Khoáng sản

Khai thác tiềm năng cát trắng ở Quảng Nam

Lan Anh 22/03/2024 - 11:59

(TN&MT) - Quảng Nam là địa phương có trữ lượng cát trắng lớn thứ hai trong nước. Đây là tiềm năng quan trọng để tỉnh Quảng Nam hình thành 1 trung tâm chế biến sâu ngành Silicat, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và bảo vệ môi trường theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Chính phủ phê duyệt.

Trữ lượng cát trắng lớn

Theo Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 6/5/2014, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 48 khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia gồm 10 loại khoáng sản. Trong đó, có 1 khu vực thuộc phạm vi ranh giới liên quan đến tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng là khu vực dự trữ cát trắng tại phụ lục có số thứ tự IX.2, diện tích 1.354km2 (135.400ha), phần diện tích thuộc Quảng Nam là 1.043km2, tài nguyên phỏng đoán 250 triệu tấn trải dài trên địa bàn vùng Đông các huyện, thị xã, TP: Điện Bàn, Duy Xuyên, Thăng Bình, Tam Kỳ, Núi Thành.

h1.jpg
Quảng Nam có trữ lượng cát trắng lớn

Dù vậy, do quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt với việc điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế mở Chu Lai đến năm 2035, tầm nhìn năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định 1737 ngày 13/12/2018), một số khu vực khoanh định dự trữ cát trắng đã bị ảnh hưởng do quá trình triển khai các dự án. Bộ TN&MT đã trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quyết định phê duyệt các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia. Theo đó, dự trữ cát trắng trên địa bàn Quảng Nam chỉ còn tại 4 khu vực (tổng diện tích 24,2km2), tổng tài nguyên (dự báo) là 113 triệu tấn.

Cụ thể, khu vực dự trữ cát trắng Bình Sa (Thăng Bình) có diện tích 1,3km2, tài nguyên dự báo 6 triệu tấn, thời gian dự trữ khoáng sản 50 năm. Khu vực Bình Nam (Thăng Bình) diện tích 12,9km2, tài nguyên dự báo 60 triệu tấn, thời gian dự trữ khoáng sản 50 năm.

Khu vực Tam Tiến (Núi Thành) diện tích 4,1km2, tài nguyên dự báo 19 triệu tấn, thời gian dự trữ khoáng sản 50 năm. Khu vực Tam Hiệp (Núi Thành) diện tích 5,9km2, tài nguyên dự báo 28 triệu tấn, thời gian dự trữ khoáng sản 50 năm.

Góp ý dự thảo hồ sơ trình phê duyệt các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia (Văn bản số 5959/UBND-KTN ngày 12/9/2022), UBND tỉnh đã đề xuất Bộ TN&MT tiếp tục điều chỉnh giảm diện tích quy hoạch dự trữ khoáng sản cát trắng trên địa bàn tỉnh xuống còn hơn 13,4km2.

Định hướng hình thành 1 trung tâm chế biến sâu ngành Silica

Tỉnh Quảng Nam đang có Công ty CP Kỹ Nghệ Khoáng Sản Quảng Nam (MINCO) khai thác mỏ cát trắng Hương An, huyện Thăng Bình và huyện Quế Sơn với diện tích 157ha, công suất khai thác 180.000 tấn/năm. Theo ông Phạm Minh Hùng - Giám đốc xí nghiệp cát Thăng Bình (thuộc MINCO) cho biết, để nâng cao giá trị của sản phẩm cát trắng silic đã qua khai thác, chế biến và xuất khẩu ra thị trường, từ cuối năm 2022, Công ty MINCO đầu tư sản xuất loại cát siêu mịn để làm nguyên liệu sản xuất các sản phẩm công nghệ cao như kính siêu trắng làm tấm pin mặt trời, màn hình tinh thể lỏng.

h2.jpg
Địa phương sẽ hình thành trung tâm công nghiệp silica mang tầm quốc gia.

Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Nam cũng đã có các nhà máy chế biến Silica từ nguồn cát trắng như Công ty CP Kính nổi Chu Lai do Tập đoàn INDEVCO làm chủ đầu tư với công suất 900 tấn/ngày và 4 nhà máy chế biến Silica khác do các công ty khác làm chủ đầu tư.

Theo Quyết định Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, địa phương sẽ hình thành trung tâm công nghiệp Silica mang tầm quốc gia. Với trữ lượng cát trắng dồi dào cùng hệ thống các nhà máy chế biến sâu, sản xuất các sản phẩm từ Silica thì Quảng Nam hoàn toàn có thể phát triển một trung tâm công nghiệp chế biến sâu các sản phẩm từ Silica, hình thành các chuỗi cung ứng quan trọng, giúp nâng cao giá trị sản xuất ngành công nghiệp Silica không chỉ của Quảng Nam mà còn của cả nước.

Đến nay, Cục Địa chất Việt Nam đã cử đoàn kiểm tra thực địa các mỏ cát trắng nguyên liệu để hình thành ngành công nghiệp chế biến sâu các sản phẩm từ Silica. UBND tỉnh Quảng Nam đã chọn, xây dựng đề xuất dự án đầu tư Khu công nghiệp Bắc Thăng Bình để hình thành khu công nghiệp chuyên sâu lĩnh vực Silica.

Ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, định hướng về đột phá phát triển của tỉnh theo Quy hoạch mới sẽ dựa trên 2 nền tảng là cái đang có và những dư địa mới. Về dư địa phát triển mới, tỉnh sẽ tập trung phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế tiềm năng về nguyên liệu, về khả năng khai thác để đưa vào sản xuất có giá trị gia tăng cao. Một trong số đó là ngành công nghiệp chế biến Silica.

“Vùng cát trắng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam và khu vực miền Trung rất lớn nhưng chưa được khai thác chế biến sâu một cách hiệu quả. Vì vậy, chúng ta phải làm sao để khai thác có hiệu quả hơn, theo hướng chế biến sâu hơn, đem lại giá trị gia tăng trong sản xuất cao hơn để hình thành một trung tâm công nghiệp chế biến Silica chất lượng cao ở tại Quảng Nam” - ông Thanh cho hay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khai thác tiềm năng cát trắng ở Quảng Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO