Kết nối mạch nguồn Cửu Long

PGS. TS Lê Anh Tuấn - Lê Hùng| 15/01/2023 20:26

“Làng ta phong cảnh hữu tình, Dân cư giang khúc như hình con long” (ca dao)

Dòng sông Mẹ - Mê Kông vĩ đại như một nguồn sống lớn nhất vùng Đông Nam Á, nơi có thể cung cấp nguồn nước, nguồn dinh dưỡng và nguồn sinh kế cho hơn 60 triệu người cư trú cả tập trung và rải rác dọc theo hai bên bờ sông. Có ai biết rằng, sông Mê kông là sự kết nối phức tạp, đa dạng và thú vị trong suốt hành trình dài hơn 4.350km và trải rộng trên một lưu vực rộng bao la hơn 795.000km2, chưa kể diện tích vùng thềm lục địa biển của sông.

a(2).jpg

Với nguồn nước dồi dào, đất đai phì nhiêu, khí hậu ôn hòa nên đã từ lâu, đồng bằng châu thổ Cửu Long trở thành vựa lúa, trái cây, thủy sản của cả nước.

1. Mê Kông xuất phát từ Hy Mã Lạp Sơn là dãy núi cao nhất thế giới, được xem như vùng cực thứ ba trên địa cầu, ngoài Bắc Cực và Nam Cực. Dòng Mê Kông hợp lưu với hàng trăm dòng suối nhỏ, len lỏi qua nhiều đồi núi, thung lũng, thác ghềng, rừng rậm, cao nguyên bán sơn địa và đồng ruộng làng mạc trước khi mang nước ngọt đến vùng châu thổ cuối nguồn thuộc Việt Nam.

Khi đến cuối hạ lưu của lưu vực Mê Kông, sông với tên gọi Cửu Long là vùng kết nối với Biển Đông - Thái Bình Dương, là đại dương lớn nhất hành tinh xanh của chúng ta. Lịch sử của sông Mê Kông là nguồn kết nối đất - nước với các chủ đề khoa học bắt đầu bằng chữ địa: địa chất - địa lý - địa mạo - địa thủy - địa văn hóa - địa chính trị… mà phải tốn hàng trăm, hàng ngàn trang giấy, kết nối nhiều nhà khoa học tự nhiên, kỹ thuật với các nhà khoa học xã hội, nhà nghiên cứu văn hóa mới mô tả được hết các đặc điểm và tính chất của các mảng ghép lĩnh vực này.

Dễ thấy nhất là kết nối thủy học của dòng sông giữa các phân đoạn thượng lưu - trung lưu - hạ lưu khi muốn nói đến sự chuyển tải khối lượng nước theo dòng thời gian theo nguyên tắc trọng lực. Tiếp nối là sự kết nối được bàn nhiều về chất lượng nước: kết nối dòng sông trong đất liền với biển và đại dương tạo nên những phân khúc nước ngọt - nước lợ - nước mặn mà qua những phân khúc này, hệ sinh thái thủy văn thay đổi với hàng trăm loài cây, loài thú trên trời, dưới nước và trên bờ sinh sống và sinh trưởng. Sự kết nối này nằm trong chuỗi thực phẩm của hệ sinh thái, sự sản sinh, lớn lên và chết đi của loài này là nguồn sống của loài khác.

Các dải rừng ngập mặn với các loài cây tiên phong như cây mắm, cây đước và cây phòng thủ như cây bần, cây dừa nước với tiến trình giữ đất - vươn ra biển. Chuỗi rừng ngập nước ven biển này không thể nào tồn tại ở vùng châu thổ ven biển nếu không có sự kết nối nước - phù sa và kết nối sông - biển. Ông bà chúng ta đã có câu ca để con cháu nhớ tiến trình sinh thái rừng ngập mặn này: “Mắm trước, đước sau, bần theo sát/ Sau hàng dừa nước, mái nhà ai…”

Kết nối giữa dòng sông và con người sinh sống hai bên bờ là một kết nối gắn bó, vừa là sinh kế - thu nhập, vừa là sinh hoạt văn hóa - tình cảm. Dòng sông chủ động mang nước ngọt, phù sa bồi đắp cho đồng ruộng, vườn cây hai bên bờ, muôn vàn loài tôm, cá, thủy sinh nuôi sống con người và dòng sông cũng là nơi thụ động tiếp nhận các chất thải của con người mang đi và phân hủy. Từ thuở ấu thơ đến lúc tuổi già xế bóng, hình ảnh con sông gắn bó với bao câu thơ, điệu hò và là nguồn cảm hứng văn chương cho nhiều thế hệ thi nhân mặc khách. Dòng sông vừa nuôi sống con người, vừa tạo nguồn thi hứng cho văn chương, tâm linh nhưng cũng mang theo thân phận đời người.

Sông Mê Kông có tên gọi xuất phát từ ngôn ngữ Lào - Thái là Mè-Nảm-Khong, có nghĩa là Mẹ Nước Khone, sang Campuchia thì được gọi là Mẹ Công. Khi đến Việt Nam, các ông bà xưa gọi là Sông Cái, cũng với nghĩa là Sông Mẹ. Văn vẻ hơn, người Việt gọi là Sông Cửu Long như là hình ảnh của chín con rồng trườn tỏa ra cửa biển theo hình nan quạt qua chín nhánh sông. Hai bên là làng mạc, nhà cửa nhìn ra sông, sau lưng là ruộng vườn cây trái.

2. Xưa kia, những ngôi chùa cổ của cư dân Việt thường dựng lên bên cạnh dòng sông, nơi đoạn dòng tương đối thẳng, nước chảy vừa phải để mọi thiện nam tín nữ ghé viếng chùa cúng Phật. Căn nhà nông thôn thường hướng ra bờ sông, trước nhà là một bàn thờ ông thiên để ngoài trời, đơn giản với lư hương, ly nước và một nhánh bông trang như là những nguyện cầu thầm kín giao hòa với Trời Đất. Không phải ngẫu nhiên mà vùng đất ngập nước châu thổ Cửu Long này lại là nơi sản sinh sớm và lan rộng nhiều tôn giáo nội sinh, với hàng trăm ngàn tín đồ, mà phần lớn trong số họ là những người nông dân vùng châu thổ gắn bó nhiều đời với sông nước Cửu Long.

a.jpg

Nhiều tập quán con người châu thổ Cửu Long gắn bó với sông nước như lễ hội đua ghe ngo, chợ nổi...

Thử thách đầu tiên của một đứa bé nông thôn là tập bơi ở bến sông bên hiên nhà. Lớn lên, dòng sông là nơi chúng ta lấy nước, chèo ghe mang nông sản phân phối tới các chợ. Khi về già, rời bỏ thế gian, nhiều cụ ông, cụ bà vẫn muốn thân thể mình hòa vào sông. Nhiều tập quán con người gắn bó với mùa nước sông Mê Kông như lễ hội đua ghe ngo - đón nước - đưa nước của người Thái, người Lào, người Khmer. Tập quán vẽ con mắt ở mũi ghe tàu ở vùng sông nước Cửu Long khó lẫn vào đâu khác như một tập tục hơn ba trăm năm trước, khi vùng nước này đầy cá, có những con cá khổng lồ dài từ 2 - 3m, nặng trên trăm kg, hay những con cá he nước ngọt mà bà con gọi là ông nước, nặng năm ba chục cân nhảy đua theo ghe chài.

Dòng sông không chỉ là dòng nước mà còn là nơi kết nối địa lý các địa phương, làng xã với làng xã, tỉnh huyện với tỉnh huyện, vùng trên với vùng dưới, kết nối cả bốn miệt vùng châu thổ Cửu Long: miệt đồng - miệt vườn - miệt bưng - miệt biển mà từng miệt có những tập quán canh tác, hình thái sông nước - thực vật khác nhau, đặc điểm nguồn nước khác nhau. Nhờ những kết nối này mà người dân có thể đi lại dễ dàng tạo nên các giao kết địa lý, giao thương hàng hóa, giao lưu phong tục - kinh nghiệm bản địa.

aa.jpg

Cần phải xem cả hệ sinh thái vùng châu thổ Cửu Long như một cơ thể sống, trong đó dòng sông là các mạch máu nuôi các tế bào bên trong, đất đai là xương thịt hình hài tạo khung cho cơ thể, tính đa dạng sinh vật, phong phú cây trái, rừng ngập nước là diện mạo bên ngoài cơ thể và nền văn minh sông nước, tập quán, tâm linh chính là tâm hồn và tính cách của cơ thể sống này. Một cơ thể sống khỏe mạnh và xinh đẹp phải có đầy đủ các yếu tố hình thành nó. Bất cứ hành vi nào chặt đứt mạch máu của cơ thể sống, tương tự như cắt chặn dòng sông, sẽ tạo ra những đau đớn, tổn thương và bẻ gãy chuỗi lưu chuyển dinh dưỡng và sinh khí cho cơ thể.

3. Vùng châu thổ Cửu Long chỉ có hai mùa mưa - nắng nhưng sự đa dạng sinh thái, đa dạng văn hóa của vùng đất này lại thi vị như bốn mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông. Nơi đây không chỉ mang trọng trách nuôi sống cho hàng triệu người Việt Nam và một phần cho thế giới mà còn là vùng đất của tự nhiên, của sinh vật, của xã hội, của tâm linh.

Phát triển vùng châu thổ Cửu Long dựa vào tự nhiên là giải pháp khôn ngoan và bền vững nhất. Việc duy trì hình thái sông ngòi và hệ sinh thái ngọt - lợ - mặn không chỉ là việc bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên mà còn là sự bền vững các kết nối an ninh: an ninh nguồn nước - an ninh lương thực - an ninh xã hội không chỉ cho chúng ta hiện nay mà còn cho các thế hệ con cháu chúng ta mãi mãi về sau.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kết nối mạch nguồn Cửu Long
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO