Khoáng sản

Khai thác cát biển ở Sóc Trăng: Phục vụ các công trình trọng điểm

Lê Hùng 25/01/2024 - 10:05

(TN&MT) - Tỉnh Sóc Trăng đang tập trung phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương hoàn tất những thủ tục cần thiết theo quy định của pháp luật để tiến hành khai thác cát biển phục vụ san lấp mặt bằng cho các công trình, dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông đô thị, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Hướng đi mới trong việc sử dụng vật liệu san lấp

Tỉnh Sóc Trăng đã và đang triển khai nhiều dự án, công trình trọng điểm kết nối liên tỉnh phục vụ phát triển kinh tế - xã hội như dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1; tuyến đường hướng Bắc - Nam kết nối từ chân cầu Đại Ngãi; khu bến cảng Trần Đề... nên nhu cầu về vật liệu cát san lấp mặt bằng rất lớn.

8c3.jpg
Việc sử dụng cát biển để san lấp một số công trình, dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông đô thị là một hướng đi mới góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL phát triển

Theo tính toán sơ bộ của ngành chức năng tỉnh Sóc Trăng, để đáp ứng đủ vật liệu cát phục vụ san lấp các công trình, dự án trọng điểm trong thời gian tới, tỉnh Sóc Trăng phải cần trên 250 triệu m3 cát. Tuy nhiên, tỉnh Sóc Trăng có địa thế nằm ở cuối nguồn sông Hậu nên cát lòng sông thuộc địa bàn tỉnh có chất lượng xấu, khó đáp ứng yêu cầu về chất lượng phục vụ san lấp mặt bằng đối với các công trình, dự án trọng điểm có tính chất kỹ thuật cao.

Để đáp ứng nhu cầu vật liệu cát phục vụ san lấp, góp phần đảm bảo tiến độ thực hiện các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng nói riêng, vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung, vừa qua, Bộ TN&MT đã tổ chức bàn giao kết quả đánh giá tài nguyên cát biển tại khu vực B1 tỉnh Sóc Trăng thuộc Dự án Đánh giá tài nguyên cát biển phục vụ các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông đô thị vùng ĐBSCL cho tỉnh Sóc Trăng. Đây là sự kiện đặc biệt quan trọng, đánh dấu một hướng đi mới trong việc sử dụng vật liệu san lấp mặt bằng cho các công trình, dự án không chỉ tại tỉnh Sóc Trăng mà của cả vùng ĐBSCL.

Phát biểu tại buổi bàn giao kết quả đánh giá tài nguyên cát biển tại khu vực B1, ông Trần Văn Lâu - Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng phấn khởi cho biết: Không chỉ tỉnh Sóc Trăng mà các địa phương khác vùng ĐBSCL đều rất vui mừng. Trong thời gian qua, một số công trình, dự án bị chậm tiến độ xuất phát từ nguyên nhân thiếu vật liệu cát san lấp mặt bằng. Với khối lượng cát biển khoảng 680 triệu m3 tại khu vực B1 khi được khai thác sẽ đảm bảo đủ vật liệu san lấp mặt bằng không chỉ cho các dự án đường cao tốc đi qua địa bàn tỉnh Sóc Trăng mà cho cả vùng ĐBSCL, góp phần đảm bảo thực hiện các công trình, dự án theo đúng tiến độ đã đề ra.

Tập trung hoàn thiện thủ tục khai thác cát

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Sóc Trăng, hoạt động khai thác cát biển từ trước đến nay chưa có tiền lệ trên địa bàn tỉnh, vì vậy, trong quá trình thực hiện các thủ tục để khai thác cát biển cũng gặp một số khó khăn liên quan đến cơ chế, thủ tục cấp phép. Cụ thể, trong thời gian qua, việc áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ cho các dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc mặc dù được thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 16/6/2021 và Nghị quyết số 133/NQ-CP ngày 19/10/2021 của Chính phủ, nhưng chủ yếu áp dụng đối với khai thác khoáng sản như đất, cát sông, còn khai thác cát biển thì hiện nay vẫn chưa có văn bản của cơ quan có thẩm quyền cho phép áp dụng cơ chế đặc thù.

Bên cạnh đó, việc khai thác cát biển trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng còn phát sinh vướng mắc liên quan đến ranh giới hành chính trên biển đối với các địa phương có biển chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt và công bố; kết quả so sánh các chỉ tiêu cơ bản giữa cát biển khu B1 với mẫu cát biển thử nghiệm của Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận tại vùng biển tỉnh Trà Vinh và tỉnh Sóc Trăng cho thấy, các chỉ tiêu cơ lý khá tương đồng. Riêng hàm lượng bụi, bùn, sét của cát biển khu B1 cao hơn nhưng đến nay vẫn chưa có báo cáo chính thức về kết quả thử nghiệm của Bộ Giao thông Vận tải cũng như ý kiến của các Bộ, ngành liên quan đối với việc sử dụng cát biển cho đường cao tốc...

Để kịp thời khai thác cát biển phục vụ nhu cầu vật liệu san lấp cho các dự án đường bộ cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng ĐBSCL theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, mới đây, UBND tỉnh Sóc Trăng đã có văn bản gửi Bộ TN&MT đề nghị hướng dẫn tỉnh về trình tự, thủ tục cấp phép khai thác theo cơ chế đặc thù, trong đó có việc khoanh định diện tích chuyển giao cho đơn vị khai thác phù hợp, giao khu vực biển trong hoạt động khai thác cát biển; đánh giá tác động môi trường, cập nhật mô hình toán dự báo tác động theo công nghệ khai thác, sản lượng khai thác, thời gian, tần suất khai thác áp dụng; xây dựng, thiết lập hệ thống quan trắc, giám sát làm cơ sở cấp phép trực tiếp cho nhà thầu thi công các dự án theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, hỗ trợ và hướng dẫn cho tỉnh Sóc Trăng lựa chọn công nghệ khai thác bảo đảm phù hợp với điều kiện khí tượng, hải văn khu vực nhằm giảm thiểu thiệt hại đối với môi trường và nuôi trồng thủy sản trong khu vực; việc hoàn trả chi phí đánh giá tiềm năng khoáng sản, thăm dò khoáng sản do Nhà nước đầu tư; việc nộp thuế, phí và nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khai thác cát biển ở Sóc Trăng: Phục vụ các công trình trọng điểm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO