Khai thác bền vững Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tam Giang - Cầu Hai

Bài, ảnh: Văn Dinh| 21/07/2020 09:29

(TN&MT) - Với tiềm năng, giá trị vô cùng to lớn, việc thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tam Giang - Cầu Hai là cơ hội cho tỉnh Thừa Thiên Huế khai thác hiệu quả, bền vững vùng đầm phá lớn nhất Đông Nam Á này.

Hình thành vùng đầm phá “vàng”

Vùng đất ngập nước hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai thuộc địa phận của 5 huyện, thị xã ven biển Thừa Thiên Huế là Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc và thị xã Hương Trà. Đây là vùng đất ngập nước (ĐNN) tiêu biểu cho điều kiện nhiệt đới gió mùa, lớn nhất Đông Nam Á và thuộc cỡ lớn trên thế giới.

Cách đây khoảng hơn 10 năm, vùng đất ngập nước Tam Giang - Cầu Hai chỉ là vùng đầm phá “ngổn ngang” do người dân tự ý khai thác, đánh bắt thủy sản và môi trường nhếch nhác, ô nhiễm vì rác. Thời gian sau này, khi được sự “để mắt” của địa phương, các tổ chức trong nước và quốc tế, Tam Giang - Cầu Hai mới dần hồi sinh và thực sự thu hút sự quan tâm vì tiềm năng, giá trị thuộc hàng bậc nhất trong khu vực và thế giới.

Phá Tam Giang - Cầu Hai rộng lớn, mang tính đa dạng sinh học cao

Vùng ngập nước Tam Giang - Cầu Hai chính thức được đánh thức từ thời điểm Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1131 ngày 9/7/2014 về việc phê duyệt danh mục dự án (DA) do Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tài trợ DA “Bảo tồn các khu đất ngập nước quan trọng và sinh cảnh liên kết” từ nguồn viện trợ của Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) tại 2 tỉnh Thái Bình và Thừa Thiên Huế.

Suốt quá trình cùng các đơn vị bộ, ngành, chuyên gia và cộng đồng tham gia xây dựng, nghiên cứu, thực hiện DA, ngày 20/2/2020, Khu bảo tồn đất ngập nước Tam Giang - Cầu Hai chính thức có quyết định thành lập. Đây là sự kiện mong đợi của chính quyền và cộng đồng người dân trong vùng, biến Tam Giang - Cầu Hai trở thành vùng đất “vàng” cả về môi trường, kinh tế và xã hội.

Khu bảo tồn đất ngập nước Tam Giang - Cầu Hai được thành lập có tổng diện tích 2.071,5 ha, gồm 2 phân vùng: Ô Lâu, Cồn Tè - Rú Chá và 23 khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nằm trong ranh giới hành chính của 23 xã, thị trấn.

Vùng đệm của Khu bảo tồn này gồm toàn bộ diện tích đất mặt nước xung quanh đầm phá, tiếp giáp với phân khu bảo vệ nghiêm ngặt và phân khu phục hồi sinh thái là 17.945 ha. Vùng sinh cảnh liên kết của khu bảo tồn có diện tích 69.684 ha bao gồm diện tích theo địa giới hành chính của 33 xã xung quanh đầm phá.

Rừng ngập mặn Rú Chá

Thời gian qua, việc thành lập 23 khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản và phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” được phát động lan tỏa sâu rộng đã giúp làm sạch đầm phá và bảo vệ, phát triển bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên tại đây. Sau khi công bố thành lập Khu bảo tồn đất ngập nước Tam Giang - Cầu Hai vào đầu tháng 6 vừa qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đang xúc tiến xây dựng đề án phục hồi sinh cảnh Trằm chim vùng cửa sông Ô Lâu và quy hoạch đa dạng sinh học khu vực này. Dự kiến, đề án sẽ ban hành cuối tháng 12/2020 và tổ chức trồng thêm 72 ha rừng ngập mặn tại xã Quảng Thái (40 ha), xã Điền Hải (16 ha) và xã Điền Hoà (16 ha); trong đó phục hồi khoảng 20 ha vùng trảng cỏ, sình lầy làm các sân chim, nơi kiếm ăn cho các loài chim nước.

Tăng giá trị khai thác

Có thể khẳng định rằng, việc thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tam Giang - Cầu Hai đã đánh dấu sự nỗ lực của chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế, sự quan tâm của các tổ chức quốc tế và sự ủng hộ của cộng đồng người dân sống xung quanh đầm phá trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học; bảo vệ, phục hồi và bảo tồn các vùng đất ngập nước quan trọng của tỉnh nói chung, đặc biệt là vùng đầm phá Tam Giang- Cầu Hai nói riêng. Đồng thời, đánh dấu hướng đi đúng của tỉnh về xây dựng Thừa Thiên Huế là “đô thị sinh thái, cảnh quan, di sản, văn hóa, thân thiện với môi trường và thông minh”, xứng đáng với những danh hiệu Huế được vinh danh như: Thành phố Xanh, Thành phố văn hoá Asean, Thành phố sạch của ASEAN.

Khu bảo tồn đất ngập nước Tam Giang - Cầu Hai có 23 khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản

Ông Nguyễn Việt Hùng, Chi cục Trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT Thừa Thiên Huế) khẳng định, Khu bảo tồn đất ngập nước Tam Giang - Cầu Hai được hình thành có ý nghĩa rất lớn trong bảo tồn và phát triển hệ sinh thái biển nhiệt đới điển hình và quan trọng tại Việt Nam, là cơ hội để triển khai các hoạt động bảo tồn, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, cân bằng sinh thái và duy trì cảnh quan tự nhiên. Các giá trị đa dạng sinh học, bảo tồn nguồn lợi sinh vật và các hệ sinh thái đặc thù trong đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, nhất là các thảm cỏ biển, rừng ngập mặn, bãi giống, bãi đẻ, các loài chim hoang dã quý hiếm, chim di trú sẽ tiếp tục được bảo vệ và phục hồi.

“Việc thành lập khu bảo tồn đất ngập nước còn tăng thêm cơ hội đưa kinh tế - xã hội của địa phương phát triển theo hướng bền vững, đúng theo mục tiêu đề án “Xây dựng Thừa Thiên Huế thêm xanh - sạch - sáng, không rác thải”. Đây còn là điều kiện hỗ trợ nghiên cứu, giáo dục môi trường, phát triển sinh kế, đầu tư khai thác phát triển hiệu quả lĩnh vực du lịch sinh thái… trên cơ sở cộng đồng địa phương cùng tham gia quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, bền vững các giá trị của khu bảo tồn”, ông Hùng chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khai thác bền vững Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tam Giang - Cầu Hai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO