Huy động tổng lực thực hiện thắng lợi Chiến dịch vắc-xin

Phương Anh| 10/06/2021 10:06

(TN&MT) - Chính phủ kêu gọi các tổ chức, cơ quan, đơn vị, cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể nhân dân chung sức, đồng lòng huy động tổng hợp mọi nguồn lực phục vụ công cuộc phòng, chống dịch; thúc đẩy năng lực xét nghiệm sử dụng công nghệ cao; đặc biệt thực hiện thắng lợi Chiến lược vắc-xin, góp phần sớm chiến thắng đại dịch Covid-19.

Bổ sung nguồn lực phòng, chống dịch

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2021. Theo đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, đặc biệt là các lực lượng tuyến đầu chống dịch, các địa phương nêu cao tinh thần “chống dịch như chống giặc”; kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa phòng ngừa và tấn công, tấn công là chủ động, là đột phá; phòng ngừa là cơ bản, chiến lược, thường xuyên, lâu dài, quyết định; tổng tiến công toàn diện, toàn lực, thần tốc, mạnh mẽ và hiệu quả hơn nữa ở những nơi có ổ dịch với quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn, lấy mục tiêu bảo vệ sức khỏe, tính mạng, cuộc sống của người dân là chủ thể, là trung tâm và sự ổn định phát triển của doanh nghiệp lúc này là quan trọng.

Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2021

Theo Nghị quyết, Chính phủ thống nhất với đề nghị của Bộ Tài chính tại Văn bản số 103/TTr-BTC ngày 2/6/2021 về: Cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước còn lại của các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021 để bổ sung nguồn phòng, chống dịch Covid-19, tăng đầu tư phát triển và nhiệm vụ an ninh, quốc phòng cần thiết; Bộ Tài chính có báo cáo cụ thể Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/6/2021.

Báo cáo Quốc hội cho phép thu hồi các khoản kinh phí thường xuyên đã giao cho các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương nhưng đến ngày 30/6/2021 chưa phân bổ hoặc đã phân bổ nhưng chưa triển khai thực hiện (chưa phê duyệt dự toán, chưa tổ chức đấu thầu); thu hồi các khoản kinh phí thường xuyên chưa thực sự cần thiết để bổ sung nguồn dự phòng của ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương chi cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 và đặc biệt là phục vụ Chiến lược vắc-xin...

Sử dụng công nghệ xét nghiệm Covid-19

Đây là một trong những nội dung vừa được đưa ra bàn thảo tại cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo để thảo luận về công tác phòng, chống dịch; nâng cao năng lực xét nghiệm; hoàn thiện quy trình, hệ thống công nghệ quản lý người nhập cảnh, trong đó có đối tượng đã tiêm vắc-xin phòng Covid-19.

Tiêm vắc-xin là giải pháp căn cơ, lâu dài mang tính quyết định và chiến lược phòng, chống dịch Covid-19

Bộ Y tế cho biết, tính từ ngày 27/4 đến nay (ngày bùng phát đợt dịch thứ 4), cả nước đã ghi nhận tổng cộng 6.165 ca mắc Covid-19; trong đó, số ca trong nước là 5.875 ca; số ca nhập cảnh là 300; số ca đang điều trị 5.294; số ca tử vong là 18. Trong đó, 5 địa phương ghi nhận số ca mắc cao là: TP.HCM, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Đà Nẵng. Các trường hợp mắc mới hầu hết là các trường hợp tiếp xúc gần (F1) đã được cách ly từ trước hoặc trong khu vực đã phong tỏa.

Các thành viên Thường trực Ban Chỉ đạo nhấn mạnh, từ thực tiễn tình hình dịch bệnh tại Bắc Ninh và Bắc Giang, một trong những vấn đề đáng lo nhất hiện nay là dịch bệnh xuất hiện trong các khu công nghiệp nhưng không được phát hiện nhanh. Qua báo cáo của các đơn vị về năng lực xét nghiệm, các ý kiến thống nhất cần tích cực chuẩn bị các giải pháp từ sớm để trong tình huống dịch xảy ra ở nhiều nơi, đặc biệt, tại các khu công nghiệp cần tổ chức xét nghiệm ngay từ những ngày đầu.

Bộ Y tế phải khẩn trương đôn đốc, hướng dẫn các địa phương tập huấn cho công nhân, người dân tự lấy mẫu xét nghiệm để đề phòng trường hợp xấu, cần lấy số lượng mẫu xét nghiệm rất lớn.

Thường trực Ban Chỉ đạo yêu cầu Bộ Y tế thúc đẩy thí điểm sử dụng công nghệ, sinh phẩm xét nghiệm Covid-19 qua nước bọt; tiếp cận công nghệ, phương pháp sàng lọc kết hợp xét nghiệm sinh học, quang học và trí tuệ nhân tạo (AI) - hai phương pháp xét nghiệm này đã được thực hiện tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, bước đầu cho kết quả khả quan. Việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 ở trong nước cũng như nhiều quốc gia khác chưa thể có miễn dịch cộng đồng sớm. Do vậy, vẫn phải luôn sẵn sàng, không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, thực hiện nghiêm thông điệp 5K.

Thường trực Ban Chỉ đạo giao Bộ Y tế khẩn trương đúc rút kinh nghiệm phòng, chống dịch trong khu công nghiệp tại Bắc Ninh, Bắc Giang, phổ biến ngay cho các địa phương, nhất là những địa bàn có nhiều khu công nghiệp để có các bước chuẩn bị, không để bị động.

Tính đến 17h ngày 8/6/2021, Quỹ vắc-xin phòng, chống Covid-19 đã nhận được 4.176 tỷ đồng (đã bao gồm cả số tiền bằng ngoại tệ quy đổi ra VNĐ). Quỹ được thành lập với sứ mệnh huy động tổng hợp nguồn lực đóng góp xã hội để chia sẻ với ngân sách Nhà nước nhằm phục vụ cho hoạt động mua, nhập khẩu vắc-xin, nghiên cứu, sản xuất vắc-xin trong nước và sử dụng vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân trên nguyên tắc tự nguyện đóng góp, đảm bảo hoạt động công khai, minh bạch và đúng quy định của pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Huy động tổng lực thực hiện thắng lợi Chiến dịch vắc-xin
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO