủ tịch xã, Giàng A Tùng ngồi kế bên bấy giờ mới lên tiếng: “Chúng tôi cũng đang cố gắng giúp HTX của anh Chu đây… đưa sản phẩm tinh dầu sả trở thành sản phẩm ô – cốp của địa phương. Hy vọng rằng, sau khi sản phẩm có chỉ dẫn địa lí, truy xuất nguồn gốc… tinh dầu sả Vàng Đán sẽ có chỗ đứng ở thị trường.

Đận này, A Chu đang lo lắm! Trước, tinh dầu sả làm ra có nguồn tiêu thụ, giờ thị trường bão hòa, tinh dầu sả của HTX Vàng Đán do anh làm chủ nhiều lần bị đánh cắp thương hiệu. Họ mua tinh dầu của anh đem về pha chế, dán nhãn khác đưa ra thị trường. Anh biết mà đành chịu. Đoạn A Chu nói chắc nịch: “Chất lượng tinh dầu sả của mình có mùi thơm rất đượm, chẳng kém bất cứ thương hiệu nào. Mình mong có đầu ra ổn định để người Mông mình xóa bỏ hẳn cây ngô, cây lúa kém hiệu quả... Như thế người Mông ở Ham Xoong mới giàu có được.”

a3(1).jpg

Tráng A Chu trò chuyện cùng tác giả

Ước mơ của Tráng A Chu đã vượt khỏi tầm suy nghĩ của người nông dân Vàng Đán, trở thành niềm trăn trở của cả các cấp lãnh đạo địa phương.

Tôi chỉ đám húng quế tím đương trổ hoa trước cửa nhà A Chu hỏi: Cây kia trồng nhiều thế? Ăn sao suể?

Tráng A Chu chợt nhớ bật lên như chiếc lò xo, vẻ mặt hân hoan nói trong niềm vui phấn khích: “À đúng rồi..! Húng quế..! Đó là cây húng quế. Mình đang gieo để làm tinh dầu đó!”

A Chu tấp tểnh chạy vào trong nhà lôi ra một bọc gói kỹ trong túi ni - lông. “Em ngửi đi. Thơm không? Hạt của cây húng quế đấy! Anh phải đặt mua của một người quen ngoài tỉnh, anh ấy cũng đang gieo để làm tinh dầu. Mỗi kilogam hạt giá khoảng 2 triệu đồng. 1kg hạt anh gieo được khoảng 1ha. Mỗi 1 lít tinh dầu húng quế bây giờ thị trường đang mua khoảng 500 nghìn đồng, cao sấp sỉ 3 lần tinh dầu sả. Bây giờ anh đang trồng thí điểm khoảng 2ha. Cả bản này mới có 2 anh em nhà anh làm thí điểm. Nếu đầu ra tốt, ổn định thì sẽ nhân rộng, anh thuê đất của người Mông trong bản để trồng. Bản Ham Xoong có 70 hộ kia mà, quỹ đất còn nhiều. Còn tinh dầu sả năm nay nhà anh sẽ thu diện tích lại chỉ để khoảng 2ha, HTX chỉ để khoảng 20ha. Vì sản phẩm nó gắn liền với thương hiệu HTX của anh.

“Lại là một hướng đi mới. Ông Chu này luôn đi đầu như thế đấy các em.” Phó chủ tịch xã Giàng A Tùng nói với chúng tôi.

A Chu cười nét mặt ánh lên niềm hy vọng: “Cái đầu của mình không bao giờ để cho cỏ mọc. Phải như thế thì người Mông mình mới hết khổ. Đúng không? Anh nói đúng không?” - A Chu nhìn chúng tôi cười hỏi.

a4.jpg

Lò chưng cất tinh dầu sả thủ công của gia đình Tráng A Chu

Nghiêm nét mặt, A Chu tiếp: “Song, về lâu dài HTX tinh dầu sả Vàng Đánh của anh vẫn cần phải có một hướng đi... Cũng may, vòng đời của những cây sả, cây húng quế ngắn nên mô hình có thay đổi cây trồng cũng không ảnh hưởng lớn đến quỹ đất, thời gian và công sức đầu tư. Chứ như một số cây trồng dài ngày khác không bán được mà chuyển đổi mô hình là cả bài toán đấy em ạ.!”

Mặt trời đứng bóng, câu chuyện về những khát vọng làm giàu của Tráng A Chu vẫn còn nhiều trăn trở. Chúng tôi chia tay anh ra về cho kịp chuyến xe. Anh bế thốc đứa cháu lên tay, con bé ngồi nghe ông và khách chuyện trò đâm ngủ gật. A Chu dặn: “ Lần sau vào ở lại ăn cơm với anh, nói chuyện của người Kinh về cách làm thị trường nhé, cái đó anh cần. Anh vẫn có niềm tin, hy vọng vào sản phẩm của người Mông, thật 100% không pha tạp sẽ được mọi người đón nhận. Chắc chắn thế...” Tôi gật đầu bước đi… thầm chúc cho khát vọng làm giàu của Tráng A Chu và những người Mông bản Ham Xoong sớm thoát nghèo để vươn lên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khát vọng của… A Chu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO