Khai mạc Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên

Khánh Ly - Ảnh: Trương Gia| 19/03/2023 16:12

(TN&MT) - Ngày 19/3, tại Hà Nội, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF) đã khai mạc với chủ đề “Cộng đồng doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh”. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tới dự và phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn.

z4193902453423_64e022d56533494a322146585633c3d0.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tới dự và phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn

Diễn đàn do Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) thuộc Nhóm WB và Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) phối hợp tổ chức. Tham dự có đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các đại sứ quán, các tổ chức quốc tế, các Hiệp hội Doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam.

Không vì tăng trưởng mà hy sinh môi trường sống của người dân

Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao chủ đề của Diễn đàn rất thiết thực trong bối cảnh Việt Nam đang chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng từ "nâu" sang "xanh", phát triển dựa vào kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức. Đồng thời, kinh tế xanh, chuyển đổi xanh cũng là động lực tăng trưởng quan trọng trong dài hạn, dựa vào khoa học và công nghệ để phát triển đất nước.

Trước xu hướng phát triển bền vững trên cả 3 trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh của Việt Nam đã được ban hành và thực thi với nhiều kết quả bước đầu đáng ghi nhận, đóng góp tích cực vào nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Tại Hội nghị COP26, Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ, trong đó bao gồm việc đưa mức phát thải ròng về "0" vào năm 2050. Ngoài ra, các cam kết về phát triển bền vững cũng đã được đưa vào các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)và iệp định Thương mại tư do giữa Việt Nam - EU (EVFTA).

Trong quá trình này, Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, còn nhiều khó khăn, nhưng cũng phải thực hiện như một nước phát triển. Để cộng đồng doanh nghiệp đồng hành cùng với Chính phủ Việt Nam trong thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh trong thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh một số định hướng chiến lược và quan điểm.

anh-1.jpg
Diễn đàn do Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) thuộc Nhóm WB và Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) phối hợp tổ chức

Theo đó, tăng trưởng xanh là xu thế của thời đại, cũng là vấn đề toàn cầu, do đó, phải kêu gọi đoàn kết, hợp tác quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương trên tinh thần chân thành, tin cậy, hiệu quả. Việt Nam đang tập trung cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, trong đó khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, tài nguyên dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ và chuyển đổi số. Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng xanh, bền vững, đặc biệt lưu ý về quy hoạch phát triển điện lực quốc gia để phát triển năng lượng bền vững; đảm bảo quá trình chuyển đổi xanh theo nguyên tắc bình đẳng, bao trùm.

Cùng với đó, phát triển kinh tế xanh cần được triển khai quyết liệt ở cấp độ quốc gia, khu vực và toàn cầu. Lấy con người là trung tâm, chủ thể, vừa là nguồn lực vừa là động lực quan trọng nhất và là mục tiêu cao nhất của sự phát triển, nhất là trong phát triển xanh. Tránh tình trạng "tăng trưởng trước, dọn dẹp sau"; không chấp nhận phương thức tăng trưởng bằng mọi giá, thiếu tính bền vững và càng không chạy theo tăng trưởng đơn thuần mà phải hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường sống của người dân.

“Tăng trưởng xanh cần có lộ trình phù hợp, tính đến điều kiện và năng lực khác nhau của từng vùng miền, địa phương và doanh nghiệp. Khuyến khích sự hưởng ứng và tham gia của tất cả các chủ thể trong xã hội, nhất là doanh nghiệp và người dân, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các dự án theo hình thức đối tác công - tư (PPP) trong tăng trưởng xanh” – Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Doanh nghiệp ủng hộ tăng trưởng xanh

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, cộng đồng DN được xác định là nhân tố trọng tâm, đóng vai trò quan trọng trong thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia. Những năm gần đây, nhận thức của cộng đồng DN về vai trò của mình đã được nâng lên rõ rệt, từng bước thay đổi hành vi và có nhiều hành động thiết thực đóng góp vào thực hiện tăng trưởng xanh.

z4193902827157_63fedd173c599000429f07d62483e5a0.jpg
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Diễn đàn

Trên thực tế, nhiều DN đã và đang lấy kinh doanh “xanh” là chiến lược và lợi thế cạnh tranh; từ sử dụng năng lượng sạch, nguyên vật liệu thân thiện môi trường, ủng hộ các hoạt động trách nhiệm xã hội, đến đầu tư nghiêm túc vào những dây chuyền sản xuất hiện đại, công nghệ cao, thân thiện môi trường, sử dụng ít tài nguyên, năng lượng, giảm thiểu chất thải và khí thải…

Mô hình phát triển xanh và bền vững được coi là chìa khóa đảm bảo cho việc thực hiện thành công các mục tiêu trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030; đồng thời, tạo cơ hội để Việt Nam tiếp tục đà đổi mới, đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, đề cao chất lượng, hiệu quả và tính bền vững - ông Dũng khẳng định.

Năm 2022, quy mô nền kinh tế Việt Nam lần đầu tiên vượt mốc 400 tỷ USD với mức tăng trưởng là 8,02%, GDP bình quân/người hơn 4.000 USD.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 3,22 triệu tỷ đồng, tăng 11,5%; trong đó, vốn FDI giải ngân đạt gần 22,4 tỷ USD, là mức cao nhất trong 5 năm qua.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt mức kỷ lục 732 tỷ USD, đưa Việt Nam vào trong nhóm 20 nước có quy mô thương mại lớn nhất thế giới; tiếp tục duy trì xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp với kim ngạch đạt 11,2 tỉ USD.

Tại diễn đàn, đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các Hiệp hội DN nước ngoài tại Việt Nam đã đề xuất với Thủ tướng và lãnh đạo các cơ quan Chính phủ về các giải pháp cụ thể để thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế xanh. Các ý kiến tập trung vào 3 nhóm vấn đề cụ thể: Những tồn tại, hạn chế trong thực thi chính sách pháp luật; sự chồng chéo, mâu thuẫn trong khuôn khổ pháp lý đối với một số nội dung mới như kinh tế số, môi trường và cần khuôn khổ pháp lý linh hoạt hơn; đề xuất một số sáng kiến, giải pháp mới trong việc thực hiện các công việc, thủ tục hành chính.

Nhấn mạnh một số ý chính trong các nhóm vấn đề này, ông Soren Roed Pedersen, Đồng chủ tich VBF cho biết: Đối với nhóm vấn đề thứ nhất, Nhóm công tác Đầu tư và Thương mại ghi nhận sự cải thiện lớn trong việc cấp phép qua mạng Giấy chứng nhận đăng ký DN và Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tuy nhiên cũng nêu vấn đề "giấy phép con" cản trở kinh doanh, bao gồm điều kiện "kiểm tra nhu cầu kinh tế" trong lĩnh vực bán lẻ, "giấy phép thương mại" và các giấy phép con khác về kỹ thuật, môi trường... Mỗi giấy phép cần có một sự thay thế hiệu quả hơn, giúp DN không bị chậm trễ hàng tháng để có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

z4193902541776_593151525c40c5fe920cb6f5976596d8.jpg
Ông David Whitehead, thành viên Ban lãnh đạo Auscham, đại diện Hiệp hội Thành viên liên kết phát biểu tại Diễn đàn

Với nhóm vấn đề thứ hai, Luật Bảo vệ Môi trường 2020 và số lượng lớn các nghị định, thông tư đi kèm cần đòi hỏi cấp Trung ương có hướng dẫn chỉ đạo địa phương thực thi đúng quy định, tăng cường tính minh bạch và có sự trao đổi thông tin hiệu quả với các DN.

Nhóm vấn đề thứ ba không chỉ liên quan đến sự phục hồi từ dịch bệnh COVID-19 mà còn liên quan đến sự phục hồi tổng thể của nền kinh tế. Một ví dụ quan trọng là quy định pháp luật và dự thảo các biện pháp về thương mại điện tử, sử dụng Internet, địa phương hóa dữ liệu… vẫn còn khoảng cách đáng kể trong cách tiếp cận liên quan đến quy định và thuế.

Theo ông Thomas Jacobs, Giám đốc Quốc gia Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC), Báo cáo Quốc gia về Khí hậu và Phát triển cho Việt Nam của Ngân hàng Thế giới dự báo rằng lộ trình tăng trưởng phát thải ròng bền vững cần phải có thêm tới 6,8% GDP đầu tư hằng năm, tức là 368 tỷ USD cho tới năm 2040.

Một nửa trong số này, khoảng 184 tỷ USD cần có từ khu vực tư nhân. Muốn như vậy, Việt Nam cần tháo gỡ một số rào cản cơ bản như môi trường thể chế, pháp luật để khu vực tư nhân đầu tư vào những ngành chính gây phát thải như năng lượng, giao thông, nông nghiệp và sản xuất nhanh hơn, đơn giản hơn, rẻ hơn.

z4193902911693_e18267525ecf740f4b47a2004079cdfd.jpg
Quang cảnh Diễn đàn

Tại Diễn đàn, đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành đã có phản hồi ý kiến từ các Hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước. Các ý kiến nhấn mạnh, chuyển đổi năng lượng đóng vai trò quan trọng mang tính quyết định trong phát triển kinh tế xanh, đưa phát thải ròng về 0 trong năm 2050. Thời gian tới, dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam sẽ sớm ban hành Quy hoạch điện VIII điều chỉnh thể chế và hạ tầng để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, điện khí LNG… đồng thời áp dụng các dự án năng lượng tái tạo cho các khu công nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khai mạc Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO