Toàn cảnh Di tích lịch sử Ngã ba Cò Nòi nhìn từ trên cao. |
Trong suốt chiến dịch Điện Biên Phủ, Ngã ba Cò Nòi là điểm nối giữa Quốc lộ 41 (nay là Quốc lộ 6) với Quốc lộ 13 (nay là Quốc lộ 37). Tất cả mọi hoạt động chi viện lực lượng, vận chuyển vũ khí, lương thực, dân công từ Yên Bái sang và từ đồng bằng Bắc Bộ lên Điện Biên Phủ đều phải qua điểm nút ngã ba trọng điểm này.
Với tinh thần cả nước phục vụ cho chiến dịch Điện Biên Phủ, Tổng đội Thanh niên xung phong Việt Nam đã giao nhiệm vụ cho Đội Thanh niên xung phong 40 với trên 1.500 người trực tiếp bám trụ phục vụ tuyến đường từ Yên Bái đến Ngã ba Cò Nòi. Dưới mưa bom, bão đạn, lực lượng Thanh niên xung phong tại Ngã ba Cò Nòi vẫn kiên cường làm nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao.
Các đại biểu cắt băng khánh thành Khu tưởng niệm tâm linh. |
Chiến dịch Điện Biên Phủ của dân tộc ta kết thúc thắng lợi "Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" có phần đóng góp rất quan trọng của lực lượng Thanh niên xung phong. Kết thúc Chiến dịch Điện Biên Phủ, có trên 100 thanh niên xung phong thuộc Đội 34 và Đội 40 đã anh dũng hy sinh tại ngã ba Cò Nòi, góp phần tô thắm thêm trang sử vàng oanh liệt của lực lượng Thanh niên xung phong Việt Nam.
Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, để đời đời tri ân các liệt sỹ Thanh niên xung phong đã chiến đấu, hy sinh, ngày 21/4/2000, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và UBND tỉnh Sơn La đã khởi công xây dựng Đài tưởng niệm liệt sỹ Thanh niên xung phong tại Ngã ba Cò Nòi, huyện Mai Sơn, với diện tích 20.000 m2.
Các tập thể nhận Bằng khen của UBND tỉnh. |
Ngày 7/5/2002, Đài tưởng niệm liệt sỹ Thanh niên xung phong Ngã ba Cò Nòi được khánh thành và đưa vào sử dụng; trong đó, cụm tượng đài được xây dựng với nhóm tượng 3 nam thanh niên xung phong ở tư thế khác nhau. Cùng với tượng đài là hai bức phù điêu thể hiện hình ảnh toàn dân ra trận chiến đấu chống thực dân Pháp.
Năm 2004, Di tích lịch sử Ngã ba Cò Nòi được Bộ Văn hóa, Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Từ đó đến nay, Di tích lịch sử Ngã ba Cò Nòi đã trở thành địa chỉ đỏ, biểu tượng tinh thần quả cảm của lực lượng Thanh niên xung phong Việt Nam; là một điểm đến quen thuộc của nhân dân và du khách thập phương trong hành trình du lịch hướng về cội nguồn “Qua miền Tây Bắc”.
Để tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử Ngã ba Cò Nòi, năm 2020, tỉnh Sơn La, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Trung ương Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam đã triển khai xây dựng Khu tưởng niệm tâm linh thuộc Khu Di tích lịch sử Ngã ba Cò Nòi, trên diện tích hơn 10 ha, với tổng mức đầu tư trên 14 tỷ đồng.
Trao tặng 30 suất quà cho hội viên cựu TNXP có hoàn cảnh khó khăn. |
Đến nay, Khu tưởng niệm tâm linh đã hoàn thành giai đoạn I. Công trình này cùng với Đài tưởng niệm liệt sỹ Thanh niên xung phong làm nên quần thể Khu di tích lịch sử Ngã ba Cò Nòi là nơi về lại chiến trường xưa của những người đã từng chiến đấu, phục vụ chiến đấu tại Ngã ba Cò Nòi và chiến dịch Điện Biên Phủ; là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước cho thế hệ trẻ.
Sau khi khánh thành giai đoạn I, Dự án tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử Ngã ba Cò Nòi sẽ được tiếp tục thực hiện giai đoạn II (2021 - 2025) với các hạng mục như: Hạ tầng giao thông nội bộ; hạ tầng kỹ thuật toàn khu di tích; tu bổ, cải tạo khu tượng đài; cải tạo, nâng cấp nhà trưng bày; khu công viên chứng tích...
Dịp này, Ban Tổ chức đã phát động ủng hộ, xã hội hóa kinh phí triển khai Dự án tôn tạo và phát huy giá trị Khu Di tích lịch sử Ngã ba Cò Nòi giai đoạn II; tặng quà các cựu thanh niên xung phong có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn…