Hướng tới đô thị xanh: Xa ngút ngàn

21/01/2014 00:00

(TN&MT) - Để thành phố xanh, để là đô thị xanh cần phải mất một thời gian dài .

   
(TN&MT) - Một tòa nhà, một khu đô thị có thể xây dựng trong một vài năm hay… một nhiệm kỳ. Nhưng để thành phố xanh, để là đô thị xanh cần phải mất một thời gian dài hơn thế nhiều.
   
Hướng đến cuộc sống xanh
   
  Trong một thời gian dài phát triển công nghiệp như vũ bão, nhiều nước phương Tây đã phải trả giá đắt cho sự thái quá của mình: Môi trường sống bị tàn phá do công nghiệp hóa, đô thị hóa. Nhưng thật may, họ đã kịp thời tỉnh ngộ, hướng đến một cuộc sống bền vững hơn, gắn bó, hài hòa với thiên nhiên hơn. Các công trình xây dựng xanh, đô thị xanh xuất hiện ngày một nhiều. Công nghệ mới tiết kiệm năng lượng theo đó được đầu tư nghiên cứu và sản xuất. Nhiều nước, các dạng năng lượng bền vững, tái tạo và bảo vệ môi trường được chú trọng đặc biệt như năng lượng mặt trời, năng lượng gió, sóng biển, năng lượng tái sinh từ rác thải…
   
  Trong công cuộc phát triển ấy, rất nhiều nước đi sau cũng “tự rút ra bài học” để tránh những hệ lụy. Thế nhưng, với Việt Nam, trong khi chúng ta chưa định hình, xây dựng một nền công nghiệp hiện đại cho rõ hình hài thì các quốc gia khác đã nhanh chóng rẽ lối đi khác theo hướng bền vững, hài hòa hơn.
   
  Một trong những hướng đi được nhiều nước lựa chọn là xây dựng các thành phố sinh thái. Chẳng hạn, Kawasaki, (Nhật Bản) vốn là một thành phố công nghiệp. Trước khi Chính phủ Nhật Bản đầu tư vào phục hồi thành phố này, nơi đây đã phải vật lộn với tình trạng thiếu không gian, chất thải công nghiệp không được quản lý và ô nhiễm quá mức. Dựa trên nguyên lý "không chất thải", thành phố nhắm mục đích tái chế chất thải trong một ngành công nghiệp hoặc trong các hộ gia đình và tái sử dụng nó trong một lĩnh vực khác như chế tạo vật liệu. Và nay, nơi đây đã là một trong những thành phố sinh thái phát triển.
   
  Nhìn sang người láng giềng của chúng ta. Bài học lớn mà Trung Quốc đã từng gánh chịu là sự phát triển thái quá trong các đô thị lớn, năm 2006, họ đã nhận ra sai lầm đó, nhưng thủ đô Bắc Kinh bây giờ ban ngày cũng không thể nhìn thấy ánh mặt trời do ô nhiễm quá nặng bởi khói công nghiệp. Thành phố Thâm Quyến môi trường cũng bị suy giảm khủng khiếp.
   
Gian nan công trình xanh
   
  Bây giờ, xu hướng thiết kế xanh, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường trong bối cảnh các cao ốc mọc lên ngày càng nhiều tại các khu đô thị hiện nay đang được giới nghiên cứu và cả các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm. Họ xem đây như một yếu tố cốt lõi để cạnh tranh. Các chuyên gia cho rằng, chi phí nguyên vật liệu tăng, yêu cầu bảo vệ môi trường và nhu cầu thị trường là những động lực thúc đẩy giới chủ đầu tư tìm kiếm các thiết kế xanh, tiết kiệm môi trường cho các tòa cao ốc của mình. Tuy nhiên, họ cũng chỉ ra rằng, dù đã có nhiều nỗ lực, nhưng nhận thức về vấn đề này trong cộng đồng chưa cao, bên cạnh việc thiếu tính liên kết từ khâu thiết kế đến khâu hoàn thiện cuối cùng của dự án là trở ngại lớn hiện nay.
   
  Thực tế cho thấy, công trình có thiết kế xanh, tiết kiệm năng lượng đem lại lợi ích rất lớn nhưng chi phí đầu tư ban đầu rất cao, nhất là những công trình đã hoàn thành và nay muốn nâng cấp để tiết kiệm năng lượng hơn. Bởi vậy, nhiều chuyên gia nhấn mạnh rằng, đây là một quá trình dài hơi, chứ không phải là tầm nhìn chỉ trong một hoặc hai năm. Điều quan trọng là, Chính phủ cũng cần có chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia chương trình thiết kế xanh và tiết kiệm năng lượng.
   
Người dân đô thị không thể có được môi trường sống tốt nếu vẫn cứ  xúm xít trong những khu rừng bê tông. Ảnh: Nguyễn Xuân Thanh Sơn
    
   
Phía trước còn xa
   
  Thực ra, sống xanh đơn giản là vì con người và vì hệ sinh thái. Đó là cuộc sống mà mọi nhu cầu được đáp ứng hôm nay trên cơ sở không làm ảnh hưởng đến khả năng sử dụng tài nguyên của thế hệ tương lai. Và ở thời điểm này, chúng ta cũng mới chỉ bắt đầu, mới chớm vào vạch xuất phát để tạo lập một cuộc sống xanh. Thế nên, hướng đi, lựa chọn của chúng ta cần tỉnh táo, cân nhắc những hạn chế, tận dụng những lợi thế để phát triển. Chúng ta không thể ào ạt lấy đất nông nghiệp làm khu đô thị, chia rừng, chia mặt biển làm khu nghỉ dưỡng, làm resort; dùng tiền ngân sách ào ạt nhập công nghệ mới trên giấy mà thực chất lại là những công nghệ cũ, lạc hậu, biến đất nước thành một “bãi rác công nghệ” cho cả thế giới. Chúng ta không thể sống xanh khi những lựa chọn, quyết định chỉ nhăm nhe cho lợi ích cá nhân hay một vài nhóm lợi ích nào khác! Bài học về những khu đô thị với nhà cao tầng san sát lơ thơ mảng xanh, những bãi biển bị khoanh vùng chia lô… còn đó.
   
  Mong mỏi một cuộc sống xanh là điều mà tất cả đều hướng tới. Nhưng cũng cần xem khả năng, năng lực của chúng ta như thế nào để tìm cho mình một lối đi thích hợp trong xu hướng mới của thời cuộc. Tất cả đều không dễ, nó phụ thuộc vào tầm nhìn xanh, tư duy xanh, hành động xanh. Có chuyên gia đã khuyến cáo rằng, nếu công bố GDP, trừ đi chi phí môi trường, chúng ta chỉ có âm, chứ không thể có dương. Liệu, Chính phủ có nhìn thấy điều đó không?
   
  Những con đường trên cao, những đô thị bề thế, nói không quá lời, sẽ chẳng thể là nơi sống tốt nếu thiếu đi những khoảng không gian xanh. Người dân đô thị không thể có được môi trường sống tốt nếu vẫn cứ xúm xít trong những khu rừng bê tông, bị bao quanh bởi taxi, giao thông, và hàng triệu người lạ.
   
  Trở lực trên con đường hướng tới cuộc sống xanh là không nhỏ. Nhưng trong công cuộc hướng đến một cuộc sống đích thực vì con người, vì thiên nhiên ấy, chúng ta có một lợi thế rõ ràng, đó là văn hóa, là triết lý sống hài hòa với thiên nhiên đã sâu rễ tâm tâm thức, trong truyền thống. Chỉ có điều, làm sao chúng ta gắn kết hành động thành một mối, thành động lực để hướng tới một cuộc sống xanh.
   
  Dù nhìn thấy điều đó, nhưng với Việt Nam, có lẽ con đường xây dụng các thành phố sinh thái sẽ còn không ít chông gai.
   
Ngọc Lý
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hướng tới đô thị xanh: Xa ngút ngàn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO