Tiếng dân

Hưng Nguyên - Nghệ An: Xuyên đêm “trẩy hội”... hút cát !

Đình Tiệp 27/07/2023 08:06

“Đêm nào cũng thế, nhất là khoảng thời gian từ khoảng 1-3h sáng thì tàu hút cát trái phép nhiều vô kể, như trẩy hội vậy. Họ xuyên đêm khai thác làm náo loạn cả khúc sông Lam khiến cho tài nguyên quốc gia bị “chảy máu”. Nếu không được ngăn chặn kịp thời thì e rằng sẽ để lại nhiều hệ lụy...” – Ông T, người dân xã Xuân Lam nói với phóng viên như một lời thịnh cầu.

Những chuyến tàu “không số”

Số điện thoài lạ reo lên vào một đêm muộn cuối tháng 7. Tôi chần chừ một lúc rồi bốc điện thoại lên nghe thì đầu dây bên kia là giọng của một người đàn ông lạ hoắc nói “Nhờ nhà báo lên sông Lam ngay bây giờ xem những chiếc tàu đang hút cát trái phép trên sông Lam. Nhiều lắm...!”.

Dù là nửa đêm nhưng nhận thức được tính nghiêm trọng của sự việc, tôi lập tức lên đường tìm hiểu thực hư.

Từ TP Vinh, tôi tức tốc lên xã Xuân Lam, huyện Hưng Nguyên (tỉnh Nghệ An). Chỉ mất 30 phút, đồng hồ chỉ 1h sáng ngày 25/7/2023 tôi đã đến được điểm hẹn với người đàn ông lạ mặt tên H. Ông H giới thiệu với tôi ông là người dân xã Hưng Xuân (cũ), nay là xã Xuân Lam, huyện Hưng Nguyên. Ông là người có thâm niên gắn bó với nghề sông nước hàng chục năm nay nhưng hiện do tuổi đã nhiều nên ông “nghỉ hưu” từ vài năm trước đây.

4.jpg
Có thời điểm khoảng 1-3h sáng, hàng loạt tàu hút cát trái phép "xếp hàng" dọc con sông Lam đoạn qua xã Xuân Lam, huyện Hưng Nguyên.

Không giới thiệu nhiều, bằng chiếc đèn pin lập lòe, ông hướng dẫn tôi để xe dưới mép đê Tả Lam để tránh sự nhòm ngó của “chim lợn” rồi dẫn tôi theo một con đường đất ra bờ sông Lam để tiếp cận khu vực các tàu cát đang khai thác.

Tiếng thình thịch của động cơ các tàu hút cát to dần, trong màn đêm mờ ảo là 2 chiếc tàu hút cát đã tắt hết đèn điện đang thò vòi xuống sông để khai thác. Nước dưới sông được hút lên cùng với cát phun từng mảng lớn ầm ầm trên khúc sông Lam đoạn qua xã Xuân Lam. Thi thoảng, một chiếc đèn pin công suất lớn trên tàu hút cát lại soi một vòng về phía hai bờ sông để kiểm tra đề phòng người lạ cũng như sự hiển diện của lực lượng chức năng. Để tránh sự phát hiện của những chiếc tàu này, ông H vội kéo tôi nấp nhanh vào một bụi cây khi thấy ánh đèn rọi về phía bờ sông mà chúng tôi đang đứng.

Hai chiếc tàu nói trên hút khoảng hơn một giờ đồng hồ thì lượng cát trên tàu cũng sắp đầy. Từ phía hạ nguồn lấp lóe ánh đèn từ từ tiến lên phía trên. Chúng tôi không khó để nhận ra có ba chiếc tàu khác cũng lừ lừ tiến đến khúc sông để khai thác cát. Chỉ đứng tại khúc sông đoạn qua xóm 6, xã Xuân Lam chừng 2 giờ đồng hồ nhưng chúng tôi đã chứng kiến đến 4 tàu hút cát đang “rút ruột” sông Lam.

“Khoảng 10h đêm có 2 chiếc hút đầy họ đã về “trả hàng” dưới khu vực Bến Thủy rồi. Tính cả 4 chiếc này nữa là đêm nay có 6 chiếc khai thác trái phép ở khu vực này” – Ông H chỉ tay về hướng các tàu đang hút cát nói.

Qua lời giới thiệu của một người quen, tôi xin được số điện thoại của một người đàn ông tên T. Ông T khoảng trên 50 tuổi và cũng là một người rất am hiểu nghề sông nước. Vì thế, mọi ngóc ngách của sông Lam đoạn qua huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn, Thanh Chương...hầu như chỗ nào ông cũng biết. Ông T cho hay, thời gian gần đây lực lượng chức năng kiểm tra tương đối chặt chẽ việc khai thác cát vào ban ngày. Vì thế, “dân 28” (hàm ý là người dân xóm 28, xã Hưng Lam (cũ) nơi có đến hàng chục chiếc tàu chuyên khai thác cát) khai thác trái phép chuyển phương thức hoạt động theo cách “ngủ ngày cày đêm”.

2.jpg
Ánh sáng lập lòe từ ánh điện của 2 tàu hút cát trái phép vào đêm 25/7.

Đúng hẹn, 0h30 ngày 26/7/2023, tôi có mặt trên đê Tả Lam, khi đó, ông T đã chuẩn bị 2 chiếc đèn pin chờ sẵn từ trước. Ông T cũng hướng dẫn tôi nép xe sát vào một bụi tre rồi dùng đèn pin điện thoại (dùng đèn pin chuyên dụng sợ bị lộ - PV) soi đường dẫn tôi ra sát mép sông Lam đoạn qua xóm 6, xã Xuân Lam. Theo ông T thì khu vực này và đoạn qua khu vực xóm 9 là nơi “cát tặc” hoạt động nhộn nhịp nhất trong mấy ngày qua.

Vừa đến bờ sông, một chiếc tàu mà theo ông T thì nếu hút đầy cát sẽ được khối lượng từ 150-170 m3 đang thình thịch hút cát. Dù đã rất bí mật nhưng sau một hồi ghi hình chúng tôi đã bị người trên tàu cát này phát hiện. Đèn pin công suất lớn liên tục chiếu về phía chúng tôi, sau đó chiếc tàu thấy có người lạ xuất hiện nên nhanh chóng rời đi về phía hạ nguồn rồi mất hút trong màn đêm tối.

“Những chiếc tàu khai thác cát trái phép này đều là những chiếc tàu “không số” thôi Nhà báo à. Vì thế, họ hoạt động ẩn hiện vào ban đêm, còn ban ngày thì họ nằm bờ...” – Ông T, cho hay.

Liên tục tái diễn, chính quyền liệu có “bất lực”?

Không phải chờ đợi quá lâu, chiếc tàu nói trên rời đi chưa đầy 30 phút thì ở phía xa xa lại có hai chiếc lớn hơn từ từ tiến gần về phía chúng tôi. Có một chiếc bật hai chiếc đèn lập lòe. Một đèn sáng xanh một đèn sáng vàng, vì thế chúng tôi nhìn khá rõ đây là hai chiếc tàu lớn. Theo như ông T thì nếu hút đầy có lẽ sẽ được khối lượng cát ngót ngét 200- 220 m3.

Vì chiếc tàu này có bật đèn nên người trên tàu còn lại nói vọng sang “tắt đèn đi tề...”. Lập tức ánh đèn vụt tắt, sau một vòng soi đèn pin vào bờ để “thám thính” thì cả hai chiếc tàu bắt đầu thả vòi rồi ầm ầm hút cát.

“Mấy ngày gần đây mỗi đêm đều có từ 5 đến 10 chiếc tàu vào khu vực này để hút cát trái phép. Nếu các tàu hút đầy thì bình quân mỗi đêm chỉ tính ở khu vực này thôi là tài nguyên quốc gia bị thất thoát hàng nghìn mét khối. Thật khủng khiếp!” – Ông T cảm thán.

3.jpg
Một trong nhiều chiếc tàu cát sau khi PV rọi đèn pin thì mới chịu rời đi.

Khoảng 2h sáng 26/7, sau khi 2 chiếc tàu nói trên hút đầy cát thì một chiếc chạy theo hướng thượng nguồn, chiếc còn lại xuôi xuống hướng Bến Thủy để trả hàng. Hai tàu vừa rời đi thì 3 chiếc tàu khác lại từ đâu xuất hiện. Cứ thế hàng loạt tàu cát vô tư “rút ruột” cát trên sông Lam trong sự tiếc nuối, bất lực từ ánh nhìn của ông T.

“Có đêm tôi không ngủ được vì tiếng động cơ ầm ĩ của các tàu hút cát nên dậy đưa đèn pin công suất lớn ra rọi. Rọi đến tàu nào là tàu đó lại rọi đèn trở lại mình để xem có phải công an hay không. Có lần rọi thì họ vẫn sợ và rời đi, nhưng cũng nhiều lần rọi mãi mà họ vẫn cố hút cho đầy tàu mới chịu rời đi nơi khác...” – ông T, thở dài.

Cũng theo ông T, việc khai thác cát trái phép vào ban đêm ẩn chứa nhiều rủi ro. Có thể kể đến như các tàu sẽ chọn nơi tùy ý miễn là có cát, kể cả gần bờ sông, bãi bồi nên sẽ gây nên tình trạng sạt lở đất. Hơn nữa, việc các tàu chủ yếu tắt đèn trong quá trình di chuyển cũng như khai thác để khỏi bị lực lượng chức năng phát hiện thì các tàu cũng có nguy cơ xảy ra va chạm gây tai nạn giao thông đường thủy...

1.jpg
Tài nguyên quốc gia đang từng đêm bị "rút ruột" nhưng cơ quan chức năng địa phương tỏ ra khá khó khăn trong phương án xử lý?

Trước thực trạng khai thác cát trái phép xảy ra trên sông Lam đoạn qua xã Xuân Lam, ông Nguyễn Văn Phận, Chủ tịch UBND xã Xuân Lam, cho hay: Tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Lam đoạn qua địa bàn xã rất phức tạp. Đây là địa bàn có giáp ranh với các xã Trung Phúc Cường (huyện Nam Đàn) và xã Đức Châu (huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh), mặt khác có khu vực mỏ cát được cấp phép khai thác của Công ty Phú Thành nữa nên nhiều khi các đối tượng lợi dụng để khai thác trái phép vào ban đêm.

“Chúng tôi đã kiến nghị với công an huyện và Phòng cảnh sát môi trường để nhờ vào cuộc xử lý nhiều lần. Và thực tế là đã bắt, xử lý hành chính cũng như hình sự khá nhiều vụ, “treo” nhiều tàu thuyền hút cát. Thế nhưng vẫn không triệt để được, tình trạng khai thác cát trái phép vào ban đêm vẫn cứ thường xuyên diễn ra...” - Ông Nguyễn Văn Phận, nêu ra khó khăn của địa phương.

Sáng ngày 26/7, PV đã liện lạc và phản ánh tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Lam cho lãnh đạo Phòng Khoáng sản – Sở TN&MT tỉnh Nghệ An. Theo đó, ông Trần Văn Toản, Trưởng phòng Khoáng sản, cho biết: “Thông tin PV cung cấp thì tôi chưa nắm được. Về trách nhiệm quản lý, nắm bắt thông tin về hoạt động khai thác khoáng sản trái phép là trách nhiệm của UBND xã, huyện và phía lực lượng công an. Tuy nhiên, nếu có hiện tượng trên thì chúng tôi sẽ chỉ đạo kiểm tra, xử lý ngay!”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hưng Nguyên - Nghệ An: Xuyên đêm “trẩy hội”... hút cát !
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO