Hưng Yên: Xót xa dự án di dân tái định cư vùng nguy cơ sạt lở bị bỏ hoang nhiều năm

27/08/2018 17:08

(TN&MT) – Dự án Di dân, tái định cư vùng nguy cơ sạt lở (Dự án) xã Tân Hưng (huyện Tiên Lữ, nay thuộc TP Hưng Yên) với quy mô 57.450m2 phục vụ bố trí cho 122 hộ, với tổng mức đầu tư được phê duyệt là hơn 20 tỷ đồng. Công trình được hoàn thành và bàn giao cho chính quyền địa phương từ đầu năm 2013. Kể từ đó đến nay, dự án vẫn chỉ “trùm mền” nên gây lãng phí rất lớn cho nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước, khiến dư luận bức xúc, xót xa.

unnamed
dự án mang đầy tính nhân văn (xã Tân Hưng – TP Hưng Yên), đầu tư hoàn chỉnh nhưng bỏ hoang nhiều năm gây lãng phí nguồn vốn từ ngân sách, tạo bức xúc, bất bình trong nhân dân.

Dự án được UBND tỉnh Hưng Yên phê duyệt ngày 28/10/2005, nhằm mục đích bảo đảm tính mạng, tài sản của các hộ dân trong vùng có nguy cơ sạt lở thuộc thôn Lê Lợi, Quyết Thắng và một phần của thôn Tiền Phong (xã Tân Hưng). Dự án do Chi cục Phát triển nông thôn (thuộc Sở NN&PTNT Hưng Yên) làm chủ đầu tư và được xây dựng tại hai khu, khu 1 tại thôn Viên Tiêu, khu 2 ở thôn Tiền Phong, với tổng diện tích hơn 57.400m2, bố trí chỗ ở cho 122 hộ dân, bao gồm diện tích đất ở, đất xây dựng giao thông, đất trồng cây xanh, đất xây dựng các công trình công cộng.

unnamed (1)
Sau nhiều năm nằm phơi sương gió, chưa một hộ dân nào được hưởng lợi từ dự án có tổng vốn đầu tư hơn 20 tỷ đồng này, ngoài một đơn vị thi công cầu Hưng Hà được ngành chức năng cho “ở nhờ”

Khu tái định cư số 1 được thiết kế gồm các hạng mục: Tuyến trục chính dài 800m, mặt đường rộng 5 m, nền đường bằng cát đen rộng 7 m, kết cấu bê tông xi măng, xây dựng tuyến kênh thoát nước dọc hai bên đường trục chính, tuyến đường giao thông nội khu dài 2.000m, mặt rộng 3m, nền đường bằng cát đen rộng 5m, kết cấu bê tông xi măng, xây dựng tuyến kênh thoát nước dọc theo hai bên đường. Khu tái định cư số 2, tuyến trục chính dài 300m, mặt đường rộng 5m, nền đường bằng cát đen, kết cấu bê tông xi măng, xây dựng tuyến kênh thoát nước dọc hai bên đường trục chính, tuyến đường giao thông nội khu dài 1.000m, mặt rộng 3m, nền đường bằng cát đen, kết cấu bê tông xi măng, xây dựng tuyến kênh thoát nước dọc hai bên đường. Với tổng mức đầu tư (sau nhiều lần điều chỉnh, bổ sung) lên tới 20 tỷ 372 triệu đồng. Dù được phê duyệt từ tháng 10/2005, nhưng do chậm được cấp vốn nên dự án đã bị chậm tiến độ nhiều lần, đến tháng 6/2012 công trình mới hoàn thiện và đến tháng 1/2013 thì bàn giao cho chính quyền địa phương. Nhưng cũng từ đó, dự án bị bỏ hoang hoàn toàn, mặc cho cỏ dại mọc um tùm, các hạng mục công trình bị nắng mưa tàn phá, xuống cấp đến xót xa.

DSC00967
Quyết định số 2287/QĐ-UBND về việc phê duyệt dự án quy hoạch bố trí ổn định dân cư ứng phó với biến đổi khí hậu vùng thường xuyên bị ngập lụt tỉnh Hưng Yên, giai đoạn 2010 – 2015, định hướng đến năm 2020   

Theo ghi nhận thực tế của Pv Báo TN&MT, tại khu 1 (thôn Viên Tiêu) sau một thời gian bị “bỏ quên”, hiện ngành chức năng đang cho Ban chỉ huy công trường thi công cầu Hưng Hà gần đó mượn để xây nhà điều hành cho cán bộ, chuyên gia ở tạm. Còn tại khu 2 (thôn Tiền Phong) thì cỏ dại đua nhau mọc, nước mưa ngập lênh láng do mương thoát nước nằm ven các  tuyến đường chính bị vùi lấp, lâu ngày không được quan tâm khơi thông nên không còn tác dụng tiêu thoát nước. Toàn bộ cột đèn chiếu sáng đã bị hoen gỉ và gẫy rụng, không còn khả năng chiếu sáng. Đến thời điểm hiện tại, mặc dù công trình được đầu tư, xây dựng khá công phu, đầy đủ nhưng chưa đưa được bất kỳ hộ dân nào vào sinh sống. Điều đó cho thấy những bất cập trong quản lý và những yếu kém trong việc xử lý của các ngành chức năng, dẫn tới hậu quả là sự lãng phí nguồn vốn từ ngân sách.  

 Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Hoàng Văn Nghệ - Bí thư Đảng ủy xã Tân Hưng cho biết: Dự án này còn nhiều bất cập chưa được giải quyết nên dẫn đến việc, mặc dù nhu cầu cấp thiết của người dân rất cao, muốn dời vùng sạt lở ven sông để vào vùng tái định cư cho an toàn, ổn định sinh sống làm ăn nhưng đến thời điểm hiện tại, chúng tôi vẫn chưa đưa được một trường hợp nào vào khu vực của dự án. Theo ông Bí thư thì trong khu vực dự án chưa có nước sạch sinh hoạt, trong khi đó lại không được khoan giếng lấy nước ngầm vì khu vực này nằm ngay sát chân đê. Một yếu tố nữa dẫn đến việc dự án bị “trùm mền” là do nhu cầu của người dân quá cao, trong khi số lượng của dự án có hạn (khoảng 122 suất). Địa phương đang có báo cáo gửi cấp có thẩm quyền để xin hướng dẫn xử lý, xây dựng bảng tiêu chuẩn  để lựa chọn những hộ dân xứng đáng nhất, phù hợp nhất nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích, không làm mất đoàn kết, trật tự trong thôn xóm…

Có thể thấy, để giải quyết những bất cập tại dự án này không phải là điều quá khó, quá lớn lao, vấn đề là các ngành chức năng địa phương chưa kiên quyết, thiếu sự tập trung, sáng tạo trong chỉ đạo điều hành, tỏ ra lúng túng trong suốt một thời gian dài. Điều đó đã khiến một dự án quan trọng, mang đầy tính nhân văn đang hàng ngày nằm phơi mưa nắng, bỏ hoang hóa, gây lãng phí rất lớn mà chưa biết đến bao giờ mới đưa vào khai thác, sử dụng. Trong khi đó thì hàng trăm hộ gia đình nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở ven sông vẫn hàng ngày phải đối mặt với hiểm nguy, với mối đe dọa từ con nước dữ trong mùa mưa bão.

Thiết nghĩ các ngành chức năng tỉnh Hưng Yên cần có ngay những giải pháp hữu hiệu nhằm chấm dứt tình trạng lãng phí tài nguyên đất, đồng thời không để nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước bị thất thoát thêm nữa, nhanh chóng ổn định dân cư, đảm bảo tính hiệu quả cho một dự án mang đầy tính nhân văn.   

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hưng Yên: Xót xa dự án di dân tái định cư vùng nguy cơ sạt lở bị bỏ hoang nhiều năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO