Dự hội thảo có đại diện các cơ quan chuyên môn trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT); đại diện các bộ, ngành, đơn vị là thành viên Ban soạn thảo và Tổ Biên tập gồm: Văn phòng Chính phủ; Bộ Tư pháp; Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ NN&PTNT; Bộ Quốc phòng; Bộ Giao thông vận tải; Bộ Xây dựng; Uỷ ban Quốc pha Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn; Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai…
GS.TS Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV, Phó Ban soạn thảo và Tổ trưởng Tổ biên tập dự thảo Quyết định |
Báo cáo tổng kết quá trình thực hiện Quyết định số 44/QĐ-TTg ngày 15/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết về cấp độ rủi ro thiên tai, TS Đặng Thanh Mai, Vụ trưởng Vụ Quản lý Dự báo, Tổng cục Khí tượng thuỷ văn (KTTV) cho biết, theo đánh giá của các Bộ, ngành, địa phương, sau 5 năm triển khai thực hiện Quyết định 44 cho thấy, cấp độ rủi ro thiên tai được quy định dựa vào mức độ nguy hiểm, phạm vi ảnh hưởng của từng loại thiên tai, khả năng chống chịu với thiên tai và được công bố cùng nội dung bản tin dự báo, cảnh báo về thiên tai đã tạo thuận lợi cho việc tiếp nhận, xử lý thông tin; hỗ trợ kịp thời công tác chỉ đạo, điều hành và phối hợp trong các hoạt động phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.
Đến nay, Quyết định 44 đã cơ bản đi vào cuộc sống; các ngành, các cấp, các cơ quan, tổ chức và cộng đồng đã nhận thức được mục đích, ý nghĩa về công tác dự báo, cảnh báo và những ảnh hưởng, tác động của các loại hình thiên tai xảy ra đối với đời sống và các hoạt động kinh tế - xã hội. Đặc biệt, quy định cấp độ rủi ro thiên tai đã góp phần phân định tính chất, mức độ thiệt hại có thể gây ra về người, tài sản, môi trường, điều kiện sống và hoạt động kinh tế - xã hội…
Mặc dù vậy, trong quá trình triển khai thực hiện, Quyết định 44 đã phát sinh một số bất cập do quy định cấp độ rủi ro thiên tai tại một số nơi không còn sát với thực tế; quy định cấp độ rủi ro thiên tai của một số loại hình thiên tai chưa được chi tiết cho các khu vực, ảnh hưởng đến việc xác định cấp độ rủi ro thiên tai.
Ông Đào Quang Tuynh, Phó Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp, Đại diện Văn phòng Chính phủ phát biểu ý kiến tại cuộc họp |
Bà Mai cho biết, trên cơ sở ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, Bộ TN&MT đã tổng hợp một số bất cập và sửa đổi bổ sung cấp độ rủi ro các loại thiên tai cụ thể đối với từng loại thiên tai.
Theo đó, dự thảo mới quy định lại tiêu chí cụ thể của từng cấp độ rủi ro thiên tai (5 cấp độ), căn cứ 5 cấp độ phân cấp rủi ro của các loại thiên tai. Đồng thời, căn cứ 5 cấp độ nhóm lại thành 14 nhóm loại hình thiên tai, quy định lại cấp độ và điều chỉnh một số thông số với từng loại hình thiên tai.
Thảo luận tại cuộc họp, đại diện các các đơn vị thành viên trong Ban soạn thảo và Tổ Biên tập đã trao đổi, thảo luận và đưa ra những đề xuất liên quan đến phân cấp rủi ro do bão, áp thấp nhiệt đới (thang cấp độ, khu vực ảnh hưởng); cấp độ rủi ro thiên tai do lốc, sét, mưa đá; cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn; cấp độ rủi ro thiên tai do nắng nóng; cấp độ thiên tai do lũ quét… để từng bước hoàn thiện dự thảo Quyết định của của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết về cấp độ rủi ro thiên tai (sửa đổi).
Đáng chú ý, ông Đào Quang Tuynh, Phó Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp, Đại diện Văn phòng Chính phủ cho rằng, mục tiêu chính của việc xây dựng Quyết định là để cho các cơ quan chỉ đạo và người dân có sự ứng phó chủ động nhất. Do vậy, ông Tuynh đề xuất bên cạnh việc phân cấp, tiến tới xây dựng kịch bản ứng phó với từng cấp độ; đồng thời, có hướng dẫn người dân ứng phó với từng cấp độ rủi ro thiên tai.
Quang cảnh cuộc họp |
Tiếp thu những ý kiến đóng góp tại cuộc họp, GS.TS Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV cho biết, dự thảo mới đã làm rõ được tiêu chí xác định cấp độ rủi ro thiên tai, cụ thể đến từng loại thiên tai, từng vùng bám sát cập nhật Luật Phòng chống thiên tai; bổ sung loại hình thiên tai do gió mạnh trên biển, sương mù.
Tuy nhiên, GS.TS Trần Hồng Thái cho rằng, qua ý kiến của các bộ, ngành địa phương, Ban soạn thảo và Tổ Biên tập nên cân nhân nhắc một số vấn đề còn tồn tại, bất cập để phối hợp với nhau. “Các ý kiến đều thống nhất cho rằng phải làm sao ra được những bản tin cụ thể, rõ ràng; sự phù hợp của văn bản này với những văn bản pháp luật khác…”, ông Thái nói.
Do vậy, GS.TS Trần Hồng Thái đề nghị Ban soạn thảo, Tổ Biên tập sớm hoàn thiện dự thảo để thực hiện 2 nhiệm vụ cấp thiết là đăng tải dự thảo lên Cổng thông tin điện tử Chính phủ và và Cổng thông tin điện tử Bộ TN&MT để xin ý kiến nhân dân; đồng thời, hoàn thiện, chính thức làm văn bản xin ý kiến các Bộ, ngành, địa phương trong thời gian sớm nhất.