Tham dự buổi làm việc có các đồng chí Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; đồng chí Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), thành viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; đại diện đoàn ĐBQH các tỉnh: Gia Lai, Nghệ An, Bình Định; đại diện Văn phòng Quốc hội; đồng chí Châu Trần Vĩnh, Cục trưởng cục Quản lý tài nguyên nước, Bộ TN&MT; đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và đại diện một số cơ quan liên quan.
Tại buổi làm việc, Đoàn công tác đã nghe Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Gia Lai báo cáo về kết quả công tác quản lý tài nguyên nước, đặc biệt là kết quả triển khai Luật tài nguyên nước 2012 và các Nghị định, Thông tư, văn bản hướng dẫn liên quan; các khó khăn, vướng mắc khi triển khai các văn bản quy phạm pháp luật tài nguyên nước tại địa phương và đề xuất, kiến nghị trong xây dựng Luật tài nguyên nước (sửa đổi).
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Gia Lai, triển khai công tác quy hoạch tài nguyên nước, Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai đã phê duyệt Quy hoạch tài nguyên nước đến năm 2025 tại Quyết định số 01/2015/QĐ-UBND ngày 14/01/2015, hiện nay Sở Tài nguyên và Môi trường đang phối hợp với Sở Kế hoạch Đầu tư tích hợp phương án khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh vào Quy hoạch chung của tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Cùng với đó, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định phê duyệt danh mục các hồ chứa thủy điện, thủy lợi, hệ thống sông, suối, hồ chứa tự nhiên, hồ chứa nhân tạo phải cắm mốc bảo vệ nguồn nước (năm 2017); Điều tra đánh giá hiện trạng xả thải và khả năng tiếp nhận nước thải của nguồn nước trên đia bàn tỉnh Gia Lai; Xác định và công bố dòng chảy tối thiểu trên các sông, suối và hạ lưu các hồ chứa trên địa bàn tỉnh; xây dựng phần mềm hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường trong đó có cả hệ thống thông tin dữ liệu tài nguyên nước;…
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành Kế hoạch tăng cường sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung tại các đô thị trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025.
Về điều tra cơ bản tài nguyên nước, thực hiện Chương trình “Điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất để cung cấp nước sinh hoạt cho các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước”, trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã được thực hiện tại 12 vùng của 6 huyện gồm: Đak Đoa, Chư Sê, Mang Yang, Chư Prông, Ia Pa, Chư Pưh.
Đến nay, trên địa bản tỉnh Gia Lai đã cấp được 161 giấy phép hoạt động trong lĩnh vực tài nguyên nước. Theo đánh giá, trong những năm qua các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực tài nguyên nước đã chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật về tài nguyên nước; đảm bảo duy trì dòng chảy tối thiểu trên sông, suối sau hồ chứa, đập thủy lợi, thủy điện, khai thác không vượt quá ngưỡng khai thác đối với tầng chứa nước và có biện pháp bảo vệ tầng chứa nước, chống lãng phí, thất thoát tài nguyên nước; kiểm soát các nguồn thải trước khi thải ra môi trường;…
Mặt khác, để tăng cường hiệu quả giám sát hoạt động khai thác hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh, đến nay các đơn vị khai thác hồ chứa thủy điện đã triển khai lắp đặt hệ thống giám sát, khai thác sử dụng tài nguyên nước theo quy định của Thông tư 17/2021/TT-BTNMT ngày 14/10/2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các chủ hồ đã thực hiện lắp đặt thiết bị, camera giám sát, truyền thông tin dữ liệu hồ chứa về hệ thống giám sát tại trung ương, đây cũng là công cụ quan trọng phục vụ công tác quản lý, hỗ trợ công tác chỉ đạo điều hành để quản lý hiệu quả tài nguyên nước.
Bên cạnh các kết quả đã đạt được trong công tác quản lý tài nguyên nước tại địa phương, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Gia Lai cũng cho biết, công tác quản lý tài nguyên nước trên điạ bàn tỉnh Gia Lai cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể là, công tác điều tra cơ bản về tài nguyên nước tại địa phương còn hạn chế, thông tin, số liệu điều tra, đánh giá, quan trắc tài nguyên nước còn thiếu, còn phân tán. Hệ thống mạng quan trắc tài nguyên nước phục vụ công tác cảnh báo, dự báo, cảnh báo ô nhiễm, cạn kiệt còn hạn chế, chưa đảm bảo để chủ động kiểm soát nguồn nước; chưa đủ số lượng trạm quan trắc phục vụ vận hành liên hồ chứa để chủ động trong việc kiểm soát lũ, hạn hán, ô nhiễm nguồn nước; chưa thực hiện được công tác thống kê, kiểm kê tài nguyên nước trên quy mô toàn quốc, chưa có ngân hàng dữ liệu tài nguyên nước quốc gia;…
Cùng với đó, các vấn đề mang tính liên ngành như: quy hoạch phát triển, khôi phục rừng đầu nguồn, bảo vệ nguồn sinh thủy, bảo vệ nguồn nước trong quá trình thực hiện các dự án thủy điện, thủy lợi, nuôi tròng thủy sản… chưa có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ. Chưa có cơ chế, chính sách minh bạch, rõ ràng tạo điều kiện thuận lợi, khuyên khích các nguồn lực xã hội (tài chính, công nghệ, con người) tham gia hoạt động quản lý tài nguyên nước;…
Để giải quyết các vướng mắc nêu trên, Sở TN&MT Gia Lai kiến nghị với Đoàn công tác nội dung sửa đổi, bổ sung Luật tài nguyên nước lần này cần quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ và cơ quan thực hiện nhiệm vụ quản lý, điều phối lưu vực sông liên tỉnh; Luật tài nguyên nước cần quy định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của các Bộ, địa phương trong việc thực hiện nhiệm vụ tài nguyên nước để tránh chồng chéo giữa các cơ quan quản lý nhà nước; cần quy định cụ thể trong Luật về nguồn kinh phí để tổ chức thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước, cơ cấu tổ chức, số lượng công chức thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về tài nguyên nước cấp tỉnh;…
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Thị Lệ Thủy đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác quản lý tài nguyên nước và triển khai thực hiện Luật tài nguyên nước 2012 trên địa bàn tỉnh Gia Lai trong những năm qua, đồng thời tiếp thu các nội dung trao đổi, kiến nghị của UBND tỉnh và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Gia Lai để nghiên cứu đưa vào sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật tài nguyên nước (sửa đổi) sắp tới để bảo đảm phù hợp với thực tế, nâng cao hơn nữa hiệu quả hiệu lực, tháo gỡ khó khăn cho các bộ, ngành, địa phương và các đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật tài nguyên nước.
Cùng ngày, Đoàn công tác đã đi khảo sát thực tế tại một số nhà máy thủy điện, công trình chuyển nước lưu vực sông, công trình thủy lợi, phòng chống thiên tai, công trình cấp nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Gia Lai để phục vụ thẩm tra dự án Luật tài nguyên nước (sửa đổi). Dự kiến Quốc hội sẽ cho ý kiến lần đầu vào Kỳ họp thứ 5 diễn ra vào tháng 5/2023 và xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 6 diễn ra vào tháng 10/2023.