Hưng Hà (Thái Bình): Dân mất đất "mòn mỏi" chờ hỗ trợ

27/04/2016 00:00

(TN&MT) – Khoảng vài tháng nay, một số hộ trong 108 hộ dân thôn Phương La 2 và Phương La 3, xã Thái Phương, huyện Hưng Hà (Thái Bình) rất phấn khởi khi được nhận khoản tiền thanh toán từ các doanh nghiệp CCN Phương La. Tuy nhiên, vẫn còn những hộ mất “tư liệu sản xuất” đang mòn mỏi chờ thanh toán.   Như Báo TN&MT đã phản ánh trong bài viết “Dân xã Thái Phương kêu cứu vì mất đất canh tác” đăng ngày 14/12/2015, 108 hộ dân thôn Phương La 2 và Phương La 3, xã Thái Phương bức xúc vì bị tước đi quyền sử dụng đất nông nghiệp sau khi được chính quyền vận động cho thuê đất có thời hạn 10 năm (từ 2003 – 2013).

Những hộ mất
Những hộ mất "tư liệu sản xuất", đặc biệt là những hộ có hoàn cảnh khó khăn đang "mòn mỏi" chờ thanh toán

Đến nay, mới có một số doanh nghiệp CCN Phương La thanh toán dứt điểm cho các hộ dân với mức giá 38 triệu đồng/sào Bắc bộ; một số doanh nghiệp chưa thanh toán dứt điểm và có những doanh nghiệp còn chưa chịu thanh toán với các hộ dân khi đã hết thời hạn 10 năm mua bán hoa lợi. Riêng Tập đoàn kinh tế Hương Sen – chủ đầu tư Dự án khu du lịch sinh thái Đền thờ Tổ họ Trần vẫn chưa có thiện chí bàn bạc với các hộ dân về việc sử dụng đất khi đã hết thời hạn.

Trong số các hộ còn lại, gia đình bà Trần Thị Mão, thôn Phương La 2 có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đang mòn mỏi chờ hỗ trợ cho diện tích ruộng 288 m2 mà gia đình đã chuyển nhượng cho ông Trần Văn Sen – Chủ dự án khu du lịch sinh thái Đền thờ Tổ họ Trần. “Từ ngày chồng mất, tôi ở có 1 mình. “Chân chùn, mắt kém” nên không làm được nghề gì, vì thế, cuộc sống ngày càng khó khăn hơn?!” – bà Mão rớm lệ chia sẻ.

Phần lớn các hộ dân chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho dự án Khu du lịch sinh thái Đền thờ Tổ họ Trần chưa nhận được hỗ trợ
Phần lớn các hộ dân chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho dự án Khu du lịch sinh thái Đền thờ Tổ họ Trần chưa nhận được hỗ trợ

Bà Nguyễn Xuân Can, thôn Phương La 2, kiếm sống bằng nghề đồng nát buồn rầu cho biết: “Thu nhập tháng cao nhất được khoảng 1 triệu đồng. Chồng tôi là người tàn tật nên được nhận hỗ trợ 360 nghìn đồng/tháng. Nếu không có con cái hỗ trợ thêm thì không biết lấy đâu ra tiền trang trải cuộc sống và mua thuốc men?!”.

Ông Trần Bá Cao – Phó Chủ tịch UBND xã Thái Phương cho biết: Hiện nay đa số các hộ dân chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho dự án Khu du lịch sinh thái Đền thờ tổ họ Trần chưa nhận được hỗ trợ. Trong khi đó, tại cuộc đối thoại ngày 28/3/2016 giữa người dân và chủ dự án – Tập đoàn kinh tế Hương Sen xuất hiện mâu thuẫn khi phía chủ dự án cung cấp đơn xin chuyển nhượng quyền sử dụng đất “lâu dài” của hầu hết các hộ; nhưng một số hộ dân lại khẳng định chữ ký trong đơn chuyển nhượng quyền sử dụng đất có trong hồ sơ lưu trữ không phải của họ, đơn cử như trường hợp của gia đình ông Vũ Văn Nõn và gia đình ông Trần Văn Phóng (thôn Phương La 2). Mặt khác, chủ dự án kiên quyết giữ quan điểm chỉ hỗ trợ những hộ có văn bản thỏa thuận về thời gian chuyển nhượng quyền sử dụng đất đến hết năm 2013.

Theo ông Trần Bá Cao, 4 doanh nghiệp còn lại trong CCN Phương La gồm công ty Tuấn Lộc, công ty Mỹ Hoa, công ty Trường Phúc, công ty Thành Bắc lại đưa ra đề nghị UBND tỉnh Thái Bình, UBND huyện Hưng Hà có văn bản nhất trí cho doanh nghiệp được trừ số kinh phí hỗ trợ nhân dân vào tiền thuê đất hàng năm; khi đó doanh nghiệp mới thực hiện giải quyết bằng biện pháp hỗ trợ kinh phí cho nhân dân.

Ông Trần Bá Cao – Phó Chủ tịch UBND xã Thái Phương trao đổi với nhóm phóng viên Báo TN&MT
Ông Trần Bá Cao – Phó Chủ tịch UBND xã Thái Phương trao đổi với nhóm phóng viên Báo TN&MT

Để làm rõ vụ việc, nhóm PV Báo TN&MT đã đặt lịch làm việc và nhiều lần liên hệ với bà Trần Thị Hải – Trưởng phòng TN&MT huyện Hưng Hà nhưng đến nay, sau nửa tháng chờ đợi, nhóm PV vẫn chưa nhận được thông tin phản hồi dưới bất kỳ hình thức nào!

Ông Trần Ngọc Tuấn – Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Thái Bình cho biết: Đất nông nghiệp đã chuyển nhượng cho các doanh nghiệp để chuyển mục đích sang đất phi nông nghiệp theo quy hoạch được duyệt thì không còn điều kiện để gia hạn sử dụng đất nông nghiệp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đã sản xuất kinh doanh và sinh lời trên mảnh đất mà các hộ dân chuyển nhượng lại quyền sử dụng đất, cần xem xét hỗ trợ cho chính sách an sinh và bảo trợ xã hội, cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Thậm chí, trong trường hợp người dân không đòi hỏi, doanh nghiệp nếu đủ điều kiện cũng nên hỗ trợ, góp phần nâng cao đời sống người dân ở địa phương nơi có cơ sở sản xuất.

“Chúng tôi cũng đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương rà soát lại từng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất để việc chuyển nhượng có đảm bảo đầy đủ mức bồi thường giải phóng mặt bằng theo chế độ chính sách lúc bấy giờ hay chưa”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Về việc các doanh nghiệp có văn bản đề nghị UBND tỉnh Thái Bình cho đối trừ tiền thuê đất, ông Trần Ngọc Tuấn cho biết: UBND tỉnh đang giao cho các ngành chức năng nghiên cứu, tham mưu. Tuy nhiên, vấn đề này còn phụ thuộc vào ngân sách. Mặt khác, vấn đề quan trọng hơn là chính sách này từ trước đến nay chưa có tiền lệ; nếu phê duyệt thì sẽ phải ban hành chính sách riêng cho vấn đề này bởi không riêng xã Thái Phương mà ở một số khu vực khác như Tiền Hải, Thái Thụy, Quỳnh Phụ, Đông Hưng… cũng gặp phải vấn đề tương tự.

Cuộc sống của hầu hết các hộ dân còn gặp nhiều khó khăn, trong khi “tư liệu sản xuất” của họ không còn sau khi chuyển nhượng có thời hạn cho các doanh nghiệp và dự án. Thiết nghĩ, các doanh nghiệp còn lại trong CCN Phương La và Tập đoàn Hương Sen cần khẩn trương giải quyết cho các hộ dân để nhanh chóng ổn định tình hình chính trị tại địa phương.  


Bài & ảnh: Tuyết Chinh – Mai Đan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hưng Hà (Thái Bình): Dân mất đất "mòn mỏi" chờ hỗ trợ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO