Dữ liệu từ cơ quan thống kê cho thấy nhập khẩu chất thải nhựa đã tăng 141% trong năm ngoái lên tới 283.000 tấn, sau khi lệnh cấm của Trung Quốc làm gián đoạn “dòng chảy” của hàng triệu tấn chất thải toàn cầu hàng năm.
Oke Nurwan, quan chức phụ trách ngoại thương của Bộ Thương mại Indonesia cho biết Indonesia đã thông báo cho 15 quốc gia, nơi có các nhà xuất khẩu rác chủ chốt về lệnh cấm mới này.
“Nếu không phải từ một nhà xuất khẩu đã đăng ký, chúng tôi sẽ không cấp giấy phép (đối với hàng nhập khẩu)”, ông Nurwan cho biết thêm.
Ông từ chối nêu tên các quốc gia nhưng một báo cáo của Greenpeace hồi tháng 4 cho biết phần lớn lượng rác thải nhựa nhập khẩu của Indonesia đến từ Úc, Đức, Hà Lan, Vương quốc Anh và Mỹ.
Indonesia đã có các quy tắc tập trung vào phế liệu nhựa nhập khẩu, chẳng hạn như các khuyến nghị từ Bộ môi trường và bằng chứng kiểm tra khảo sát.
Tuy nhiên, các nhân viên hải quan đã phát hiện ra việc nhập khẩu phế liệu trộn lẫn với chất thải khác, chẳng hạn như cao su và tã lót, và đã yêu cầu trả lại đất nước nơi chúng được vận chuyển.
Nurwan cho biết các nhân viên hải quan sẽ tăng cường kiểm tra hàng nhập khẩu và sẽ trừng phạt nghiêm khắc hơn nếu vi phạm các quy tắc mới.
Theo một nghiên cứu đăng trên tạp chí Science hồi năm 2015, Indonesia đã phải “vật lộn” để đối phó với rác thải trong nước và là nước đứng thứ hai thế giới về số lượng lớn rác thải nhựa làm ô nhiễm đại dương.
Để giảm thiểu ô nhiễm, Indonesia cũng đang tính đến biện pháp đánh thuế đối với túi nhựa, nhưng Quốc hội đã trì hoãn xem xét sau những phàn nàn của ngành này.
Tuy nhiên, Indonesia sẽ không dừng nhập khẩu nhựa phế liệu hoàn toàn vì còn phải sử dụng cho ngành tái chế.