Hội thảo nhằm giúp các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp cùng trao đổi rõ hơn về các quy định, chính sách hiện có, đồng thời thảo luận kế hoạch, định hướng quản lý, thúc đẩy việc chuyển đổi phương tiện giao thông đường bộ sử dụng điện trong lĩnh vực giao thông vận tải.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn - Bộ Giao Thông vận tải cho biết, tại COP 26, Việt Nam đã cùng 147 quốc gia cam kết mạnh mẽ đưa mức phát thải ròng về “0” bằng nguồn lực trong nước cùng với hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển cả về tài chính và chuyển giao công nghệ theo các cơ chế của Thỏa thuận Paris.
Nhằm từng bước hiện thực hóa cam kết tại COP 26, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mêtan của ngành giao thông vận tải với những mục tiêu, lộ trình và nhiệm vụ cụ thể đối với từng lĩnh vực; trong đó giao thông vận tải đường bộ với việc phát triển phương tiện điện được xác định là trọng tâm hàng đầu.
Trao đổi tại Hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, cam kết mạnh mẽ tại COP26 là cơ hội để Chính phủ Việt Nam thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng các-bon thấp, là động lực thúc đẩy chuyển đổi toàn diện nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành GTVT nói riêng sang phương thức phát triển xanh, không phát thải khí nhà kính. Đây cũng sẽ là cơ hội cho ngành giao thông vận tải tiếp cận công nghệ tiên tiến, hiện đại, tiến tới ngang bằng với các nước phát triển về công nghệ xanh; đồng thời tiếp cận các nguồn lực, hỗ trợ quốc tế đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông tiên tiến, hiện đại, phát thải thấp, giúp thúc đẩy phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, giao thông vận tải là một trong những ngành sử dụng nhiên liệu hóa thạch, phát thải khí nhà kính lớn trong nền kinh tế Việt Nam, việc đặt mục tiêu phát thải ròng bằng “0” sẽ mở ra cơ hội chuyển đổi lớn nhưng cũng mang đến nhiều khó khăn và thách thức, cần sự chung tay của toàn xã hội và hỗ trợ mạnh mẽ từ quốc tế.
Để phát triển phương tiện giao thông đường bộ hướng tới chuyển đổi năng lượng xanh, hiện nay nhiều nước trên thế giới đã ứng dụng rộng rãi năng lượng điện đối với phương tiện giao thông đường bộ. Bởi, xe điện không phát thải các chất gây ô nhiễm không khí, hiệu suất sử dụng năng lượng cao, dễ tích hợp các tính năng hỗ trợ lái xe hiện đại, xe tự lái. Với lợi thế đó, thị trường xe điện thế giới đã có những bước nhảy vọt. Năm 2021 số lượng xe điện là 17 triệu xe, tăng gấp 2,5 lần so với năm 2019. Còn tại Việt Nam, theo số liệu của Cục Đăng kiểm Việt Nam, đến tháng 8 năm 2022 cả nước đã chỉ có gần 3 nghìn ô tô điện được sản xuất lắp ráp, nhập khẩu, gần 1,8 triệu mô tô - xe máy.
Vậy làm thế nào để Việt Nam chuyển đổi phương tiện giao thông đường bộ sang sử dụng điện? Bà Nguyễn Thị Phương Hiền, phó Viện trưởng Viện chiến lược và Phát triển giao thông vận tải đã đưa ra những nhiệm vụ giải pháp thực hiện bao gồm: xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông xanh, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính và đặc biệt tăng cường hợp tác quốc tế, huy động đa dạng các nguồn hỗ trợ tài chính quốc tế để từng bước nâng cao thị phần vận tải hành khách công cộng tại các đô thị.
Nhiều đại biểu cũng nêu kinh nghiệm thúc đẩy phát triển giao thông điện trên thế giới và bài học cho Việt Nam; Những điều kiện cần thiết để hình thành, thúc đẩy thị trường xe điện và đề xuất lộ trình mới cho xe điện tại Việt Nam...
Các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các Hiệp hội, doanh nghiệp đã được Thứ trưởng Lê Anh Tuấn đánh giá cao. Đồng thời khẳng định, những ý kiến này sẽ góp phần định hướng thực hiện việc phát triển phương tiện giao thông đường bộ sử dụng điện, hướng tới mục tiêu bảo vệ môi trường, an toàn và thuận lợi nhất cho người tham gia giao thông.