Xã hội

Khát vọng bên dòng sông mẹ

KTS Phạm Thanh Tùng 09/02/2024 19:04

(TN&MT) - Dòng sông Mẹ vẫn đang miệt mài chảy, thao thiết chảy, nuôi lớn trong tôi khát vọng về thành phố dọc đôi bờ sông Hồng đẹp, hiện đại, giàu bản sắc sẽ hiển hiện trong một tương lai gần mà chúng ta đang hướng tới…

caulong-bien25022014040810.jpg
9869-1636868395-z2933132076198-45d078112739139534ed482b7af0137f.jpg

Nơi bắt đầu của thành phố

Trên Trái đất này, hầu hết các đô thị được hình thành từ những quần cư đông đúc sinh sống bên các dòng sông. Nếu dòng sông là báu vật thiêng liêng mà tạo hóa sinh ra, thì đô thị là sản phẩm kiến trúc - văn hóa vĩ đại của loài người. Và cũng chính các dòng sông đã mang đến cho đô thị một diện mạo văn hóa khác biệt, tạo nên bản sắc của đô thị đó. Như, Paris (Pháp) với dòng sông Seine thơ mộng, London (Anh) với sông Thames, Saint Petersburg (Nga) với dòng Neva huyền thoại, hay Thượng Hải, Quảng Châu (Trung Quốc) có sông Hoàng Phố, Châu Giang, đề tài bất tận của văn học Trung Hoa…

Thành phố nơi tôi lớn lên và đi qua gần hết cuộc đời cũng có một dòng sông như thế - sông Hồng!

Sông Hồng có tự bao giờ, không nhớ rõ. Chỉ biết rằng nó bắt đầu từ độ cao 1776m ở dãy Nhụy Sơn của tỉnh Vân Nam bên Trung Quốc, chảy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam vào Việt Nam, qua Lào Cai, rồi chảy qua các tỉnh Yên Bái, Phú Thọ, xuôi về Hà Nội, Hưng Yên, Thái Bình… để rồi cuối cùng đổ ra Biển Đông qua vịnh Bắc Bộ với tổng chiều dài 1160km, trong đó phần chảy trên đất Việt hơn 510km. Sông Hồng có nhiều tên gọi khác nhau. Phần chảy trên đất Trung Hoa gọi là Nguyên Giang. Phần chảy trên đất Việt có tên gọi là sông Hồng, sông Cái. Khi chảy qua ngã ba Bạch Hạc - Việt Trì thì được gọi là sông Thao. Hay xuôi đến Hà Nội uốn dòng như hình cái tai ôm ấp lấy kinh thành cổ thì có tên là Nhĩ Hà hay Nhị Hà. Và thành Thăng Long xưa sau này mang tên Hà Nội - thành phố trong sông cũng là vì thế!

bds5.png
Cầu Nhật Tân

Sông Hồng có nhiều nhánh như sông Đà, sông Lô, sông Chảy... Phân lưu phía tả ngạn có sông Đuống, sông Luộc… Phía hữu ngạn có sông Đáy, sông Ninh Cơ… Tất cả nối với nhau tạo nên một hệ sông ngòi dày đặc, bền bỉ suốt ngàn vạn năm chở phù sa bồi đắp nên một đồng bằng châu thổ Bắc bộ trù phú và giàu có. Người quê tôi gọi sông là “Mẹ”, bởi đó là cuộc sống, là tình yêu và sự no đủ. Những con sông quê mang trong mình một nguồn thủy sản phong phú, ngày đêm thao thiết chảy đem nguồn nước tưới tắm cho vạn vật, cho những cánh đồng màu mỡ xanh bát ngát, trắng cánh cò bay. Con gái quê tôi uống nước sông, tắm nước sông mà có làn da trắng mịn như trứng gà bóc, có cái giọng mượt mà, đằm thắm để cất lên những làn điệu chèo làm nghiêng ngả sân đình, hay những câu ca quan họ da diết, tình tứ “người ở… người ơi!...” lưu luyến người đi! Thành phố của tôi hình thành nên cũng bởi chính dòng sông Mẹ ấy!

Dòng sông bị lãng quên...

Thủa xa xưa, cách đây nghìn năm, đức vua Lý Thái Tổ - Lý Công Uẩn quyết định dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) ra đây dựng nghiệp lớn, không chỉ bởi trong một lần ngự bến sông Hồng, nhà vua chứng kiến một dải mây hình rồng bay lên mà còn bởi ông nhận thấy vùng đất này “rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tốt tươi phồn thịnh. Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư muôn đời” (Chiếu dời đô). Ngày ấy dòng sông và kinh thành như giao hòa là một. Phố xá nhìn ra sông. Khắp nơi tấp nập trên bến dưới thuyền giao thương sầm uất. Nghiên cứu về Hà Nội, các nhà đô thị học gọi Hà Nội là thành phố của cây xanh mặt nước, mà chủ yếu là hồ, đầm. Nghĩ cho cùng, mặt nước hồ đầm ở Hà Nội như hồ Tây, hồ Trúc Bạch, hồ Gươm… cũng chính là nước sông Hồng do biến đổi của tự nhiên mà tạo thành. Có lẽ vì thế mà để khái quát đặc trưng của đô thị cổ này, người ta đưa ra công thức: Đỏ + Xanh lơ + Xanh Lục = Hà Nội. Đỏ là sông Hồng. Xanh lơ là mặt nước hồ, đầm. Và xanh lục là màu của cây cối.

Trong suốt hơn một nghìn năm hình thành và đô thị hóa, cảnh quan kiến trúc Hà Nội luôn có hướng nhìn ra sông Hồng. Phía bờ phải (bờ lở/vở) là nơi có quá trình đô thị hóa sớm nhất, có nhiều kiến trúc có giá trị lịch sử như khu 36 phố phường, rồi tiếp đến là khu phố cũ thời Pháp mà ta quen gọi là khu phố Tây! Thế nhưng, sông Hồng không phải là dòng sông phẳng lặng mà có chế độ thủy văn vô cùng khắc nghiệt. Về mùa lũ, nước sông dâng cao hơn 13m. Mùa khô, nước cạn trơ cả bãi bồi. Chính cái sự đỏng đảnh và dữ dội ấy đã làm cho thành Thăng Long nhiều lần chìm trong nước. Và đó chính là đặc tính của sông Hồng!

Trong tương lai gần, việc hình thành hai thành phố trong thành phố ở phía Bắc (gồm Đông Anh, Sóc Sơn, Gia Lâm) và ở phía Tây (gồm Hòa Lạc và Xuân Mai) sông Hồng sẽ mở ra những tiềm năng phát triển rất lớn cho Hà Nội. Bên cạnh đó, việc quy hoạch bãi giữa sông Hồng trở thành Công viên xanh, không gian văn hóa sáng tạo, vui chơi giải trí, biểu diễn nghệ thuật kết nối với di sản kiến trúc Cầu Long Biên cùng với việc tiếp tục cải tạo, xây dựng dải không gian xanh chạy dài hàng km thuộc khu vực phường Chương Dương, Phúc Tân sát bờ lở sông Hồng sẽ tạo nên một hệ sinh thái mới theo kiểu “rừng trong phố”

Để bảo vệ kinh thành khỏi sự đe dọa của sông, vào năm 1109, đoạn đê đầu tiên ở phường Cơ Xá được đắp lên, bước đầu tiên ngăn cách dòng sông với thành phố. Sang đầu thế kỷ 20, đứng ở đường Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, vẫn có thể phóng tầm mắt nhìn ra sông Hồng. Nhưng rồi trải qua những trận lụt vào năm 1909, và nhất là sau trận lụt lịch sử năm 1925, nước sông Hồng dâng lên hơn 13m, thì chính quyền thuộc địa đương thời đã cho xây dựng và gia cố lại toàn bộ tuyến đê, nâng cao tới 14,6m. Bắt đầu từ đó, dòng sông bị đẩy ra xa... và cũng từ đó, thành phố ngoảnh mặt với dòng sông, để lại khu vực ngoài đê, đất bãi cho những người lao động nghèo tứ xứ đến trú ngụ, trồng trọt, đánh cá và sinh sống.

Năm tháng trôi đi, những xóm nghèo ngoài đê ấy giờ cũng tấp nập và đông đúc lên đến hàng chục vạn người. Bên cạnh những đường phố được chính quyền thành phố đầu tư quy hoạch chỉnh trang đô thị như khu An Dương, Đầm Trấu, Hàm Tử Quan, Bạch Đằng… vẫn còn nhiều lắm những khu nhà ổ chuột dưới gầm cầu Long Biên, ven bờ sông, bãi giữa. Chính cư dân các xóm nghèo, các khu ổ chuột kéo dài suốt đoạn đê phía bờ lở sông Hồng đã và đang làm cho cảnh quan thành phố ngày một hỗn tạp và xấu đi. Môi trường sống bị hủy hoại bởi rác thải và nước bẩn. Dòng sông đang bị ô nhiễm và bị lấn chiếm bởi hàng ngàn tấn phế thải ngày đêm do con người đổ xuống. Dòng sông Mẹ đang đứng trước nguy cơ bị bức tử. Còn trong đê, thành phố đang xây dựng ào ạt với tốc độ chưa từng có. Những ngôi nhà có khối tích to lớn cao hàng chục tầng đang mọc lên sát đê tạo nên một bức tường khổng lồ bằng bê tông và kính, càng ngăn cách xa thêm con người với dòng sông.

Cứ như thế, trải qua mấy chục năm đổi mới và đô thị hóa mạnh mẽ, Hà Nội ngày càng phát triển rộng lớn hơn về quy mô, vạm vỡ hơn, đẹp đẽ hơn với cấu trúc đô thị theo hướng văn minh, hiện đại và giàu có hơn về đời sống vật chất. Thế nhưng, dường như những bất cập nảy sinh trong quá trình phát triển và con đê ngăn lũ già nua kia cứ như một rào cản vô hình, làm lúng túng tầm nhìn hướng ra sông của các nhà quy hoạch và quản trị đô thị Hà Nội.

Thành phố sẽ nhìn ra sông...

Chỉ đến khi đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2011, thì vai trò vị trí của sông Hồng mới được xác quyết rõ ràng hơn. Khu vực hai bên sông Hồng sẽ là trục không gian cảnh quan trung tâm của Thủ đô. Mười năm sau, với quyết tâm chính trị và tư duy đổi mới, ngày 25/3/2022, UBND Thành phố ban hành Quyết định số 1045/QĐ-UBND phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng tỷ lệ 1/5000. Theo đó, một nguồn lực lớn sẽ được Thành phố tập trung vào đây để xây dựng nhà ở theo hướng kiến trúc xanh, các công viên, công trình văn hóa, giải trí lớn, các công trình công cộng hiện đại tầm vóc quốc tế và phát huy giá trị các công trình di sản hai bên sông, góp phần khẳng định tầm thế mới của Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại vào năm 2030. Và gần đây, tại Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, thì sông Hồng - với vai trò mới, sẽ là biểu tượng của Thủ đô. Nói như Giáo sư Hoàng Văn Cường - Đại biểu Quốc hội, thì “sông Hồng sẽ là trục cảnh quan văn hóa, được phát triển thành con đường di sản, nơi diễn ra các lễ hội, quy tụ tinh hoa, hình ảnh kết tinh tiêu biểu của các tỉnh, thành phố trên cả nước về với Thủ đô”.

Trong tương lai gần, việc hình thành hai thành phố trong thành phố ở phía Bắc (gồm Đông Anh, Sóc Sơn, Gia Lâm) và ở phía Tây (gồm Hòa Lạc và Xuân Mai) sông Hồng sẽ mở ra những tiềm năng phát triển rất lớn cho Hà Nội. Bên cạnh đó, việc quy hoạch bãi giữa sông Hồng trở thành Công viên xanh, không gian văn hóa sáng tạo, vui chơi giải trí, biểu diễn nghệ thuật kết nối với di sản kiến trúc Cầu Long Biên cùng với việc tiếp tục cải tạo, xây dựng dải không gian xanh chạy dài hàng km thuộc khu vực phường Chương Dương, Phúc Tân sát bờ lở sông Hồng sẽ tạo nên một hệ sinh thái mới theo kiểu “rừng trong phố”, thay cho những bãi rác, bãi chứa phế thải ô nhiễm môi trường, làm xấu cảnh quan đô thị như trước đây.

9869-1636868515-z2933132111601-876e58bd7cfdb4530a58198b3fa18658.jpg

Bất chợt, tôi lại nghĩ đến ngày 14/3 hàng năm, ngày thế giới hành động vì các dòng sông do Liên hợp quốc đề xướng năm 1997 tại Curitiba (Brazil) nhân Hội nghị quốc tế chống lại việc xây các đập lớn ngăn sông, để tôn vinh các dòng sông, mạch nguồn của sự sống trên Trái đất này. Tại nhiều quốc gia, dòng sông đã trở thành biểu tượng, là di sản thiêng liêng bởi đó không chỉ là cảnh quan hùng vĩ, là nguồn nước - nguồn sống vĩ đại, mà đây còn là nơi để con người gột rửa tội lỗi, tìm thấy sự bình yên, phúc lành như sông Hằng ở Ấn Độ, sông Loire (Pháp), sông Nile (Ai Cập), sông Amazon (Nam Mỹ), sông Danube (châu Âu)… Thậm chí sông Loire còn được

UNESCO vinh danh là Di sản thế giới. Vậy thì, với chúng ta, sông Hồng, dòng sông Mẹ thiêng liêng đã tạo ra đồng bằng châu thổ sông Hồng rộng lớn, nơi lưu giữ hàng ngàn di tích, di sản kiến trúc - văn hóa của dân tộc sao lại không xứng đáng được tôn vinh là Di sản của Hà Nội, của đất nước. Và nếu như thế, thì dòng sông huyền thoại nằm giữa lòng một Hà Nội cổ kính và hiện đại, sẽ trở thành động lực để Thành phố ngàn năm tuổi này phát triển bền vững, mang đậm bản sắc văn hóa sông Hồng, văn hóa Thăng Long trong thời kỳ mới có ý nghĩa biết chừng nào.

Vĩ thanh

Khi tôi khép lại bài viết này thì xung đột vẫn đang diễn ra khốc liệt ở nơi này, nơi kia trên thế giới. Biến đổi khí hậu trên phạm vi toàn cầu vẫn đang gây ra nhiều hậu quả thảm khốc cho con người bởi lũ lụt, sạt lở, nước biển dâng… Trên diễn đàn quốc tế bàn về biến đổi khí hậu, người ta nói nhiều đến phát triển xanh, kinh tế xanh, đến cam kết của các chính phủ tại COP26, COP28 về giảm thiểu khí thải ra môi trường, sử dụng tài nguyên hợp lý, thúc đẩy thị trường tín chỉ carbon… Còn ở Hà Nội, thành phố thân yêu của tôi, dẫu đã có rất nhiều đổi thay tốt đẹp nhưng người dân vẫn phải sống trong một môi trường ô nhiễm; nội đô, các dòng sông vẫn chưa được hồi sinh…

Nhưng, dòng sông Mẹ vẫn đang miệt mài chảy, thao thiết chảy, cùng với những hình ảnh lãng mạn, nuôi lớn trong tôi khát vọng về thành phố dọc đôi bờ sông Hồng đẹp, hiện đại, giàu bản sắc sẽ hiển hiện trong một tương lai gần mà chúng ta đang hướng tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khát vọng bên dòng sông mẹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO