Buổi lễ có sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam như: Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, đồng chí Trịnh Đình Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ; đồng chí Hồ Đức Phớc, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán Nhà nước, Trưởng Ban Tổ chức Đại hội ASOSAI 14 cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương.
Về phía khách quốc tế có sự tham dự của ngài Harib Saeed Alameemi, Tổng Kiểm toán Nhà nước các tiểu vương quốc Arab, Chủ tịch Tổ chức quốc tế Các cơ quan kiểm toán tối cao (INTOSAI); Bà Madinad Binti Mohamad, Tổng Kiểm toán Nhà nước Malaysia, Chủ tịch ASOSAI; Ông Choe Jeahyeong, Chủ tịch Ủy ban Kiểm toán và Thanh tra Hàn Quốc, Tổng Thư ký ASOSAI cùng các đại biểu là đại diện lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước thành viên ASOSAI, INTOSAI.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: “Diễn đàn ASOSAI với vai trò là động lực và cầu nối hợp tác chuyên môn kiểm toán công trong khu vực, đã thực sự khẳng định tầm quan trọng của mình trong việc thúc đẩy năng lực chuyên môn của mỗi SAI thành viên nói riêng và tầm ảnh hưởng của khu vực Châu Á nói chung trong cộng đồng kiểm toán thế giới. Tôi vui mừng và đánh giá cao sự chủ động tích cực của Kiểm toán Nhà nước Việt Nam trong việc tham gia các hoạt động của ASOSAI và Tổ chức các cơ quan kiểm toán tối cao Đông Nam Á – ASEANSAI”.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Đại hội ASOSAI 14 năm 2018 được đánh giá là một sự kiện ngoại giao chuyên môn cấp cao hết sức quan trọng của khu vực châu Á. Đây là lần đầu tiên Việt Nam tổ chức sự kiện có quy mô lớn trong lĩnh vực kiểm toán công với sự tham gia của các đoàn đại biểu quốc tế đại diện cho các cơ quan kiểm toán tối cao đến từ 46 quốc gia thuộc khu vực châu Á. Chủ tịch Quốc hội bày tỏ mong muốn Kiểm toán Nhà nước Việt Nam sẽ không ngừng tăng cường sự công khai, minh bạch, chuyên nghiệp, chính quy, từng bước hiện đại hóa trong hoạt động, xây dựng đội ngũ kiểm toán viên có đạo đức nghề nghiệp, công minh, chính trực, “nghệ tinh, tâm sáng”, được trang bị phương pháp kiểm toán hiện đại, tiếp tục phát huy vai trò bảo vệ pháp luật, bảo vệ sự liêm chính của toàn hệ thống trong quản lý tài chính công và tài sản công.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Tổng Kiểm toán Nhà nước Việt Nam Hồ Đức Phớc cho biết, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam tự hào là một thành viên trong ngôi nhà ASOSAI, đặc biệt sắp tới, đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam ý thức được trọng trách của mình trong việc cùng với các thành viên ASOSAI phát huy những thành quả đã đạt được, đẩy mạnh hợp tác giữa các thành viên ASOSAI và INTOSAI nhằm tăng cường sự đoàn kết, tăng cường năng lực, phát triển hơn nữa cộng đồng các cơ quan kiểm toán tối cao.
Đề cập đến chủ đề của Đại hội, Tổng Kiểm toán Nhà nước Việt Nam Hồ Đức Phớc cho biết: “Ngày nay, trong bối cảnh khu vực cũng như thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức toàn cầu, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội bền vững nhưng đồng thời phải bảo vệ môi trường, với Đại hội ASOSAI 14 này, ngoài việc thảo luận và quyết định những vấn đề quan trọng chung của Đại hội, chủ đề “Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững” là một trong những nội dung nghị sự quan trọng thể hiện thông điệp, sự cam kết, nỗ lực và đóng góp thiết thực của cộng đồng ASOSAI trong công cuộc theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững của LHQ và giải quyết những thách thức về môi trường toàn cầu”.
Cũng tại lễ khai mạc, bà Madinad Binti Mohamad, Tổng Kiểm toán Nhà nước Malaysia, Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2015-2018 phát biểu: “Sự trông đợi của công dân và chính phủ vào các SAI thành viên hiện nay ngày càng lớn. Vai trò của các SAI thành viên không chỉ là quản lý công mà còn phân tích, đánh giá, đoán trước những rủi ro và đưa ra giải pháp. Điều này yêu cầu các SAI thành viên phải làm việc độc lập, có công nghệ cao, làm việc theo tiêu chuẩn đạo đức và áp dụng các chuẩn mực kiểm toán quốc tế của INTOSAI. Các SAI thành viên cần phải xác định chiến lược của mình nhằm đánh giá được kết quả của các hành động đồng thời phải thực hiện các chương trình trong tương lai, tìm ra những điểm yếu kém. Chúng ta cần có cơ quan hành động, có chuẩn mực, có chiến lược hành động thực thi các chương trình trong tương lai”.
Bên cạnh các phương hướng, giải pháp về thực hiện mục tiêu phát triển bền vững và giải quyết các thách thức về môi trường toàn cầu, Đại hội cũng sẽ thông qua Tuyên bố Hà Nội – văn kiện chính thức của Đại hội ASOSAI 14. Tuyên bố này được kỳ vọng sẽ đóng góp cho cộng đồng các cơ quan kiểm toán tối cao về các hoạt động phát triển năng lực cho các SAI thành viên nhằm tăng cường giải quyết vấn đề môi trường, đồng thời đưa ra các đề xuất quan trọng nhằm hoàn thiện các hướng dẫn, quy trình, chuẩn mực kiểm toán vì mục tiêu phát triển bền vững tại các quốc gia thành viên.
Tiếp sau Lễ khai mạc Đại hội ASOSAI 14 và Kỷ niệm 40 năm Hiến chương ASOSAI là Phiên họp toàn thể lần thứ nhất Đại hội ASOSAI 14 với sự tham gia của đại diện các thành viên Tổ chức và các tổ chức quốc tế với vai trò quan sát viên. Dự kiến tại phiên họp này, nhiều sự kiện sẽ diễn ra, trong đó đáng chú ý là chuyển giao quyền lực Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2019 – 2021 cho Kiểm toán Nhà nước Việt Nam.