Môi trường

Hướng đến Thành phố Môi trường

Anh Dũng 14/03/2024 - 09:20

(TN&MT) - Quy hoạch TP. Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu xây dựng Đà Nẵng thành đô thị sinh thái, hiện đại và thông minh. Với kết quả đạt được trong công tác bảo vệ môi trường (BVMT), Đà Nẵng đang triển khai nhiều chương trình hành động và các hoạt động, dự án, hướng tới xây dựng Đà Nẵng trở thành Thành phố Môi trường.

Đà Nẵng - Thành phố Môi trường

Mục tiêu xây dựng “Đà Nẵng - Thành phố Môi trường” đã trở thành nội dung được Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đặc biệt quan tâm, chỉ đạo với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương, tổ chức, cá nhân. Tháng 4/2021, thành phố tiếp tục đặt mục tiêu “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố Môi trường giai đoạn 2021 - 2030” nhằm đáp ứng với định hướng đô thị sinh thái theo Nghị quyết 43-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Ban Chấp hành Trung ương. Việc triển khai thực hiện Đề án giai đoạn này có mục tiêu, các tiêu chí hết sức rõ ràng, mang tính hệ thống, đảm bảo huy động các nguồn lực và lộ trình thực hiện.

Đà Nẵng hiện có 6 khu công nghiệp, 1 Khu công nghệ cao đã đi vào hoạt động; đang đầu tư khu công nghiệp hỗ trợ Khu công nghệ cao Đà Nẵng và 3 khu công nghiệp mới. Theo đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố Môi trường” giai đoạn 2021-2030, Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2025 có ít nhất 1 khu công nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn khu công nghiệp sinh thái theo tiêu chuẩn quốc gia; đến năm 2030 có 2 - 3 khu công nghiệp sinh thái. Đây là mục tiêu được đề ra trong Chương trình Quản lý ô nhiễm công nghiệp TP. Đà Nẵng đến năm 2030 được UBND thành phố phê duyệt tại Quyết định số 300/QĐ-UBND ngày 6/2/2204.

Hằng năm, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án; trong giai đoạn 2021 - 2023, TP. Đà Nẵng đã và đang tích cực triển khai thực hiện hiệu quả công tác BVMT bằng các hành động hết sức cụ thể như: Tăng cường công tác kiểm soát ô nhiễm từ các nguồn thải, đầu tư cải thiện chất lượng môi trường; quản lý chất thải, phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại nguồn, giảm thiểu rác thải nhựa, bảo tồn đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu... Đồng thời, thành phố cũng chủ động hợp tác, thu hút các nguồn lực đầu tư và hỗ trợ kỹ thuật nhằm tăng cường năng lực quản lý nhà nước của ngành, các địa phương.

Về công tác tổ chức thực hiện, hơn 70 nhiệm vụ được triển khai Đề án trong năm 2023, tương ứng với 4 nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Các sở, ban, ngành, địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện và báo cáo kết quả. Ngoài nguồn ngân sách của thành phố, trong giai đoạn 2020 - 2024, thành phố đã huy động sự hỗ trợ kỹ thuật môi trường với các cơ quan hợp tác quốc tế và các đối tác như: Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Cơ quan Phát triển Quốc tế Đan Mạch (DANIDA), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)… Nội dung tập trung vào các giải pháp quản lý chất thải rắn, giảm thiểu chất thải nhựa…

Hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức về BVMT được triển khai rộng rãi, nhận được sự quan tâm của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, một số sở, ngành, doanh nghiệp, người dân thành phố... Qua đó, đã hình thành rất nhiều phong trào, mô hình, hoạt động với sự tham gia tích cực của cộng đồng dân cư, người dân về BVMT, bước đầu tạo sức lan tỏa nhanh và đạt hiệu quả nhất định.

Nhiều giải pháp nâng cao chất lượng bảo vệ môi trường

Để Luật Bảo vệ môi trường 2020 hiệu quả, đi vào cuộc sống, thành phố đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, tập huấn. Nhiều cơ quan và người dân tích cực tham gia phong trào “Ngày Chủ nhật Xanh - Sạch - Đẹp”; trồng và chăm sóc cây xanh; kiểm tra và khắc phục khí thải xe máy để bảo đảm sử dụng xe máy đạt chuẩn về nồng độ khí thải; làm sạch bãi biển; phân loại rác tại nguồn; chống rác thải nhựa, hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần...

h3(1).jpg
Đà Nẵng đang đi đúng hướng trên lộ trình trở thành Thành phố Môi trường, hướng đến đô thị sinh thái

Đà Nẵng vinh dự là 1 trong 5 địa phương được Bộ TN&MT đánh giá, công nhận về công tác BVMT ở mức tốt năm 2020 và đứng đầu cả nước trong năm 2021; trong 2 năm (2021, 2023) là thành phố đạt Giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam trong lĩnh vực “Thành phố môi trường thông minh Xanh - Sạch”. Qua đó khẳng định, Đà Nẵng đang đi đúng hướng trên lộ trình trở thành Thành phố Môi trường, hướng đến đô thị sinh thái.

Năm 2023, Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các Khu công nghiệp Đà Nẵng phối hợp với Viện Tiêu chuẩn Anh tại Việt Nam tổ chức Chương trình tập huấn Triển khai Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tại các khu công nghiệp cùng một số đơn vị tư vấn môi trường trên địa bàn thành phố.

Bên cạnh đó, thành phố đã xây dựng Kế hoạch và triển khai thực hiện Chương trình quan trắc chất lượng môi trường TP. Đà Nẵng năm 2023 theo tiến độ, vận hành đảm bảo mạng lưới quan trắc không khí.

Tiếp tục công tác giám sát, vận hành các trạm quan trắc môi trường tự động; thực hiện nhiệm vụ đại diện chủ đầu tư giám sát quá trình triển khai dự án “Xây dựng và lắp đặt 2 hệ thống quan trắc môi trường nước tự động, liên tục trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn”. Tiếp tục phối hợp Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và phát triển đô thị theo dõi quá trình vận hành thử nghiệm, chuẩn bị các điều kiện để tiếp nhận, vận hành, quản lý 8 trạm quan trắc môi trường tự động.

Năm 2023, thực hiện Kế hoạch phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn thành phố đến năm 2025, Sở TN&MT đã có các văn bản triển khai rà soát, đánh giá kết quả công tác phân bổ, quản lý, thực hiện phân loại CTRSH. Theo thống kê đến hết tháng 9/2023, toàn thành phố đã tổ chức hơn 122 lễ phát động, 95 hội thi, 466 buổi tập huấn với hơn 71.924 lượt người tham gia; 27.427 ấn phẩm tuyên truyền, 676 phóng sự, tin bài; hơn 180.265kg rác tái chế các loại; tổng số tiền thu được hơn 1,9 tỷ đồng (số liệu cập nhật từ các quận, huyện, chưa kể các cơ quan, đơn vị khác), 93,45% số hộ gia đình thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn/tổng số hộ gia đình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hướng đến Thành phố Môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO