Khắc phục ô nhiễm do Nhà máy tinh bột sắn Thừa Thiên Huế gây ra: Nhiều lần lỗi hẹn

11/10/2013 00:00

(TN&MT) - Người dân cần Nhà máy tinh bột sắn Thừa Thiên Huế sớm khắc phục tình trạng gây ô nhiễm môi trường, bởi đơn vị này đã quá nhiều lần “lỗi hẹn”.

          
(TN&MT) - Hành vi gây ô nhiễm môi trường của Nhà máy tinh bột sắn Thừa Thiên Huế thời gian qua đã gây bức xúc cho nhiều hộ dân sinh sống, sản xuất gần khu vực nhà máy thuộc xã Phong An, huyện Phong Điền. Người dân cần Nhà máy sớm khắc phục, bởi đơn vị này đã quá nhiều lần “lỗi hẹn”.
   
  Sau khi có thông tin khiếu kiện liên quan đến Nhà máy tinh bột sắn Thừa Thiên Huế (thuộc Chi nhánh Công ty TNHH MTV Thực phẩm và Đầu tư FOCOSEV) đóng tại xã Phong An, huyện Phong Điền gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại địa phương, Chi cục Bảo vệ Môi trường (BVMT) - Sở Tài nguyên và Môi trường Thừa Thiên Huế đã vào cuộc khảo sát thực địa, lấy mẫu, tiến hành công tác rà soát nắm tình hình tại cơ sở, xử lý số liệu đo đạc phân tích tại khu vực nhà máy và môi trường vùng xung quanh nhà máy.
   
Các hồ xử lý đã quá tải sau 9 năm hoạt động đã gây ô nhiễm môi trường nước nghiêm trọng
    
   
  Điểm lấy mẫu được tiến hành dọc theo Khe Mây kéo dài từ điểm xả thải đến vị trí trồng sen của hộ ông Hồ Bòn, thuộc xã Phong An (Phong Điền), tiếp giáp với ruộng lúa. Kết quả phân tích chất lượng 6 mẫu nước mặt cho thấy, dòng nước dẫn về hồ sen của hộ ông Hồ Bòn có lưu lượng không đáng kể, dung tích nhỏ; kết quả phân tích cho thấy các thông số đều nằm trong giới hạn cho phép tại cột B1 của QCVN 08:2008/BTNMT. Riêng chất lượng nước tại 2 vũng trong hồ sen của hộ ông Hồ Bòn có giá trị các thông số: nhu cầu ôxy sinh hóa (BOD5) và nhu cầu ôxy hóa học (COD) cao hơn giới hạn cho phép của QCVN 08:2008/BTNMT; nguồn nước bị ô nhiễm hữu cơ.
   
  Mới đây, sau khi nhận được tin phản ánh hiện tượng cá chết tại khu vực Khe Mây, Chi cục BVMT đã phối hợp với UBND xã Phong An, đại diện Hợp tác xã nông nghiệp Phong An và ông Hồ Bòn tiến hành lấy mẫu tại khu vực thải nước thải của Nhà máy tinh bột sắn Thừa Thiên Huế. Tại thời điểm lấy mẫu, nước thải có màu xanh theo cảm quan, kết quả phân tích chất lượng nước cho thấy độ màu vượt 12,6 lần, tổng chất rắn hòa tan (TSS) vượt 5,37 lần, BOD5 vượt 2,87 lần, COD vượt 1,54 lần, tổng nitơ (N) vượt 2,13 lần, tổng phốtpho (P) vượt 1,84 lần, hàm lượng xyanua (CN-) vượt 3,94 lần, so với giá trị tối đa Cmax được tính toán.
   
  Theo báo cáo của UBND huyện Phong Điền cũng như UBND xã Phong An, tại thời điểm có hiện tượng cá chết, trong các khu vực lân cận xã Phong An có nhiều địa phương cũng xảy ra hiện tượng cá chết và trong đó có không ít địa phương không phải là nơi tiếp nhận nguồn xả thải từ Nhà máy tinh bột sắn Phong Điền cũng có cá chết. Nguyên nhân cá chết là do nhiều lý do khác nhau, không hẳn chỉ do nguyên nhân nguồn nước ô nhiễm.
   
  Tuy nhiên, để xác định chất lượng nguồn nước mặt trong khu vực, Chi cục BVMT đã lấy mẫu nước mặt trong khu vực Khe Mây, xã Phong An không chịu tác động do nước thải từ Nhà máy tinh bột sắn Phong Điền. Kết quả đo đạc, phân tích mẫu nước mặt cho thấy tổng chất rắn hòa tan (TSS) vượt 7,24 lần, BOD5 vượt 5,8 lần, COD vượt 4,53 lần, hàm lượng xyanua (CN-) vượt 12,45 lần, hàm lượng photphat (PO4 3-) vượt 12,45 lần so với giá trị giới hạn cho phép theo QCVN 08:2008/BTNMT (cột B1). Như vậy, nguồn nước mặt trong khu vực Khe Mây, xã Phong An hiện bị ô nhiễm khá nặng. Tại thời điểm này, Nhà máy vừa bắt đầu vào sản xuất sau 5 tháng nghỉ hoạt động. Theo báo cáo của đại diện nhà máy, lượng nước thải ra lúc này chủ yếu là nước tồn lưu lâu ngày trong các hồ, nguồn nước này có màu xanh lục do sự phát triển của tảo.
   
   
  Đi vào hoạt động từ năm 2004 với công suất thiết kế 60 tấn thành phẩm/ngày, thời gian qua, Nhà máy tinh bột sắn Thừa Thiên Huế đã áp dụng công nghệ Cigar của Thái Lan để xử lý nước thải, sau đó đi qua hệ thống 4 hồ sinh học và dẫn theo mương dẫn dài 1.200m, rồi thải vào Khe Mây, khu vực thôn Thượng An, xã Phong An. Trước đây, nước thải của Nhà máy sau xử lý chảy qua khu vực đội 1, đội 2 của thôn Đồng Lâm, xã Phong An.
   
  Trước đó, Chi cục BVMT đã có nhiều đợt kiểm tra lấy mẫu phân tích chất lượng nước thải tại nhà máy và các khu vực lân cận. Kết quả các đợt lấy mẫu, phân tích có một vài thông số chất lượng nước cao hơn mức cho phép như hàm lượng amoni (NH4+) và chỉ tiêu coliforms. Thậm chí có đợt, độ màu vượt 29,76 lần, tổng chất rắn hòa tan (TSS) vượt 4,86 lần, BOD5 vượt 6,82 lần, COD vượt 3,79 lần so với giá trị C quy định tại QCVN 40:2011/BTNMT cột B.
   
  Sau các đợt kiểm tra, lấy mẫu phân tích, theo đánh giá của Chi cục BVMT Thừa Thiên Huế, nguồn nước mặt trong khu vực Khe Mây, xã Phong An hiện đang ô nhiễm khá lớn, đặc biệt là ô nhiễm về chất hữu cơ. Nhà máy tinh bột sắn Thừa Thiên Huế cần có phương án để chọn điểm xả thải hợp lý nhằm tránh hiện tượng ô nhiễm cộng hưởng có thể xảy ra trong vùng. Hệ thống xử lý nước thải của Nhà máy sau 9 năm hoạt động đã xuống cấp, hiệu suất xử lý thấp, nước thải ra không đạt yêu cầu và tại nhiều thời điểm đã có hiện tượng quá tải. Nhà máy phải có phương án cải tạo và nâng cấp hệ thống xử lý nước thải trong thời gian sớm nhất để đảm bảo nước thải ra đạt yêu cầu theo QCVN. Công suất của hệ thống xử lý nước thải dự kiến đầu tư nâng cấp phải xử lý hoàn toàn lượng nước thải phát sinh ở thời kỳ cao điểm trong quá trình sản xuất.
   
  Tìm hiểu giải pháp khắc phục, được biết Nhà máy tinh bột sắn Thừa Thiên Huế đã thuê tư vấn đo vẽ bản đồ, lập đề án để trình hồ sơ thuê đất tại khu vực Khe Mây (khu vực hoang hóa gồm tràm và cây bụi) để đầu tư thêm diện tích xử lý nước thải đầu ra của Nhà máy. Hiện Nhà máy đã khảo nghiệm trồng cỏ vetiver trên tuyến Khe Mây để tăng cường xử lý nước thải.
   
  Hiện tại, UBND huyện Phong Điền cũng đã thống nhất chủ trương để Nhà máy triển khai các thủ tục thuê đất theo quy định. Ngoài ra, Nhà máy đã tiến hành lập dự án xây dựng hệ thống xử lý Biogas để xử lý nước thải với diện tích hồ 20.000m2, dung tích chứa 100.000m3 nước thải, tổng chi phí dự kiến đầu tư khoảng 15 tỷ đồng và theo kế hoạch sẽ triển khai trong năm 2013. Hiện tại, Nhà máy đã tiến hành công tác khảo sát địa tầng, thổ nhưỡng và chuẩn bị mặt bằng để triển khai xây dựng hệ thống xử lý.
   
                                                                               Bài & ảnh: Xuân Giang
   
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khắc phục ô nhiễm do Nhà máy tinh bột sắn Thừa Thiên Huế gây ra: Nhiều lần lỗi hẹn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO