Hệ thống kênh thủy lợi Cần Đơn được xây dựng sau 3 năm Nhà máy thủy điện Cần Đơn đi vào hoạt động (năm 2004). Tổng nguồn vốn cho hệ thống kênh trên 300 tỷ đồng từ trái phiếu Chính phủ do Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, sau 10 năm thi công, hiện nay đã hoàn thành và đưa vào sử dụng nhưng đã bộc lộ nhiều bất cập, gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc sinh hoạt, sản xuất của người dân.
Có kênh thủy lợi nhưng ruộng… khát khô
Người dân thị trấn Thanh Bình nói riêng và ở các xã trên địa bàn huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước nói chung có tuyến kênh đi qua đang rất bức xúc trước việc công trình này nằm cao hơn so với ruộng từ 3-5m và dài hàng chục kilômét nhưng không có đường dẫn nước vào ruộng, nhiều diện tích lúa luôn trong tình trạng “khát nước”. Hiện nay hầu hết diện tích lúa vụ đông - xuân của bà con đang ở thời kỳ làm đồng nhưng có nguy cơ hạt lép nếu không có nước kịp thời.
Ông Nguyễn Văn Bo (ngụ ấp Thanh Tâm, thị trấn Thanh Bình) cho biết, gia đình ông có hơn 6 sào ruộng làm 2 vụ mỗi năm. Trước đây chưa có kênh mương để lấy nước tưới, bà con chỉ cần khơi thông bờ ruộng là nước tự chảy vào. Thế nhưng, từ ngày công trình thủy lợi kênh mương được xây dựng tưởng rằng nông dân sẽ là những người được hưởng lợi mỗi năm có thể làm được 3 vụ lúa, song ngược lại gây cản trở hoạt động sản xuất của bà con.
“Do kênh cao hơn mặt ruộng và không có đường dẫn nước vào ruộng nên để có nước bà con phải tự bỏ tiền ra mua các loại ống dẫn nước vào ruộng. Gia đình tôi thay vì trước kia làm được 2 vụ thì nay làm đúng 1 vụ với 2,5 sào mà cũng vụ được vụ mất”, ông Bo trần tình.
Cùng chung tâm trạng, bà Nguyễn Thị Trên (ngụ ấp Thanh Tâm) bức xúc: “Khi triển khai công trình thủy lợi kênh mương, chúng tôi đã yêu cầu đơn vị thi công kiểm tra xem công trình xây dựng như vậy có hợp lý chưa nhưng họ khăng khăng nói làm đúng thiết kế. Chúng tôi không hiểu họ đang xây dựng cái gì? Nguyên một tuyến kênh dài hàng chục cây số thế kia mà không có một đường dẫn nước vào ruộng”.
Tiềm ẩn nguy cơ đuối nước
Không những gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp, việc lấy nước sinh hoạt, hệ thống cầu qua lại kênh Cần Đơn rất nhỏ hẹp, xe công nông không thể qua lại để vận chuyển nông sản. Ngoài ra, thành kênh được xây vát chữ V, có độ nghiêng lớn, lại trơn, khi người dân lấy nước rất khó khăn và nguy hiểm. Nhiều hộ dân sinh sống gần hệ thống kênh cho biết đã có nhiều người và phương tiện qua lại bị trượt chân ngã lộn xuống kênh, hoặc tai nạn, nhất là trẻ em bị rớt xuống kênh liên tục.
Anh Hồ Minh Tài (ngụ ấp Thanh Tâm) sinh sống ở ngay bờ kênh mương, lo lắng: “Tôi có đứa con trai nhỏ hơn 5 tuổi. Mấy tháng trước cả gia đình đi làm thuê để cháu ở nhà cùng bà nội nhưng bà mãi chăn bò không để ý nên cháu trượt chân rớt xuống kênh. May mà có người thấy vớt lên được”.
Theo anh Tài, hiện đang vào mùa mưa, hệ thống kênh thường xuyên xả nước rất nguy hiểm cho hàng trăm hộ dân sinh sống dọc hai bên bờ.
Trao đổi về những vấn đề bất cập trên, ông Trần Công Kích Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thanh Bình, cho biết: “Cách đây hơn 3 tháng trong cuộc làm việc với Ban Quản lý thủy nông tỉnh và các ngành chức năng tỉnh, UBND thị trấn đã kiến nghị thực trạng trên nhưng đến nay vẫn chưa thấy cơ quan chức năng giải quyết. Trước mắt, thị trấn đã chỉ đạo cho cán bộ giao thông thủy lợi, trưởng các khu phố, ấp đẩy mạnh tuyên truyền vận động nhân dân nâng cao ý thức phòng chống đuối nước, những nhà có cháu nhỏ cần có người lớn trông coi để tránh tình trạng xấu xảy ra…”.
Bù Đốp là một trong những huyện chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của hạn hán và thời tiết bất thường, mỗi mùa khô đến có trên 4.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt, trên 200ha đất trồng lúa bỏ hoang do thiếu nước, trên 1.200ha cây công nghiệp chết khô.
Những tưởng dự án sử dụng nước từ kênh thủy lợi sau khi Nhà máy thủy điện Cần Đơn đi vào hoạt động kỳ vọng sẽ giải quyết tất cả những khó khăn nêu trên nhưng đã hơn 10 năm hiệu quả công trình mang lại đã không như kỳ vọng. Đồng thời gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc sinh hoạt, sản xuất của người dân.