Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: mic.gov.vn |
Ra những quyết sách mạnh mẽ, dài hạn và căn cơ hơn
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, chúng ta đã 4 lần bùng phát dịch, lần sau to hơn lần trước, cách làm cơ bản ít thay đổi, vẫn dựa vào hệ thống chính trị và sức người là chính, tỷ lệ người phải cách ly so với số người nhiễm vào loại cao nhất thế giới. Cách này hiệu quả khi số ca nhiễm ít, bệnh dịch lây lan chậm, nếu lây lan nhanh như chủng mới, nếu hàng chục ngàn ca nhiễm thì số người phải xét nghiệm, phải cách ly sẽ lên đến hàng trăm ngàn, hàng triệu thì không khả thi.
Bắc Giang, Bắc Ninh đã nhiều ca nhiễm, lây lan nhanh, rất nên có những cách tiếp cận mới theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là chủ động hơn, chuyển từ phòng ngự sang tấn công nhiều hơn, công nghệ nhiều hơn, xét nghiệm nhanh và chủ động hơn, vắc-xin thần tốc hơn.
Bộ trưởng phân tích: Nếu coi Bắc Giang, Bắc Ninh như một cơ hội để tập trung chỉ đạo áp dụng các cách tiếp cận mới, làm cho thành công rồi mang bài học này ra toàn quốc thì rất có thể chúng ta sẽ kiểm soát được Covid-19 trong dài hạn và một cách căn cơ hơn, để không lặp lại việc mỗi lần có người nhiễm dịch lại là một lần bùng phát, lại là một lần hoang mang toàn quốc, ảnh hưởng nhiều đến đời sống người dân và phát triển kinh tế.
Hãy tận dụng lần bùng phát thứ 4 này, huy động trí tuệ và nguồn lực xã hội, ra những quyết sách mạnh mẽ và dài hạn hơn, để tìm ra cách kiểm soát tốt hơn và căn cơ hơn trong tương lai. Nếu có lần thứ 5, thứ 6 thì sẽ không vất vả, ngưng trệ đất nước như lần này. Mỗi khi xử lý một tình huống thì luôn hướng tới một câu chuyện lâu dài hơn.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng cần có những quyết sách mạnh mẽ và dài hạn hơn, để tìm ra cách kiểm soát Covid-19 tốt hơn và căn cơ hơn trong tương lai. |
Chúng ta có đủ bộ giải pháp công nghệ phòng chống Covid-19
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, đây là một trong ba mũi tấn công mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ ra là: Xét nghiệm chủ động, công nghệ bắt buộc và vắc-xin quyết định.
Theo Bộ trưởng, Việt Nam chúng ta có đủ bộ giải pháp công nghệ phòng chống Covid-19 từ khâu nhập cảnh, xét nghiệm, truy vết, cách ly đến tiêm vắc-xin. Tiêm vắc-xin thì sẽ có hộ chiếu vắc-xin điện tử để tự do đi lại. Và gần đây là giải pháp đo nồng độ CO2, dòng chảy không khí để giám sát sự thông thoáng trong nhà. Các nghiên cứu gần đây cho thấy sự kết hợp khẩu trang và thông thoáng trong phòng kín sẽ làm giảm một cách rất đáng kể sự lây lan dịch bệnh, hiệu quả của sự kết hợp này là cấp số nhân.
Ngày 29/5, Bộ Thông tin và truyền thông thành lập Trung tâm công nghệ phòng chống Covid - 19, thống nhất một đầu mối toàn quốc về công nghệ, vừa phát triển giải pháp vừa vận hành khai thác các hệ thống CNTT phòng chống Covid-19, đặt tại Cục Tin học hoá;
Bên cạnh đó, các ứng dụng công nghệ thông tin đã kết nối tập trung, đã liên thông dữ liệu - Bộ trưởng cho rằng, đây là bước phát triển quan trọng trong ứng dụng công nghệ và dữ liệu.
Dặc biệt, theo Bộ trưởng, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định giao cho Bộ Y tế và Bộ TT&TT quyết định một số công nghệ áp dụng bắt buộc phục vụ công tác phòng chống Covid-19. Đây là một bước tiến quan trọng trong việc chủ động phòng chống và phòng chống hiệu quả. Các giải pháp công nghệ này thì không chỉ cho Covid-19 mà còn có thể sử dụng lâu dài cho các đại dịch truyền nhiễm khác có thể xảy ra trong tương lai. Thông điệp 5K + vắc-xin trở thành thông điệp 5K, vắc-xin và công nghệ.
Về áp dụng công nghệ thì có 4 điều kiện tiên quyết để đảm bảo thành công. Thứ nhất, một số công nghệ chủ chốt thì phải bắt buộc, tỷ lệ người dùng phải đủ cao. Thứ hai, dữ liệu và xử lý dữ liệu phải tập trung và liên thông giữa các ứng dụng, vì càng nhiều dữ liệu, càng nhiều nguồn dữ liệu thì truy vết càng nhanh và càng chính xác, càng phát hiện sớm các nguy cơ. Thứ ba, phần mềm phải viết dưới dạng nền tảng để dễ dùng và dùng chung. Thứ tư, dữ liệu cá nhân sau một tháng lưu trữ thì xoá để người dân yên tâm tuân thủ.
Từ những phân tích trên, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã nêu 6 điều “hơn” trong phòng chống Covid hiện nay. Cụ thể:
Sớm hơn: Sớm phát hiện người nhiễm dịch bệnh thông qua xét nghiệm chủ động, xét nghiệm sàng lọc; Nhanh hơn: Truy vết nhanh hơn thông qua công nghệ, thay vì tuần thì là vài giờ; Chính xác hơn: Phát hiện chính xác những người tiếp xúc gần bằng công nghệ, có thể giảm số F1/F2 phải cách ly xuống hàng chục lần;
Triệt để hơn: Mỗi nguồn bệnh sẽ tạo ra một mạng lưới những người nhiễm bệnh. Nhiều người nhiễm bệnh không có triệu chứng và tự khỏi nên không bị phát hiện nhưng vẫn có thể lây cho người khác. Người được phát hiện nhiễm bệnh thì có thể đã là F1, F2,… Vấn đề quan trọng là khi một người trong mạng lưới những người nhiễm bệnh bị phát hiện thì phải có công cụ nhanh chóng phát hiện ra toàn bộ mạng lưới, làm được việc này tức là làm chủ được tình hình. Công nghệ tiếp xúc gần có thể giải được bài toán này;
Bình thường hơn: Với những cách như trên thì ai bị nhiễm thì đi điều trị, ai tiếp xúc gần thì cách ly, những người còn lại thì vẫn đi làm và sống cuộc sống ngày thường và chỉ phải thêm 5K. Dù dịch có lắng xuống thì công nghệ vẫn tiếp tục chạy và là người gác đêm, phòng dịch cho chúng ta. Dịch có đến thì cũng không vất vả thế này. Công nghệ dù có chút bất tiện nhưng là cách phòng dịch tốt nhất hiện nay. Muốn bình thường hơn thì mỗi người dân phải dùng công nghệ. Và thứ 6 là lâu dài hơn: Là bằng vắc-xin.
Bản đồ Covid-19, một trong những giải pháp công nghệ kiểm soát Covid-19 của Vĩnh Phúc |
Truyền thông sẽ củng cố niềm tin cho người dân
Về định hướng truyền thông thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đưa ra thông điệp: “Thay vì thông tin gây hoang mang, Bộ TT&TT sẽ hướng truyền thông nhiều hơn vào trách nhiệm của mỗi cá nhân và mỗi tổ chức, cách tốt nhất để bảo vệ cộng đồng là bảo vệ chính mình và bảo vệ chính đơn vị mình, về các giải pháp mới, cách tiếp cận mới, cách làm mới, về tinh thần chủ động tấn công, về nâng cao năng lực y tế, xét nghiệm, về đẩy nhanh mua vắc-xin, về ủng hộ cho Quĩ vắc-xin phòng chống Covid-19…”
Bộ trưởng cũng cho rằng cần truyền thông sâu rộng hơn nữa về công nghệ bắt buộc, về cách ly tại nhà, về tổ chức lại sản xuất kinh doanh, sinh hoạt an toàn, nhà kín thì phải thông thoáng hơn, về việc tuy số ca tăng nhưng chúng ra vẫn đang làm chủ tình hình, về sự nỗ lực của chính quyền, cách làm mới, các kinh nghiệm tốt của các địa phương…
Và đặc biệt, theo Bộ trưởng, cần truyền thông mạnh hơn nữa về việc đẩy mạnh thương mại điện tử để giúp đỡ bà con tiêu thụ nông sản, thúc đẩy thị trường trong nước… “Củng cố niềm tin cho người dân trong phòng chống dịch, củng cố niềm tin là thế giới sẽ khống chế được dịch vì các tâm dịch lớn nhất trên thế giới đang suy giảm và một số nước đã được kiểm soát đang trở lại bình thường” - Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng viết
Người dân sử dụng smartphone phải cài đặt Bluezone và bật Bluetooth khi ở nơi công cộng, đông người
Ngày 29/5/2021 Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số: 2666/QĐ-BYT hướng dẫn sử dụng các ứng dụng khai báo y tế và phát hiện tiếp xúc gần phục vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Theo đó, Quyết định này được áp dụng cho người dân và các địa điểm kinh doanh, làm việc, giải trí; và nơi tập trung đông người. Quyết định 2666 quy định cụ thể về địa điểm, thời điểm, đối tượng cài đặt và sử dụng ứng dụng khai báo y tế và phát hiện tiếp xúc gần.
Các ứng dụng phục vụ việc khai báo y tế và phát hiện tiếp xúc gần gồm có: ứng dụng VHD (VietNam Health Decleration) và tokhaiyte.vn, ứng dụng Bluezone và ứng dụng NCOVI.
Ứng dụng Bluezone cho phép ghi nhận các tiếp xúc gần giữa các smartphone cùng cài đặt và sử dụng Bluezone. Ứng dụng cũng cho phép người dân khai báo y tế toàn dân; ghi nhận người đến, người đi tại các địa điểm công cộng, gửi bản tin thông báo đến người dân.
Ứng dụng NCOVI cho phép người dân thực hiện khai báo y tế toàn dân, cập nhật tình hình sức khỏe hàng ngày (tự nguyện) và ghi nhận người đến, người đi tại các địa điểm công cộng.
Ứng dụng VHD và Tokhaiyte.vn cho phép khai báo y tế (bắt buộc); khai báo y tế toàn dân; cập nhật tình trạng sức khỏe hằng ngày đối với người dân trong khu vực cách ly (bắt buộc), ghi nhận người đến, người đi tại các địa điểm công cộng.
Đặc biệt, Tokhaiyte.vn là nơi cung cấp và tạo ra mã QR cho các điểm kiểm dịch, cơ quan, trụ sở làm việc, khu công nghiệp, chung cư, trường học…
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, người dân có smartphone cần cài đặt, sử dụng các ứng dụng khai báo y tế để thực hiện khai báo y tế điện tử và sinh mã QR. Khi đến nơi công cộng, tập trung đông người phải cài đặt ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần (Bluezone) và bật chế độ Bluetooth.
Người thuộc diện cách ly y tế hoặc giám sát y tế sau cách ly có smartphone phải cài đặt ứng dụng khai báo y tế VHD và ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần.
Người dân cần sử dụng mã QR được in ra hoặc đã lưu trong điện thoại để khai báo y tế và chịu trách nhiệm về các thông tin khai báo y tế của mình. Khi đến các địa điểm cần khai báo y tế, người dân có thể dùng điện thoại để quét mã QR tại điểm đó.
Trong lần đầu khai báo y tế điện tử, người dân khai tại một trong các ứng dụng khai báo y tế. Sau khi khai, người dân nhận mã QR của hệ thống tạo ra (có thể in ra, hoặc lưu trong điện thoại) phục vụ dùng khai báo y tế về sau.
Khi cần cập nhật khai báo y tế, người dân có thể khai báo/cập nhật thông tin trên web hoặc trên các ứng dụng di động. Ở những lần khai báo sau, người dân không cần khai lại các thông chung mà chỉ phải cập nhật thông tin về triệu chứng hay dịch tễ của 21 ngày gần nhất.
Bộ Y tế cũng hướng dẫn cụ thể về trách nhiệm của từng đối tượng trong việc sử dụng các ứng dụng khai báo y tế và phát hiện tiếp xúc gần phục vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại các cơ sở khám chữa bệnh, tại các cảng hàng không, trên các phương tiện giao thông công cộng cũng như tại các địa điểm khác.
Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm việc cài đặt, sử dụng ứng dụng khai báo y tế và phát hiện tiếp xúc gần, xử phạt các trường hợp có smartphone nhưng không thực hiện cài đặt, sử dụng ứng dụng theo quy định trên cơ sở tình hình dịch Covid-19 và điều kiện thực tế tại địa phương. Đồng thời, quyết định khu vực, địa điểm đang có ổ dịch Covid-19 trên cơ sở tham mưu của Sở Y tế để áp dụng nghiêm các biện pháp chống dịch phù hợp mà không áp dụng hướng dẫn.
Người đứng đầu các tổ chức, cơ sở, địa điểm, khu vực được giao quản lý trong phạm vi áp dụng hướng dẫn chịu trách nhiệm việc tổ chức triển khai, đôn đốc, nhắc nhở, thường xuyên kiểm tra và tạo điều kiện thuận lợi để mọi người thực hiện nghiêm hướng dẫn.
|