Doanh nghiệp khốn đốn vì vướng mặt bằng
Thực trạng này diễn ra nhiều năm nay dù đã được Ban quản lý Khu kinh tế (KKT) Đông Nam Nghệ An cấp giấy chứng nhận đầu tư triển khai xây dựng dự án ở Khu A Khu Công nghiệp (KCN) Nam Cấm trên địa bàn huyện Nghi Lộc nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn không được giao mặt bằng "sạch" để ổn định sản xuất, kinh doanh.
Được biết, KCN Nam Cấm được tỉnh Nghệ An phê duyêt quy hoạch chi tiết tại Quyết định số 2555/QĐ-UB.CN ngày 12/7/2004 có tổng diện tích 327,83h nằm 2 bên QL1A trên địa bàn 3 xã Nghi Thuận, Nghi Long, Nghi Xá của huyện Nghi Lộc.
Mục tiêu phát triển KCN Nam Cấm lúc bấy giờ của tỉnh Nghệ An nhằm đáp ứng phát triển công nghiệp của các doanh nghiệp trong và ngoài nước, tận dụng tiềm năng và lợi thế tạo chuyển dịch mạnh về cơ cấu kinh tế cho địa phương.
Quy hoạch xây dựng KCN Nam Cấm vào thời điểm 2004 cũng phân chia phần diện tích tổng thể nói trên thành 3 khu A,B và C. Trong đó, Khu A (93,67 ha) nằm phía Tây QL1A, khu B (82,10 ha) nằm ở phía Đông QL1A và phía Tây đường sắt; Khu C (154,76 ha) nằm ở phía Đông đường sắt Bắc – Nam và 2 bên đường Nam Cấm – Cửa Lò, tức là Tỉnh lộ 536 bây giờ.
Sau khi phê duyệt quy hoạch, Nghệ An đã tiến hành tập trung mọi nguồn lực để kiến thiết, xây dựng cơ sở hạ tầng, giải phóng mặt bằng. Cùng với đó, địa phương cũng triển khai công tác xúc tiến đầu tư, mời gọi doanh nghiệp trong và ngoài nước về KCN Nam Cấm đầu tư bằng nhiều chính sách ưu đãi về thuế, tiền thuê đất...
Để triển khai các bước hoàn thiện hạ tầng, tạo “đất sạch” cho nhà đầu tư vào triển khai, từ năm 2004, Công ty TNHH MTV đầu tư xây dựng phát triển hạ tầng Nghệ An được thành lập để vận hành, phối hợp xử lý các thủ tục pháp lý liên quan.
Sau khi Ban quản lý KKT Đông Nam Nghệ An được thành lập năm 2007 theo Quyết định số 85/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, KCN Nam Cấm trở thành đơn vị trực thuộc để tập trung phát triển, thu hút nhà đầu tư.
Hiện nay, có rất nhiều doanh nghiệp đã vào đầu tư, xây dựng nhà xưởng, xí nghiệp ở KCN Nam Cấm, tạo diện mạo mới cho đà tăng trưởng kinh tế - xã hội cho địa phương.
Tuy nhiên, thực tế triển khai công tác đầu tư xây dựng của nhiều doanh nghiệp triển khai dự án trên phần diện tích đất Khu A của KCN Nam Cấm đang gặp cảnh “tiến thoái lưỡng nan” do không được bàn giao hoàn chỉnh phần diện tích đất đã được chấp thuận đầu tư để kịp thời vận hành dây chuyền sản xuất kinh doanh.
Nhiều nhà đầu tư như Công ty CP tổng hợp vật liệu Trường An, Công ty CP đầu tư xây dựng 379, Công ty TNHH Thanh Thành Đạt…mặc dù được đơn vị vận hành hạ tầng thoả thuận, cho thuê đất sau khi dự án của họ đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng hơn 10 năm vẫn phải “dậm chận tại chỗ”, bế tắc về giải phóng mặt bằng...
Cho thuê đất kiểu…"bán vịt trời"
Theo phản ánh của một số đại diện các doanh nghiệp nói trên, từ năm 2010, họ đã được Ban quản lý KKT Đông Nam Nghệ An cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và đưa ra lộ trình tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư sớm đưa dự án vào hoạt động nhưng nhiều năm sau đó lại rơi vào tình trạng dở dang do vướng thủ pháp lý về đất đai.
Trong khi đó, hợp đồng thuê đất đã được ký với Công ty TNHH MTV đầu tư xây dựng phát triển hạ tầng Nghệ An tại Khu A, KCN Nam Cấm để làm cơ sở cho doanh nghiệp nộp tiền thuê đất với Nhà nước nhưng trên thực địa, phần đất của họ được giao lại không đủ để xây dựng dự án như quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt.
Nguyên nhân do phần “đất sạch” mà Ban quản lý KKT Đông Nam Nghệ An cam kết bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư chưa được thực hiện đền bù với người dân và các tổ chức liên quan. Mặt khác, nhà đầu tư cũng chưa thể triển khai dự án được do tại nhiều hạng mục Khu A, KCN Nam Cấm chưa hoàn thiện hạ tầng giao thông đấu nối…nên việc xây dựng nhà xưởng, xí nghiệp đối với họ gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại nếu không muốn nói là không thể thực hiện.
Qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi cũng nhận được nhiều phản ánh bức xúc của không ít doanh nghiệp khi vào đầu tư ở KCN Nam Cấm vì những lý do liên quan đến bàn giao mặt bằng để ổn định sản xuất kinh doanh.
“Về phía Công ty, sau khi được Ban quản lý KKT Đông Nam Nghệ An cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (năm 2018), công ty đã tiến hành thực hiện các nội dung như ký quỹ đầu tư với số tiền 3,1 tỷ đồng; Đã lập quy hoạch tổng thể mặt bằng tỷ lệ 1/500 được Ban quản lý KKT Đông Nam phê duyệt vào ngày 01/9/2017; Đã lập hồ sơ thiết kế cơ sở được Ban quản lý KKT Đông Nam phê duyệt vào ngày 30/10/2018…” – đại diện Công ty CP tổng hợp vật liệu Trường An cho biết.
Theo như đại diện một số nhà đầu tư vào Khu A, KCN Nam Cấm phản ánh, mặc dù họ không được giao trọn vẹn toàn bộ phần diện tích đất theo mốc giới đã được chấp thuận đầu tư nhưng trong những năm qua, doanh nghiệp vẫn bị “trát” của cơ quan chức năng yêu cầu đóng tiền thuê đất cả phần diện tích chưa bàn giao, chưa giải phóng được mặt bằng.
"Mặt bằng chưa được giải phóng xong nhưng đã bàn giao cho doanh nghiệp đầu tư. Khi chúng tôi định xây dựng thì người dân kéo ra cản trở vì họ nói chưa được đền bù. Giao mặt bằng cho nhà đầu tư theo kiểu…"bán vịt trời" như thế này thì quả thật tôi mới chỉ thấy ở cách làm của tỉnh Nghệ An" – Đại diện một doanh nghiệp, bức xúc.
Bị đẩy vào tình trạng triển khai dự án theo kiểu chắp vá, thậm chí phải bỏ dở dang, hoang hoá cả dự án kéo dài nhiều năm nay đang khiến nhiều nhà đầu tư vào Khu A, KCN Nam Cấm “thiệt đơn, thiệt kép”, không thể ổn định sản xuất kinh doanh, bức xúc, chán nản.
Trong khi đó, để giải quyết vấn đề này, nhiều cuộc họp và không ít văn bản đến – đi giữa doanh nghiệp và chính quyền đã ban hành nhưng câu chuyện vướng mắc về đất đai, đền bù vẫn không có động thái dứt khoát kịp thời từ phía cơ quan có thẩm quyền.
Với những vướng mắc về đất đai như đã phản ánh ở trên từ các cơ quan có thẩm quyền tỉnh Nghệ An đã gây nên những bức xúc trong giới nhà đầu tư vào tỉnh này.
Báo TN&MT sẽ tiếp tục thông tin.