Cưỡng chế nhưng không có quyết định thu hồi đất?
Trong đơn đề nghị của 19 hộ dân gửi đến Báo Tài nguyên và Môi trường, các hộ dân bức xúc cho biết: Kể từ khi Nhà nước có dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 39A, chưa một hộ dân nào nhận được quyết định thu hồi của bất cứ cấp chính quyền nào và không chấp nhận công tác đền bù GPMB thiếu công bằng, không chính xác. Đến khi chúng tôi không chấp nhận việc giao mặt bằng thì UBND huyện Hưng Hà cưỡng chế. Phương án thu hồi, đền bù GPMB không rõ ràng, khách quan có nhiều khuất tất.
Theo 19 hộ dân, các hộ dân này đã nhiều lần gửi đơn đến các cấp chính quyền nhưng chính quyền đều trả lời quanh co, lảng tránh và vẫn quyết định cưỡng chế.
Ông Đặng Hữu Hạng, con trai của ông Đặng Hữu Hạo (đã chết) và bà Nghiêm Thị Tốn, trú tại khu Đồng Tu 1, thị trấn Hưng Hà cho biết: “Gia đình tôi có thửa đất (đất ông cha) tại khu Đồng Tu 1 phía Nam giáp đường 39 được mang tên bố tôi là ông Đặng Hữu Hạo. Nay nhà nước có Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 39, UBND thị trấn Hưng Hà và Ban GPMB huyện Hưng Hà đã triển khai họp và không báo đến gia đình tôi. Theo bản đồ vẽ năm 2010 đã phóng tuyến 12m kể từ tim đường để làm đường. Theo phiếu xác nhận kết quả đo đạc hiện trạng thửa đất mang tên mẹ tôi là bà Nghiêm Thị Tốn thì gia đình tôi mới được bồi thường 27m2, số diện tích này còn thiếu so với hiện trạng đất thực tế phải bồi thường”.
Theo ông Đặng Hữu Hạng, cho dù gia đình ông có diện tích đất thu hồi nhưng đến nay vẫn chưa nhận được quyết định thu hồi đất của cấp có thẩm quyền trong khi đã nhận được quyết định cưỡng chế do Chủ tịch UBND huyện Hưng Hà ký.
Vẽ bản đồ đo hiện trạng: Chưa công khai, minh bạch
Đơn của 19 hộ dân nêu rõ: “Nguồn gốc đất của 19 hộ gia đình sử dụng đều từ thời các cụ, ông cha để lại từ 4 đến 5 đời nay. Năm 1991 các hộ gia đình được nhà nước đo, cấp phiếu đo đạc hiện trạng đất thổ cư (có xác nhận của chính quyền địa phương). Cũng từ đó đến nay, Nhà nước chưa cấp một giấy tờ gì có tính pháp lý để thay thế phiếu đo đạc hiện trạng đất thổ cư năm 1991. Từ năm 1991 – 2010, chính quyền địa phương nhiều lần tự đo điều chỉnh lại mốc giới đường, tuy nhiên những lần điều chỉnh này đều không thông báo, đền bù cho dân phần diện tích đất lấy ra”.
Giấy xác nhận làm chứng của ông Nghiêm Đình Khôi – Khu trưởng khu Đồng Tu 1 và ông Đặng Hữu Lẫm – Nguyên Bí thư chi bộ Đồng Tu 1 gửi các cấp có liên quan vào ngày 8/5/2018 cũng cho biết: “Năm 2010, ông Nghiêm Đình Khôi dẫn đường cùng Ban địa chính đo bản đồ đến từng hộ trong khu nhận mốc giới giữa các hộ để cắm tiêu đo đạc hiện trạng thổ đất của các gia đình. Đối với các hộ hai ven đường 39A đất phía giáp mép đường nhựa chỉ cắm tiêu ranh giới đến phần có xây dựng cơ bản như nhà, vườn, các công trình phụ…Phần đất còn lại ra sát mép đường 39 không cắm tiêu đo vào hiện trạng đất thổ cư”.
Theo ông Nghiêm Đình Khôi, khoảng đất từ mép đường nhựa vào 12m không có đường phân tuyến thể hiện trên thực tế. “Chỉ sau khi vẽ hiện trạng trên bản đồ mới vẽ thể hiện đường phân tuyến 12m. Việc vẽ trên bản đồ chúng tôi không được biết” – ông Nghiêm Đình Khôi nhấn mạnh.
Điều đáng nói, theo ông Khôi, trong khi lấy chữ ký mốc giới giữa các hộ, các hộ có hỏi phần đất lưu không sao không được vẽ vào hiện trạng thì được bên đo đạc cho biết phần này vẽ trên sự thống nhất chỉ đạo của cấp trên; các hộ cứ ký giấy nhận mốc giữa các hộ khi nhà nước làm đường có kế hoạch đền bù sau.
“Trước khi vẽ bản đồ đo hiện trạng và sau khi vẽ bản đồ, nhân dân không được họp phổ biến cụ thể, không được công khai xem lại hiện trạng thổ đất của mình trên bản đồ. Năm 2010, các hộ dân chưa có quyết định thu hồi đất và các loại giấy tờ giải quyết khác của UBND các cấp” – ông Khôi khẳng định.
UBND huyện Hưng Hà “phớt lờ” báo chí
Để có thông tin khách quan về những phản ánh của người dân, PV Báo Tài nguyên và Môi trường đã nhiều lần về trụ sở UBND thị trấn Hưng Hà và UBND huyện Hưng Hà hẹn lịch làm việc với lãnh đạo 2 cơ quan này. Sau gần một tháng đặt giấy giới thiệu của tòa soạn và liên hệ nhiều lần, PV mới được làm việc với 2 cơ quan này. Khi liên hệ với PV, ông Trần Quang Sỹ - Chánh Văn phòng UBND huyện Hưng Hà cho biết PV sẽ được làm việc trực tiếp với Chủ tịch UBND huyện - ông Nguyễn Thanh Tuyền, thế nhưng, tại buổi làm việc, tiếp PV là đại diện các phòng ban chuyên môn. Phải chăng có điều gì uẩn khúc trong công tác thu hồi, đền bù GPMB thực hiện Dự án khiến vị Chủ tịch UBND huyện Hưng Hà nhiều lần “né” báo chí?
Bà Trần Thị Hải – Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hưng Hà khẳng định: Thực hiện Dự án, UBND tỉnh Thái Bình đã giao UBND huyện Hưng Hà GPMB, triển khai từ năm 2014. Đến nay công tác GPMB cơ bản đã xong. Các quy trình, thủ tục thực hiện theo quy định của pháp luật và Quyết định số 08/2014/QĐ-UBND của UBND tỉnh Thái Bình ngày 30/6/2014 về việc ban hành Quy định một số chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Thái Bình.
Tuy nhiên, khi PV đề nghị bà Hải cung cấp những văn bản, hồ sơ mà UBND huyện Hưng Hà đã gửi đến UBND tỉnh Thái Bình để thẩm định quy trình, thủ tục cũng như các căn cứ đảm bảo thực hiện công tác GPMB, bà Hải không thể cung cấp. Từ quyết định thu hồi đất, quyết định cưỡng chế, các văn bản trả lời đơn của dân liên quan đến Dự án,… PV đều không nhận được từ bà Hải. Liệu rằng UBND huyện Hưng Hà có thực sự đủ điều kiện thực hiện công tác GPMB theo các văn bản đất đai như lời bà Hải khẳng định?
Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.