Hiện TP. Đà Nẵng đang đôn đốc các đơn vị thi công hoàn thành các công trình trọng điểm, động lực như: Tuyến đường vành đai phía tây đoạn từ tuyến quốc lộ 14B đến đường Hồ Chí Minh; tuyến đường vành đai phía tây 2 thuộc Dự án Cải thiện hạ tầng giao thông đô thị..., đồng thời thành phố cũng chuẩn bị triển khai, khởi công nhiều công trình, dự án lớn, đặc biệt là dự án cảng Liên Chiểu và tuyến đường ven biển nối cảng Liên Chiểu. Đây đều là những công trình trọng điểm có nhu cầu đá với trữ lượng rất lớn để làm vật liệu xây dựng.
Ông Lê Thành Hưng, Giám đốc Ban quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên Đà Nẵng cho hay: “Chúng tôi đã tổng hợp, gửi số liệu về trữ lượng đá xây dựng cần đáp ứng để thi công các công trình trọng điểm, động lực của thành phố, nhất là cảng Liên Chiểu, đến Sở Tài nguyên và Môi trường để báo cáo, đề xuất UBND thành phố có chỉ đạo giải pháp bảo đảm nhu cầu đá xây dựng cho các công trình”.
Còn một số chủ mỏ đá đang cải tạo, phục hồi môi trường để đóng cửa mỏ tại quận Liên Chiểu cho rằng, do trong năm 2021, UBND thành phố có chủ trương tạm dừng hoạt động các mỏ đá có thời hạn khai thác đến hết năm 2020 cùng các mỏ đá chờ gia hạn giấy phép khai thác và yêu cầu nhiều mỏ đá trong năm cải tạo môi trường, đóng cửa mỏ nên nguồn cung về đá xây dựng sụt giảm.
Tuy nhiên, trong 2 năm 2020 và 2021, do tác động của Covid-19, tình hình xây dựng các công trình có giảm. Chính vì vậy, trữ lượng đá xây dựng đã khai thác, đang còn tồn ở các mỏ chỉ đáp ứng đủ nhu cầu về đá xây dựng trên địa bàn đến hết năm 2022. Nhưng đến năm 2023, nhu cầu về đá để xây dựng rất lớn, riêng công trình cảng Liên Chiểu khởi công trong thời gian tới sẽ có nhu cầu ít nhất là 1 triệu m3 đá xây dựng.
Theo Sở TN&MT TP. Đà Nẵng, theo quy hoạch sau năm 2020, hiện nay Đà Nẵng còn lại 10 mỏ đá được tiếp tục hoạt động, gồm: Phước Thuận, Suối Mơ 2, Hố Bạc 3, Trường Bản, Hóc Già Hạnh, Hố Mùn 2, Sơn Phước, Hố Chuồn, Hố Lưỡi Mèo 1, Phước Nhân với tổng trữ lượng đá hằng năm là 808.000m3. Trong khi đó, theo số liệu các ban quản lý báo cáo, đối với các dự án trọng tâm, trọng điểm của TP. Đà Nẵng trong giai đoạn tới cần khoảng 1,7 triệu m3 đá/ năm.
Trước tình hình công suất khai thác các mỏ hiện tại không đáp ứng được nhu cầu vật liệu xây dựng cho các công trình trọng điểm của thành phố, Sở TN&MT đã tham mưu UBND thành phố thêm một số biện pháp trước mắt như: đẩy nhanh đấu giá, cấp quyền khai thác để tiến hành khai thác các mỏ khoáng sản theo quy hoạch; cho phép một số ban quản lý dự án khai thác đá trong phạm vi dự án nếu đủ điều kiện theo quy định...
Trong các mỏ đá đang hoạt động theo giấy phép khai thác, có 2 mỏ đá Trường Bản (xã Hòa Sơn) và Sơn Phước (xã Hòa Ninh) đã được thăm dò nâng trữ lượng và được UBND thành phố phê duyệt trữ lượng đá xây dựng và khoáng sản đi kèm.
Sở TN&MT cũng đã đề xuất UBND TP. Đà Nẵng cho phép một số mỏ đá vừa có trữ lượng còn lại lớn như các mỏ đá: Hố Bạc 3, Phước Thuận, Phước Nhân) được nâng công suất khai thác, tối đa là 200.000m3/năm. Đồng thời, cho phép 4 mỏ đá Hố Bạc, Hố Bạc 2, Hố Trầu, Hốc Khế 2 nằm trong ranh giới sử dụng đất thuộc dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn xã Hòa Nhơn trước đây (huyện Hòa Vang) được gia hạn giấy phép khai thác khoáng sản đến hết năm 2025 (như các mỏ đá ở lân cạnh như: Hố Bạc 3, Suối Mơ 2...) với tổng sản lượng đá khai thác hằng năm được bổ sung là 352.000 m3.
Về lâu về dài, thành phố sẽ quy hoạch khai thác đá xây dựng tại 14 khu vực với tổng diện tích 550 ha, tổng trữ lượng và tài nguyên dự báo quy hoạch là 84 triệu m3 đá. Về đất san lấp, thời gian tới, thành phố đưa vào quy hoạch khai thác đất san lấp tại 8 khu vực với tổng diện tích 714 ha, tổng trữ lượng và tài nguyên dự báo quy hoạch là hơn 71 triệu m3 đất. Với quy hoạch như vậy thì bảo đảm nguồn vật liệu xây dựng (đất, đá) phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố trong thời gian tới, nhất là xây dựng công trình cảng Liên Chiểu.