Sáng 22/7/2020 tại Trung tâm Hội nghị quốc tế, 11 Lê Hồng Phong, TP.Hà Nội đã diễn ra Diễn đàn cấp cao Năng lượng Việt Nam 2020 do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức.
Khai mạc Diễn đàn cấp cao Năng lượng Việt Nam 2020 |
Diễn đàn có sự tham dự và chủ trì của Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình; Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng; Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu; Giám đốc Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Hoàng Bình Quân; phó trưởng ban tuyên giáo trung ương bùi trường giang.
Diễn đàn cấp cao Năng lượng Việt Nam 2020 nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 55-NQ/TW về Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho biết: Chủ trương đúng đắn về phát triển năng lượng quốc gia đã được Đảng đề ra trong Nghị quyết 55 song để Nghị quyết đi vào cuộc sống cần sự vào cuộc mạnh mẽ, toàn diện và quyết liệt của Chính phủ, của các bộ, ngành và địa phương cùng cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội trong thể chế hóa, cụ thể hóa các chủ trương, định hướng đã nêu trong Nghị quyết 55.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình phát biểu khai mạc Diễn đàn cấp cao Năng lượng Việt Nam 2020 |
Vì vậy, với tinh thần trách nhiệm cao, để thực hiện phối hợp tốt giữa 3 khâu có mối quan hệ hữu cơ với nhau: Khâu thứ nhất- Tuyên truyền, quán triệt thực hiện Nghị quyết (do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì); Khâu thứ hai - Triển khai thực hiện Nghị quyết (do Ban cán sự đảng Chính phủ, Đảng đoàn Quốc hội và các ban cán sự đảng, tỉnh ủy, thành ủy chủ trì) với Khâu thứ ba- Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết (do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì).
Theo Uỷ viên Bộ Chính trị nguyễn Văn Bình, Ban Kinh tế Trung ương cùng Chính phủ chủ trì, với sự phối hợp của một số Ban Đảng Trung ương như: Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Đối ngoại Trung ương và các bộ, ngành liên quan: Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài Nguyên và Môi trường tổ chức Diễn đàn cấp cao có ý nghĩa đặc biệt quan trọng này.
“Đây cũng là cách làm sáng tạo trong triển khai thực hiện các nghị quyết lãnh đạo của Đảng để tạo sự đồng thuận cao trong cộng đồng xã hội. Thông qua Diễn đàn ngày hôm nay, Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn thiện dự thảo chương trình hành động cũng như các cơ chế, chính sách để triển khai cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương đã nêu tại Nghị quyết 55.” – Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà thăm quan triển lãm và trao đổi với các nhà đầu tư trong lĩnh vực năng lượng |
Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Văn Bình: Diễn đàn cũng là dịp để trao đổi kinh nghiệm, nhân rộng các mô hình và cách làm hay trong phát triển năng lượng của các địa phương cũng như kinh nghiệm quốc tế; tạo cơ hội cho các lãnh đạo địa phương và các quý vị đại biểu trải nghiệm các công nghệ mới trong lĩnh vực năng lượng thông qua hoạt động triển lãm.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương tin tưởng rằng Diễn đàn ngày hôm nay sẽ mang lại những giá trị to lớn trong việc triển khai thực hiện thành công Nghị quyết 55. Tại phiên toàn thể vào buổi sáng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ươngđề nghị các đồng chí, quý vị đại biểu tập trung trao đổi, làm rõ một số vấn đề trọng tâm sau:
Thứ nhất, xác định rõ các nhiệm vụ trong từng giai đoạn để cụ thể hóa chủ trương lãnh đạo của Đảng nêu tại Nghị quyết 55; kiến nghị, đề xuất cụ thể để sớm hoàn thiện thể chế cho phát triển ngành năng lượng theo tinh thần của Nghị quyết, nhất là về xây dựng thị trường năng lượng cạnh tranh, minh bạch và hiệu quả; cơ chế, chính sách đột phá cho chuyển dịch năng lượng thành công từ chủ yếu là năng lượng hóa thạch sang năng lượng sạch, năng lượng mới và năng lượng tái tạo; cơ chế tạo thuận lợi cho huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển năng lượng quốc gia; vấn đề công nghệ và sử dụng tiết kiệm năng lượng...
Thứ hai, kiến nghị tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư phát triển năng lượng, kể cả trong lĩnh vực truyền tải điện; xử lý những vướng mắc, khó khăn cho các dự án năng lượng có quy mô lớn theo quan điểm, chủ trương của Đảng nêu tại Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị.
Toàn cảnh hội nghị |
Thứ ba, trao đổi, đề xuất những vấn đề lớn, mang tính chiến lược để tạo lập cơ chế, chính sách tạo điều kiện để hình thành và phát triển một số trung tâm năng lượng sạch và tái tạo tại các vùng và địa phương có lợi thế phát triển, chú trọng đối với một số địa phương hiện đang còn nhiều khó khăn. Quan tâm đến những vấn đề vướng mắc chủ yếu về chính sách pháp luật hiện nay tại các địa phương để đề xuất, kiến nghị xử lý toàn diện, triệt để.
Thứ tư, làm rõ các kinh nghiệm quốc tế về mô hình, cơ chế, chính sách, về các giải pháp công nghệ đột phá trong phát triển năng lượng, nhất là trong chuyển dịch năng lượng gắn với phát triển bền vững.
Thứ năm, đánh giá, làm rõ sự phối hợp giữa các bộ, ngành, giữa Trung ương và địa phương; mối quan hệ hữu cơ, tác động đến các đối tượng chịu tác động của chính sách từ nhà nước – doanh nghiệp – người dân – các tổ chức xã hội, nghề nghiệp trong quá trình phát triển năng lượng đất nước. Từ đó đề xuất hoàn thiện các cơ chế, chính sách.
Diễn đàn được chia làm 03 phiên Hội thảo chuyên đề, theo đó
Các phiên Hội thảo chuyên đề 1 sẽ tập trung vào nội dung: Chuyển dịch cơ cấu năng lượng gắn với phát triển hạ tầng năng lượng bền vững trong Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
Hội thảo chuyên đề 2 với chủ đề: Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả cho phát triển bền vững năng lượng Việt Nam giai đoạn đến 2030, tầm nhìn 2045.
Hội thảo chuyên đề 3 là: Phát triển năng lượng mặt trời và các năng lượng mới trong Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045.